Đắk Nông hưởng lợi lớn khi giá cà phê tăng cao
Giá cà phê đang ở mức cao, đem lại nhiều lợi ích cho ngành hàng này. Phóng viên (PV) Báo Đắk Nông có cuộc trao đổi với anh Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông xung quanh vấn đề này.
PV: Anh có thể giải thích về nguyên nhân vì sao giá cà phê tăng cao trong thời gian qua?
Anh Lê Văn Hoàng: Nguyên nhân chủ yếu là do sự khan hiếm nguồn cung trên thị trường, nhất là với cà phê robusta. Sự khan hiếm vì hạn hán, diện tích giảm, cà phê mất mùa…
Cà phê cũng bị cạnh tranh bởi rất nhiều loại cây trồng khác. Trong thời gian dài, giá cà phê ở mức thấp so với các nông sản khác. Vì vậy, nông dân đã đi tìm cơ hội mới, một cây mới để phát triển, khiến diện tích cà phê giảm. Nông dân ít đầu tư, chăm sóc cà phê dẫn đến sản lượng giảm.
Chiến tranh xảy ra ở một số nước trên thế giới làm đứt gãy khâu vận chuyển hàng hóa, chuỗi cung ứng toàn cầu, làm giá thành các loại sản phẩm tăng lên…
PV: Có ý kiến cho rằng, nông dân đang hạn chế gửi cà phê ở đại lý. Theo anh, điều này có làm cho giá cà phê lên cao hay không?
Anh Lê Văn Hoàng: Cách bán hàng của nông dân đã tác động một phần đến giá cả trên thị trường. Thế nhưng, bây giờ trong dân cà phê còn rất ít. Trong khi đó, sức mua vẫn nhiều nên làm cho giá cà phê tăng cao.
Dự báo sang năm doanh nghiệp mua cà phê sẽ khó khăn hơn. Bởi, nông dân không còn gửi cà phê cho đại lý nữa mà sẽ đợi giá tăng. Điều này càng làm khan hiếm hàng hơn nữa. Những yếu tố này sẽ cực kỳ nguy hiểm cho doanh nghiệp những năm tới.
PV: Theo anh, giá cà phê ở mức cao ai sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất và nó có tác động gì đối với ngành hàng này?
Anh Lê Văn Hoàng: Từ đầu năm 2023 đến nay, giá cà phê tăng nhanh, phần lớn trên 100 triệu đồng/tấn, có những ngày tới 130 triệu đồng/tấn và khiến cho nông dân vui mừng, hưởng lợi rất nhiều.
Ngược lại, giá cà phê tăng quá cao lại làm cho nhiều chủ doanh nghiệp chịu áp lực. Doanh nghiệp nào ký kết cung ứng cà phê cho các đối tác với số lượng càng lớn thì lỗ khả năng càng nhiều.
Do đó, giá cà phê tăng cao không phải tất cả đều vui. Mặc dù vậy, giá cà phê và các loại nông sản tăng đều mang lại lợi ích, giá trị lớn cho sản xuất nông nghiệp.
Trong đó, ngành hàng cà phê sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Điều này cũng đòi hỏi nông dân phải đầu tư, chăm sóc cây cà phê nhiều hơn. Giá cao như hiện nay đã khẳng định vị thế xứng đáng của cây cà phê trong bản đồ sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng như thế giới.
Nếu cà phê tiếp tục giữ được mức giá ổn định, người dân sẽ ổn định vùng nguyên liệu. Các doanh nghiệp sẽ đầu tư sâu đối với các loại sản phẩm cà phê. Khi đó, ngành hàng cà phê sẽ từng bước được nâng tầm. Đắk Nông là một vùng trọng điểm sản xuất cà phê thì sẽ được hưởng lợi là điều rõ ràng.
PV: Là người trực tiếp làm cà phê, anh mong muốn điều gì tiếp theo đối với ngành hàng này?
Anh Lê Văn Hoàng: Nhìn vào giá cà phê hiện nay, tôi rất mừng. Bởi, mình là người trong ngành sản xuất cà phê, có vùng nguyên liệu, nên mong muốn giá cả càng cao càng tốt. Giá tốt thì nông dân chăm sóc cà phê tốt hơn, có điều kiện mở rộng vùng nguyên liệu sạch, tăng lợi nhuận.
Tôi mong muốn giá cà phê cao hơn và ổn định hơn nữa để cho vùng nguyên liệu được chất lượng hơn, thúc đẩy ngành cà phê Đắk Nông nói riêng, của Việt Nam nói chung phát triển hơn.
Mỗi năm, nông dân phải đầu tư khoảng 50-70 triệu đồng cho mỗi ha cà phê, đem lại năng suất khoảng 3 tấn cà phê nhân xô/ha. Điều này đòi hỏi lợi nhuận đem lại cho nông dân khoảng 30% trở lên thì mới bảo đảm kinh tế ở mức khá.
Như vậy, giá cà phê càng cao thì mức lợi nhuận của nông dân càng tăng. Nông dân sẽ có điều kiện phát triển sản xuất tốt hơn, cuộc sống ổn định hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn anh!