Cảnh giác với hiện tượng thời tiết nguy hiểm khi chuyển mùa

Hồng Thoan| 20/04/2012 15:27

Khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5 hàng năm ở Đắk Nông là giai đoạn chuyển mùa, thường xuất hiện những hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm...

ADQuảng cáo

Khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5 hàng năm ở Đắk Nông là giai đoạn chuyển mùa, thường xuất hiện những hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm. Năm nay, tình hình khí tượng, thủy văn cũng đang có những chuyển biến bất thường, cụ thể như việc xuất hiện các cơn mưa trái mùa với lượng mưa lớn, trong khi đó nắng nóng vẫn không có dấu hiệu suy giảm, khô hạn cục bộ vẫn xảy ra đã ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sức khỏe cũng như việc phát triển của cây trồng, vật nuôi. Do đó, các ngành, địa phương và người dân cần chủ động có kế hoạch đối phó với những hiện tượng thời tiết bất thường này trong sản xuất, cũng như bảo vệ sức khỏe, tài sản của nhân dân.

Trận lốc xoáy vào ngày 16/4/2012 tại bản Đoàn Kết, xã Đắk Ngo (Tuy Đức) làm nhiều ngôi nhà sập đổ hoàn toàn

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng, Thủy văn Đắk Nông thì thời điểm giao mùa hiện nay, thời tiết trong tỉnh có đặc điểm chung là ban ngày thì nắng nóng nhưng đến khoảng chiều tối thì xuất hiện mưa, thậm chí mưa rất to. Trời càng nắng nóng thì càng dễ xuất hiện những trận mưa dông nhiệt có kèm theo lốc tố, sấm sét và mưa đá. Gió lốc xuất hiện trong các cơn dông cũng dữ dội như bão tố, nó có thể nhổ cây, làm sập và phá hủy nhà cửa… Cùng với gió lốc, mưa đá cũng thường xuất hiện trong các cơn dông, thường đi kèm với mưa rào cường độ lớn, trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Mưa đá rơi trong khí quyển với vận tốc rất lớn, dao động trong khoảng 30 – 60m/s, cá biệt có thể tới 90m/s. Những trận mưa đá kéo dài từ vài phút trở lên có thể hủy hoại đáng kể cây trồng, làm mất mùa một phần hoặc toàn phần, ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc, phương tiện giao thông, gây thương tích hoặc làm chết gia súc, gia cầm và có khi là cả con người. Các huyện Đắk R’lấp, Tuy Đức, Krông Nô trong thời gian gần đây đã xảy ra lốc tố kèm theo mưa đá tại những vùng canh tác các loại cây trồng có giá trị kinh tế như hoa, cây ăn trái, cà phê, cao su, hồ tiêu, bông vải, rau màu… Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 100 ngôi nhà bị nước cuốn trôi, gió làm tốc mái, sụp đổ hoàn toàn và hơn 40 ha cây công nghiệp và cây hoa màu bị hư hại, với tổng thiệt hại trên 2 tỷ đồng. Thiệt hại về kinh tế là rất lớn nên mọi người dân cần nêu cao cảnh giác, chủ động phòng tránh.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thì để giảm nhẹ những thiệt hại do thiên tai, hàng năm, đơn vị đều ra những thông báo, cảnh báo cho người dân về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lũ quét, trượt lở, nứt đất, sét đánh, lốc tố và cách phòng chống nhưng xem ra người dân vẫn còn chủ quan. Trong năm nay, giai đoạn chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, thời tiết cũng sẽ có nhiều biến động, là thời kỳ xảy ra nhiều mưa dông kèm theo sấm sét và gió lốc. Đây là các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, xuất hiện và gây hại nhanh, bất ngờ, rất khó dự báo chính xác về thời gian xuất hiện, vùng ảnh hưởng và mức độ gây hại. Do đó, các cấp, các ngành, chính quyền và nhân dân các địa phương cần chú ý đề phòng và chủ động các biện pháp hạn chế thiệt hại như chằng chống nhà cửa, tuân thủ các nguyên tắc an toàn khi sử dụng vận hành máy móc thiết bị điện, điện tử dùng trong sản xuất và sinh hoạt; thực hiện các phương pháp thích hợp để bảo vệ cây trồng, bảo vệ mùa màng. Về lâu dài, ngành chức năng của tỉnh và các huyện, thị đang triển khai các chương trình, dự án nhằm đưa ra những phương án chủ động phòng tránh, giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai như các dự án về rà soát, lập bản đồ phân vùng lũ quét, lũ ống; rà soát, lập bản đồ phân vùng ngập lụt, khô hạn, sạt lở bờ sông và nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết…

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với hiện tượng thời tiết nguy hiểm khi chuyển mùa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO