Chương trình hợp tác công tư (PPP): Giúp nông dân sản xuất cà phê theo hướng bền vững

Văn Tâm| 16/02/2016 09:06

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh đã kết hợp với các cơ quan liên quan triển khai Chương trình hợp tác công tư (PPP) xây dựng mô hình sản xuất cà phê bền vững trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả nhất định.

ADQuảng cáo

Trước thực trạng nông dân trong tỉnh sản xuất cà phê ở quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún, chi phí sản xuất cao, năng suất, chất lượng thấp, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý, chương trình PPP đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật và quản lý mới, tổ chức sản xuất để giải quyết các tồn tại lâu nay ở các địa phương.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thành, thành viên nhóm nông dân PPP, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) có hơn 2 ha cà phê. Ông Thành cho biết, những năm trước, gia đình chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm. Vì cứ nghĩ việc bón nhiều phân sẽ giúp năng suất cà phê tăng cao hơn, nhưng ngược lại càng về sau vườn cây càng suy giảm do mất cân đối. Từ khi tham gia chương trình PPP, nhờ được hướng dẫn cách duy trì cân bằng dinh dưỡng cho đất và cây trồng, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý nên năng suất cà phê của gia đình ông Thành luôn ổn định và tăng hơn trước 10%.

Gia đình ông Nguyễn Văn Lợi, thành viên nhóm “cánh hoa” PPP, Hợp tác xã (HTX) Đoàn Kết, xã Nam Bình (Đắk Song) cho biết: “Từ khi tham gia vào nhóm “cánh hoa” PPP, tôi đã có thêm những kinh nghiệm trong việc chăm sóc, phòng bệnh cho cây cà phê. Năng suất cà phê của gia đình không những được cải thiện mà vườn cà phê sinh trưởng, phát triển ổn định hơn”.

ADQuảng cáo

Được biết, HTX Đoàn Kết là đơn vị được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư chọn xây dựng mô hình HTX “cánh hoa” PPP làm trung tâm tại Đắk Nông. HTX có vai trò là đại diện đứng ra phối hợp với các công ty cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào và các công ty thu mua cà phê. Các nhóm nông dân PPP liên kết với HTX để có được các đơn hàng lớn và giá sỉ ưu đãi có lợi hơn.

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, chương trình PPP được triển khai tại 3 huyện gồm: Đắk R'lấp, Đắk Song và Tuy Đức từ năm 2012 đến nay. Nội dung chương trình là phối hợp Nhà nước, doanh nghiệp, các nhà đầu tư và nông dân thành lập chuỗi giá trị, các nhóm nông dân PPP, tạo mối liên kết cộng đồng, phát triển thành kinh tế tập thể dưới hình thức tổ hợp tác (THT), HTX, xóa bỏ dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tạo nên sức mạnh của sự hợp tác phát triển sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, thương hiệu sản phẩm một cách toàn diện, bền vững. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả sản xuất cà phê, nâng cao đời sống các mặt và tạo thu nhập bền vững cho nông dân, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Đến nay, chương trình đã xây dựng được 15 nhóm nông dân PPP theo mô hình sản xuất cà phê bền vững theo bộ quy tắc 4C, với 15 vườn mẫu. Tổng số 1.174 hộ nông dân tham gia, với trên diện tích 2.249 ha cà phê, năng suất bình quân đạt 3,1 tấn/ha. Từ 2012 đến nay, chương trình đã tổ chức bình quân 30 lớp tập huấn/năm cho nông dân và những người tham gia.

Riêng năm 2015, chương trình tổ chức 35 lớp tập huấn với nhiều chủ đề phong phú sinh động với 1.765 lượt người tham gia. Đồng thời, thông qua chương trình, Công ty Nestlé còn hỗ trợ 50% chi phí giống để trồng tái canh cải tạo vườn với số lượng 23.000 cây. Qua 4 năm thực hiện, chương trình đã xây dựng được mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư theo hình thức mua chung, bán chung. Chương trình góp phần tiết kiệm chi phí, duy trì năng suất ổn định năng suất bình quân hộ nông dân tham gia đạt 3,1 tấn/ha (tăng hơn 13% so với canh tác truyền thống) và tăng thu nhập cho người nông dân 16 triệu đồng/ha/năm, giảm 50% lượng khí thải nhà kính và tiết kiệm được 40% lượng nước tưới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình hợp tác công tư (PPP): Giúp nông dân sản xuất cà phê theo hướng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO