Trái tim của mẹ

11/11/2022 08:26

Truyện ngắn của Cao Việt Cường

ADQuảng cáo

Theo sự chỉ dẫn của bà chủ quán tạp hóa ở đầu làng, lòng vòng một hồi, Tài cũng tìm được nhà của cô Phượng. Lúc chỉ đường cho anh, bà chủ quán tạp hóa nhìn anh thăm dò:

- Anh tìm nhà cô Phượng có việc gì đó? Người làng tôi dạo này ít tiếp xúc với chị ấy.  Nghĩ cũng tội nhưng mà thật tôi cũng chẳng hiểu sao chị ấy làm thế. Mang tiếng ra...

Chị ta liếc mắt nhìn chiếc túi trên tay anh:

- Mấy nay cũng có vài người tìm đến nhà, anh cũng đến để trả ơn hả? Chắc cũng kha khá đấy nhỉ?

Tài thấy khó chịu trước ánh mắt tò mò của người chủ quán. Anh định giải thích vài câu nhưng rồi lại thấy không cần thiết. Có khi nói ra, người ta lại nghĩ mình chột dạ. Anh cảm ơn rồi vội vàng bước theo hướng được chỉ dẫn, bỏ lại phía sau cái nhìn dò xét sắc lẻm đến mức có cảm giác bỏng rát cả lưng.

Đứng trước căn nhà nằm chơ vơ trên mảnh đất nhỏ cuối làng, cửa nhà nhìn ra phía cánh đồng vừa qua mùa gặt chỉ còn trơ gốc rạ, gió thông thốc thổi như muốn hất bay mái tôn, anh phần nào hiểu được suy nghĩ của bà chủ quán tạp hóa và những lời đàm tiếu, đồn thổi của dân làng. Cái nghèo khổ, khốn khó theo bóng chiều ụp xuống căn nhà chỉ nhỉnh hơn túp lều một chút, tường vôi loang lổ, bong tróc lộ cả mảng gạch xỉn màu vì dãi dầm mưa nắng. Chẳng có cổng nẻo, nền sân đất thốc bụi. Một vài ngọn cỏ chưa kịp dọn bò loang đến thềm nhà, sắt lại, úa vàng vì nắng và gió hàng ngày dội về từ phía cánh đồng. Mùi nhang trầm lẩn quất trong không khí như càng gợi thêm nỗi cô quạnh, đìu hiu của căn nhà. Tài đứng trước nhà, khẽ gọi:

- Cô Phượng ơi! Cô Phượng có nhà không ạ?

Tiếng chân ghế kéo trên nền đất rin rít, tiếng dép loẹt quẹt vọng ra. Người phụ nữ gầy gò, mỏng manh, khắc khổ từ trong nhà bước ra, nheo nheo cặp mắt sưng đỏ kéo mờ hơi nước, giọng nghèn nghẹt:

- Tôi Phượng đây. Cậu là...?

Nhìn khuôn mặt người phụ nữ, Tài thấy ngờ ngợ như đã gặp ở đâu. Trong đầu anh lóe lên hình ảnh một đêm mưa gió, vắng vẻ cách đây ít lâu. Nhưng anh không chắc chắn lắm. Hôm ấy, anh không nhìn kỹ mặt người phụ nữ đi nhờ xe nhưng cô Phượng nhìn già hơn nhiều, mái tóc cô đã gần như bạc trắng hết. Xua ý nghĩ trong đầu mình, tự nhủ trên đời này người và người giống nhau đâu có thiếu gì, anh bước lại gần, khẽ thưa:

- Cháu chào cô. Cháu tên Tài. Hôm nay, cháu đến đây xin phép cô thắp hương cho em và có đôi lời cảm ơn cô ạ.

Cô Phượng run run đốt nhanh rồi đưa cho Tài. Anh chắp tay, cúi đầu. Người thanh niên trẻ măng trên di ảnh có nụ cười hiền lành và vầng trán thông minh. Nghe nói cậu rất ngoan và học giỏi.

Cô Phượng rót cho anh một ly trà. Thứ trà được nấu bằng lá đinh lăng phơi khô có vị thơm nhàn nhạt. Có vẻ như tâm trạng cô đã bình tĩnh hơn lúc anh mới đến. Cô nhìn anh, phân vân:

- Hình như cô gặp cháu ở đâu rồi? Cháu có phải là cậu tài xế tốt bụng cho cô đi nhờ xe. Đúng rồi, đúng là cháu…

Dù đã ngờ ngợ, anh vẫn có chút sửng sốt. Chỉ mới gần hai tháng mà cô đã già và tiều tụy nhiều quá. Nhưng cũng chẳng thể khác được. Có người mẹ nào trước nỗi đau lớn đến nhường ấy mà có thể không đau buồn, suy sụp.

Minh họa: Nguồn tuoitre.vn

Tài là tài xế xe tải. Công việc hàng ngày của anh là chở hàng hóa từ kho phân phối đến các đại lý. Anh thường xuyên tăng ca để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Đêm ấy, anh về muộn. Trời mưa rả rích. Mưa không to nhưng dày hạt và kéo dài, đủ khiến người ta cảm thấy lạnh lẽo. Từ phía xa, qua ánh đèn xe hắt lên, anh thấy có bóng người đứng vẫy tay đón xe. Anh thấy hơi sờ sợ. Giữa đoạn đường vắng trong đêm mưa gió sao lại có người đứng bắt xe. Thông tin thời sự, các trang mạng thường xuyên đưa tin tức về việc có một nhóm người lợi dụng lòng tốt của người khác để dàn cảnh cướp bóc, thậm chí giết người cướp của. Hay ma quỷ hiện lên treo ghẹo người? Cánh tài xế thường kể cho nhau nghe đoạn đường này trước kia gần nghĩa địa, sau mở rộng đường mới di dời đi nên thi thoảng vào những đêm mưa gió thường có ma quỷ hiện lên trêu ghẹo người qua đường. Nghĩ đến đây, anh thấy rợn cả tóc gáy. Anh phóng xe qua. Nhưng rồi, anh đi chậm lại. Bình thường chạy xe trên đường, gặp cảnh tai nạn, anh vẫn dừng lại giúp đỡ. Mọi người bảo phải kiêng để tránh xui xẻo nhưng anh nghĩ làm việc tốt thì chẳng việc gì phải kiêng kị. Cũng có lúc vì giúp người mà anh bị người nhà nạn nhân hiểu lầm, chửi bới, động tay động chân. Nhưng anh chưa bao giờ hối hận khi giúp đỡ người khác. Cho xe lùi lại, nhìn thấy bên đường là một người phụ nữ luống tuổi, gày gò, nhỏ bé trong chiếc áo mưa mỏng manh, cánh tay buông thõng cúi đầu bất lực, anh hạ cửa kính hỏi:

- Sao đêm hôm mà cô lại đứng đây đón xe thế này? Giờ này đã khuya lại mưa gió thì lấy đâu ra xe.

ADQuảng cáo

Người phụ nữ ngước khuôn mặt đẫm nước mưa nhìn anh, khẩn khoản:

- Tôi có việc gấp cần vào thành phố ngay mà giờ này không còn xe. Gọi taxi muộn quá họ cũng không chạy. Chú cho tôi đi nhờ rồi hết bao nhiều tiền tôi gửi.

Như để chứng minh, cô vén áo mưa, lần trong túi áo móc ra xấp tiền cũ được buộc cẩn thận bằng dây thun. Tài mở cửa xe:

- Cô lên đi. Cháu cho cô đi nhờ đến đầu thành phố rồi cô bắt xe ôm đi tiếp nhé. Xe của cháu không chạy vào nội thành được.

Người phụ nữ vội vàng bước lên xe cùng với những lời cảm ơn rối rít. Tài tập trung lái xe. Anh không phải người tò mò nên không hỏi người phụ nữ ấy có việc gì gấp mà giữa đêm tìm bắt xe vào thành phố. Người phụ nữ cũng im lặng, không trò chuyện. Dù cố nén, thi thoảng cô vẫn không ngăn được tiếng nức nở nghẹn ứ trong cổ họng. Gặp lại, Tài mới biết đêm ấy cô vào viện với con trai.

Cậu thanh niên có nụ cười thật hiền và vầng trán thông minh ấy là con trai duy nhất của cô Phượng. Chồng mất sớm, cô tần tảo nuôi con khôn lớn. Chẳng mong gì cao sang, chỉ mong con mạnh khỏe nên người. Nhà nghèo, vất vả, thương mẹ nên cậu bé trưởng thành sớm hơn các bạn cùng trang lứa. Thi đỗ đại học với điểm số cao nhất huyện nhưng cậu định bỏ học vì sợ mẹ vất vả. Cô Phượng phải động viên mãi rằng cô còn khỏe, còn có thể lo được. Cậu nhập học, quyết tâm học giỏi lấy học bổng và kiếm việc làm thêm để đỡ đần cho mẹ. Từ năm nhất cậu đã đi phụ quán cơm, phục vụ nhà hàng rồi làm gia sư để trang trải. Đầu năm vừa rồi, cậu dành dụm mua được một chiếc xe máy cũ để chạy grap những lúc rảnh rỗi sau giờ học. Ai ngờ đâu, tai nạn thảm khốc đã cướp mất cậu khỏi vòng tay của mẹ.

Cô Phượng rót thêm trà cho Tài. Cô kể cho anh nghe mà như thủ thỉ với chính mình:

- Nó thương mẹ lắm. Nó bảo nhà nghèo không có tiền mua nhân sâm nên nó trồng đinh lăng, loại sâm của người nghèo cho tôi. Lá non hái nấu canh, lá già hái phơi đun nước uống. Nó còn bảo chờ mấy năm nữa củ to, nó đào lên ngâm cho tôi uống, tốt chẳng kém gì nhân sâm Hàn Quốc. Vậy mà...

Tài nhấp một ngụm trà. Ly trà thơm thảo và ngọt lành như tấm lòng của cậu thanh niên hiếu thảo khiến anh thấy lòng nghèn nghẹn. Cậu thanh niên ấy, đến lúc không còn nữa vẫn dành tấm lòng thơm thảo của mình dâng tặng cuộc đời.

- Lúc bác sĩ thông báo con mình bị chết não, cô nghe như sét đánh ngang tai. Cay đắng lắm chứ. Nghiệt ngã lắm chứ. Cô đã ngồi bất động cả ngày chỉ để nắm tay con, mong chút hơi ấm từ tay mình truyền cho con sức mạnh, biết đâu có điều kỳ diệu. Nhưng rồi, cô phải chấp nhận sự thật. Cô nhớ trước lúc bị tai nạn, nó gọi điện về xin phép cô cho nó hiến tạng. Cô gạt đi, bảo đang sống khỏe mạnh tự nhiên làm điều gở. Nó năn nỉ không được nên thôi. Giờ nhìn nó nằm bất động, cô nhớ tới mong muốn ấy.

Cô gục đầu trước bàn thờ, nửa như giải thích với Tài, nửa như tâm sự với con:

- Người gây tai nạn cho con trai cô cũng nghèo, vợ đau, con ốm, chạy vạy khắp nơi vay được ít tiền để bồi thường. Nhưng cô không lấy. Có người ác miệng bảo, cô bán con lấy được nhiều tiền nên cần gì mấy đồng bồi thường nữa. Đau lắm cháu ạ. Nhưng cô không so đo. Trên đời này, có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của một người mẹ mất đi đứa con ruột rà máu mủ của mình nữa đâu cháu.

Cô Phượng nấc nghẹn. Tài bước lại gần cô. Anh muốn nói lời cảm ơn từ tận đáy lòng dành cho người mẹ nhỏ bé nhưng bao dung và vĩ đại ấy nhưng nghẹn ngào mãi chẳng thành lời. Vợ anh bị bệnh thận gần chục năm nay, chạy chữa khắp nơi mà chẳng khỏi. Bác sĩ bảo nếu không tìm được thận phù hợp để ghép thì vợ anh chẳng còn nhiều thời gian nữa. Anh sẵn sàng hiến cho vợ mình nhưng thận của anh không phù hợp với vợ. Mẹ vợ thì đã già yếu. Vợ anh lại là con một, chẳng có anh chị em. Nhờ có thận của con trai cô Phượng mà vợ anh được cứu sống, trở lại mạnh khỏe. Chẳng riêng gì vợ anh, từ tấm lòng của cô Phượng và con trai cô mà có người được nhìn thấy ánh sáng, có người lại có được những nhịp đập của trái tim khỏe mạnh, có người được ghép gan. Biết bao sự sống đã được hồi sinh một cách diệu kỳ.

Tự nhiên, một suy nghĩ lóe lên trong anh. Thay vì an ủi cô Phượng, anh lại bảo:

- Ngay ngày mai, cháu cũng sẽ làm thủ tục đăng ký hiến tạng cô ạ. Khi nào vợ cháu khỏe hẳn, cháu sẽ đưa vợ đến thăm cô, cảm ơn cô, thắp cho em nén nhang.

Cô Phượng ngắm nhìn di ảnh con trai, một lúc lâu sau, cô mới lên tiếng:

- Có lẽ cô cũng sẽ đăng ký. Làm điều tốt thì cần gì kiêng kị.

Tài thấy trong đôi mắt cô Phượng như có nắng. Nắng tỏa từ trái tim của một người mẹ nhân hậu, bao dung...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trái tim của mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO