Chú trọng các biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây trồng

Hà An| 22/10/2015 09:49

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian gần đây, do thời tiết về sáng nhiệt độ thấp, sương mù rải rác, kết hợp thời tiết nắng mưa xen kẽ trong ngày, độ ẩm đất và độ ẩm không khí cao nên đã tạo điều kiện thuận lợi để một số dịch hại phát sinh, ảnh hưởng đến cây trồng, nhất là các cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cao su, điều...

ADQuảng cáo

Trên cây cà phê, về bệnh hại xuất hiện chủ yếu vẫn là rỉ sắt, đốm mắt cua, thối thân, nấm hồng, thán thư do nấm Colletotrichumcofeanum gây hiện tượng khô cành, rụng trái ở nhiều diện tích. Tuy không mang tính đại trà nhưng những bệnh hại này nếu không phát hiện, xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ và sức khỏe của cây trồng.

Bên cạnh đó, tại nhiều vườn cà phê thời gian gần đây cũng xuất hiện sâu hại chủ yếu như: Rệp, rầy các loại hại chùm quả, chồi non và sâu đục thân, đục cành. Ngoài ra, một số vùng đất thoát nước kém còn có hiện tượng nấm, tuyến trùng, ve sầu hại bộ rễ đối với cây cà phê.

Trên cây hồ tiêu chủ yếu xuất hiện các bệnh đốm tảo, thán thư, xoăn đọt… Một số vườn tiêu trồng ở chân đất thoát nước kém còn xuất hiện bệnh hại rễ do nấm Phytophtora và tuyến trùng gây vàng lá, chết nhanh, chết chậm rải rác. Sâu hại chủ yếu như rầy, rệp chích hút các bộ phận non như đọt, chùm quả non…

Ông Ma Văn Biểu, thôn Đắk Rtăng, xã Quảng Tân (Tuy Đức) xử lý những trụ tiêu bị dịch bệnh

ADQuảng cáo

Đối với cây điều, thời gian gần đây, rải rác ở nhiều vườn điều xuất hiện sâu đục thân cành, bọ xít muỗi, sâu phồng lá, sâu róm đỏ, sâu vẽ bùa gây hại, ảnh hưởng đến năng suất. Bệnh phấn trắng, héo đen đầu lá, bệnh vàng lá do nấm Corynespora cassiicola làm khô loét miệng cạo, rụng lá trong mùa mưa cũng đang gây hại rải rác ở các vườn cao su.

Cũng theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11 là thời điểm quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng của một số cây trồng, nhất là cà phê, tiêu. Đây cũng là thời điểm có chế độ khí hậu khá “nhạy cảm”, dễ phát sinh bệnh hại cây trồng. Vì vậy, nông dân cần chú ý phòng trừ một số đối tượng dịch hại trong mùa mưa như bệnh rỉ sắt, mắt cua, đốm hồng, thán thư thối thân, nấm tuyến trùng, ve sầu gây hại bộ rễ cây cà phê.

Ngoài ra, nông dân cần chú ý đề phòng bệnh vàng lá sinh lý do thời tiết, thiếu dinh dưỡng và các chất trung vi lượng. Đặc biệt, đây là thời kỳ quả gần cho thu hoạch, nông dân cần phòng trừ bệnh thối cành, thối quả gây rụng quả do nấm Colletotrichumcofeanum. Đối với cây tiêu, cần tiếp tục phòng trừ, ngăn ngừa bệnh hại rễ do nấm Phytophtora, tuyến trùng rễ, bệnh thán thư, cháy đen đầu lá. Nông dân cần thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm, kịp thời xử lý các trụ tiêu bị bệnh, không để lây lan.

Để phòng bệnh trên cây trồng một cách hiệu quả, kịp thời, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), nhất là chú ý chế độ dinh dưỡng, bón phân cân đối, đầy đủ kết hợp cắt cành, tạo tán, vệ sinh vườn sạch sẽ. Trong quá trình nuôi lớn trái, người dân cần bón phân kịp thời, đầy đủ để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Ngoài các yếu tố đa lượng như N,P, K cũng cần bổ sung các nguyên tố trung, vi lượng như Ca, S, Mg, Cu, Zn, Bo…để giúp cây nuôi quả lớn và giữ cành cho mùa sau.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú trọng các biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO