Kinh tế

Nước sạch - Tiêu chí hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Đắk Nông

Hưng Nguyên 06/07/2024 17:02

Nước sạch, hợp vệ sinh là yếu tố quan trọng để nâng cao đời sống người dân và đây cũng là tiêu chí hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Bám thực tiễn để nguồn nước hợp vệ sinh

Xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp là xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao đầu tiên của tỉnh Đắk Nông. Trong xây dựng NTM, Đắk Wer đặc biệt quan tâm đến mọi mặt đời sống người dân.

Xã Đắk Wer có diện tích tự nhiên 4.572ha, dân số 10.000 nhân khẩu, địa bàn rộng, dân cư sống tập trung và rải rác.

Ông Võ Ngọc Anh, Quyền Chủ tịch UBND xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp cho biết, trong điều kiện địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, công trình nước tập trung chưa phát huy hiệu quả, xã đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp để sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh.

Hiện nay, khoảng 95% người dân của xã sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh từ nguồn giếng khoan, giếng đào kết hợp sử dụng máy lọc nước hộ gia đình.

nuocsachntm-4-(1).jpg
Ông Lô Việt Hùng, ở thôn 1, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp sử dụng nước qua máy lọc

Ông Lô Việt Hùng, ở thôn 1, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp đã định cư ở địa phương nhiều năm nay. Trước đây gia đình ông sử dụng nguồn nước trực tiếp từ giếng đào, giếng khoan cho gia đình sử dụng.

Xây dựng NTM, xã đã tuyên truyền, hướng dẫn ông nâng cao chất lượng nước sinh hoạt bằng máy lọc nước gia đình. Ông Hùng cho biết, gia đình tôi có 7 thành viên, 3 thế hệ cùng sinh sống, tôi sắm máy lọc nước thay đầu lọc định kỳ để luôn có nước sạch uống, nấu ăn.

Tương tự, ông Nguyễn Đức Hợi, ở thôn 1, xã Đắk Wer cũng đầu tư máy lọc nước sau khi chủ động khoan giếng để cung cấp nước sinh hoạt cho gia đình.

Ông Hợi cho biết, thói quen và lối sống ở địa phương phù hợp với việc tự cung, tự cấp nước sinh hoạt. Dựa vào điều kiện của gia đình, tôi nâng cao chất lượng nguồn nước bằng việc mua máy lọc để gia đình được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.

Huyện Đắk R’lấp đang xây dựng huyện NTM, đối với tiêu chí nước sạch, huyện đặc biệt quan tâm để nâng cao đời sống người dân.

Ông Nguyễn Thành Nên, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk R’lấp cho biết, thực tiễn tại địa phương cho thấy, đây là địa bàn rộng, dân cư thưa thớt và bao phủ trên diện rộng.

Một số vùng dân cư không phù hợp để xây dựng các công trình nước tập trung. Hiện nay, dựa vào thực tế này, huyện đã vận động người dân sử dụng các công trình nước sạch hộ gia đình theo hình thức chủ động nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan kết hợp qua hệ thống lọc để bảo đảm nước hợp vệ sinh, phù hợp và thuận lợi theo cách sống của người dân địa phương.

94% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh

Xã biên giới Thuận An, huyện Đắk Mil đã đạt NTM nâng cao. Để thực hiện việc cấp nước sạch cho người dân theo tiêu chí NTM, xã đã xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung.

Công trình đang cung cấp nước cho 300 hộ dân trên địa bàn theo hình thức dẫn nước đến tận hộ gia đình và thu tiền theo khối lượng nước sử dụng.

nuocsachntm-1-(1).jpg
Công trình cấp nước sạch tập trung xã Thuận An, huyện Đắk Mil đang hoạt động hiệu quả

Gia đình bà Phạm Thị Kim Lan, ở thôn Thuận Thành, xã Thuận An, huyện Đắk Mil được lắp đặt hệ thống nước vào khu sinh hoạt của gia đình. Khi cần sử dụng nước bà Lan chỉ cần mở khóa thay vì phải mua bồn chứa và các hệ thống máy bơm.

Bà Lan cho biết, bà sử dụng nước từ điểm cung cấp nước sạch của xã nhiều năm nay. Gia đình trước đây không có giếng, nên từ khi có công trình đã giúp bà thuận lợi trong sinh hoạt và giảm thiểu chi phí đầu tư khoan giếng. Nước nhà máy cung cấp giúp bà thuận lợi trong sinh hoạt.

Thuận An là xã biên giới của huyện Đắk Mil với diện tích tự nhiên trên 6.100ha và trên 11.600 nhân khẩu. Ông Trần Khắc Dũng, Chủ tịch UBND xã Thuận An, huyện Đắk Mil cho biết, đặc thù của địa phương địa bàn rộng, dân cư tập trung và rải rác.

Do đó, ngoài công trình nước tập trung, xã tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các nguồn nước hợp vệ sinh, phù hợp với lối sống, sinh hoạt.

Nguồn nước giếng khoan, giếng đào kết hợp với máy lọc nước sẽ phù hợp với người dân một số địa bàn để bảo đảm người dân sử dụng nước hợp vệ sinh và đáp ứng tiêu chí NTM.

Bác sĩ Nguyễn Đăng Trung, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil cho biết, thời gian qua, người dân trên địa bàn huyện sử dụng các nguồn nước hợp vệ sinh đã giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh ngoài da, ảnh hưởng tới sức khỏe. Nước sinh hoạt nông thôn đang góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe cho người dân.

Theo Sở NN-PTNT, Đắk Nông hiện có khoảng 94% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Các nguồn nước được người dân sử dụng là nước hợp vệ sinh từ nguồn nước tập trung, giếng khoan, hồ chứa… kết hợp máy lọc nước.

Theo yêu cầu về Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh yêu cầu quy chuẩn phải phù hợp với đặc thù, tình hình thực tế tại địa phương.

Về đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, công nghệ xử lý nước tại các đơn vị cấp nước, chất lượng nguồn nước nguyên liệu (nước mặt, sông, hồ, nước ngầm…), chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt phải bảo đảm.

nuocsachntm-2-(1).jpg
Nước sạch, hợp vệ sinh đang góp phần nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn

Khi các công trình cung cấp nước tập trung còn chưa phát huy hiệu quả, độ bao phủ của công trình nước ở một số địa bàn không phù hợp vì thì việc bám vào thực tiễn, lối sinh hoạt của người dân để nâng cao chất lượng nguồn nước sinh hoạt, đáp ứng tiêu chí nước sạch, hợp vệ sinh trong xây dựng NTM được xem là giải pháp phù hợp và hiệu quả để nâng cao đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Nước sạch - Tiêu chí hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO