Pháp luật

Cần giải pháp đồng bộ để chống vi phạm hành lang đường bộ (kỳ 3): Đâu là giải pháp căn cơ?

Hoàng Thanh 09/05/2024 06:43

Vi phạm hành lang an toàn giao thông (ATGT) ở Đắk Nông còn dây dưa, kéo dài và cần biện pháp giải quyết dứt điểm, góp phần bảo vệ ATGT.

Tăng cường tuyên truyền

Hành lang ATGT là một bộ phận của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Nó có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm trật tự ATGT và bảo vệ công trình đường bộ.

Vì vậy, hàng năm UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, đơn vị liên quan chú trọng bảo vệ hành lang ATGT. Tuy nhiên, hiệu quả cho thấy vẫn chưa đạt các mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Vì vậy, các cấp, các ngành cần tiếp tục triển khai tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành lang ATGT. Các huyện, thành phố cần thường xuyên ra quân đồng loạt thực hiện công tác tuyên truyền, giải tỏa hành lang ATGT; tăng cường xử lý, cưỡng chế các trường hợp cố tình vi phạm trong lĩnh vực này.

Lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền cho người dân ký cam kết không vi phạm hành lang ATGT.

z5349108698293_65b7491e2a561813481c10cc92982e8c(1).jpg
Thanh tra giao thông Đắk Nông tuyên truyền cho người dân xã Trường Xuân, huyện Đắk Song về bảo vệ hành lang ATGT

Đối tượng được tuyên truyền là những hộ dân sống, kinh doanh dọc các quốc lộ, tỉnh lộ, trung tâm huyện, xã. Nội dung tuyên truyền thường cần tập trung vào việc phổ biến các nghị định, thông tư quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Trong đó nhấn mạnh các yếu tố về đất đường bộ, hành lang đường bộ, cấp đường, các quy định về xử phạt đối với các hành vi vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ… Sau các buổi tuyên truyền, tổ chức ký cam kết cho người dân không vi phạm.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với cá nhân, từ 30 - 40 triệu đồng đối với tổ chức chiếm dụng đất của đường bộ hoặc đất hành lang ATGT đường bộ để xây dựng nhà ở, mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính; phạt đến 12 triệu đồng hành vi chiếm dụng hè phố từ 5 - 10m2 làm nơi trông, giữ xe; phạt đến 4 triệu đồng hành vi đổ rác ra đường bộ không đúng nơi quy định; phạt đến 2 triệu đồng nếu treo băng rôn, biểu ngữ trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ...

Theo Ban ATGT tỉnh, trung bình mỗi năm các đơn vị đã tổ chức từ 5 buổi tuyên truyền về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, hai đơn vị thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông đã phối hợp tuyên truyền, ký cam kết cho trên 500 hộ dân ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp và xã Trường Xuân, huyện Đắk Song không vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

z5349108693000_9625c44780f0adf1bb9c73ae4996f33d(1).jpg
Người dân xã Trường Xuân, Đắk Song ký cam kết không vi phạm hành lang ATGT

Việc tuyên truyền đem lại hiệu quả rõ rệt trong bảo vệ hành lang ATGT. Những địa phương đã tổ chức tuyên truyền, ký cam kết thường ít sai phạm. Ngược lại, những địa phương chưa được tiến hành tuyên truyền số lượng vi phạm và tái vi phạm thường cao.

Cũng theo Ban ATGT tỉnh, thời gian qua, việc tuyên truyền chủ yếu do các lực lượng chuyên môn triển khai. Còn chính quyền địa phương chưa chú trọng công tác này. Đây là một trong những hạn chế lớn dẫn tới vi phạm về hành lang ATGT còn nhiều.

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

Tại Hội nghị triển khai công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười đã yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm hành lang ATGT trên địa bàn tỉnh.

Trong công tác này cần gắn trách nhiệm người đứng đầu của các địa phương trong việc xử lý vi phạm. Bởi trách nhiệm bảo vệ hành lang ATGT trước hết là của chính quyền địa phương.

phat-ngon-an-tuong-huy-5-.jpg
Đồ họa: Thế Huy

Vì vậy, cần đẩy mạnh vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp và người đứng đầu. Từ đó, triển khai thực hiện theo đúng chức năng thẩm quyền, nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Trên thực tế, nếu chính quyền địa phương phát hiện kịp thời, xử lý dứt điểm ngay từ ban đầu, thậm chí cưỡng chế, xử phạt những trường hợp xâm phạm hành lang ATGT ngay từ cơ sở thì sẽ giải quyết ngay được nhiều vụ vi phạm.

Nhiều trường hợp lực lượng chức năng phát hiện vi phạm hành lang ATGT, nhưng không thể xử lý. Chẳng hạn như nhiều hộ dân vi phạm được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn với đất đường bộ, hành lang ATGT.

img_0142(1).jpg
Một hộ dân ở xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong làm nhà vi phạm đất hành lang ATGT

Các trường hợp này cần được UBND các huyện, thành phố hoặc Sở TN - MT hiệu chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi mới có thể tháo dỡ công trình vi phạm. Thực tế này đòi hỏi chính quyền địa phương nêu cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chuyên ngành mới có thể xử lý, giải quyết được.

Tập trung giải tỏa hành lang đường bộ

Một tồn tại khác cần khắc phục hiện nay là khâu vướng mắc trong thu hồi đất để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông; thu hồi đất trong phạm vi hành lang ATGT đường bộ.

Trong đó, vướng mắc lớn nhất là việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hạị cho người bị thu hồi đất. Các vướng mắc này khiến cho việc giải tỏa, bảo đảm hành lang ATGT nhiều nơi chưa thực hiện được.

Ngoài ra, nhiều tuyến tỉnh lộ trong quá trình nâng cấp chưa gắn cột mốc hành lang ATGT đường bộ. Do đó, nhiều hộ dân đã làm một số công trình trong phạm vi đất thuộc hành lang ATGT. Điều này dẫn đến việc thiếu cơ sở pháp lý để giải tỏa hành lang ATGT.

Theo ông Nguyễn Nhân Bản, Giám đốc Sở GT-VT, Phó Ban ATGT tỉnh, việc ra quân giải tỏa vi phạm hành lang ATGT chủ yếu đang triển khai theo đợt, chưa thường xuyên nên kết quả giải tỏa còn hạn chế, tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm vẫn diễn ra phổ biến.

img_4358(1).jpg
Lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông ra quân lập lại trật tự ATGT

Để thực hiện có hiệu quả giải tỏa hành lang ATGT, các sở, ngành và địa phương cấp huyện, cấp xã cần ra quân bài bản, duy trì lực lượng thường xuyên để chống tái lấn chiếm vi phạm hành lang ATGT.

Đồng thời, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các ban ngành liên quan, người dân cần nâng cao ý thức, tuân thủ pháp luật về trật tự ATGT, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

Cũng theo ông Bản, chính quyền cấp xã cần thành lập các tổ công tác để thường xuyên kiểm tra, xử lý các điểm mới phát sinh vi phạm hành lang ATGT đường bộ và những vị trí đã cưỡng chế, giải tỏa, tổ chức cắm cọc tiêu, đặt biển báo hiệu.

Các ngành có liên quan, chính quyền cơ sở, lực lượng chức năng cần phối hợp triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, vận động, đến ra quân tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý vi phạm, bảo đảm duy trì kết quả đã đạt được và chống tái lấn chiếm, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các vi phạm mới.

Các địa phương cần triển khai, bố trí các khu buôn bán tập trung để tạo thói quen kinh doanh văn minh, lịch sự cho người dân. Đồng thời, các địa phương tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không vi phạm, tái phạm việc lấn chiếm, sử dụng hành lang ATGT đường bộ...

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần giải pháp đồng bộ để chống vi phạm hành lang đường bộ (kỳ 3): Đâu là giải pháp căn cơ?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO