Văn nghệ

Miếng cồn khởi nguồn tai nạn

Cao Đào 15/04/2024 09:20

Trong lần về thăm quê gần đây, gặp một người bạn gần nhà đi tập tễnh, tôi hỏi thì được bạn cho biết bị ngã xe khi đã ngà ngà say. Đúng là “miếng cồn khởi nguồn tai nạn”.

Sau buổi liên hoan quá chén, nghĩ đoạn đường về nhà chỉ gần hai cây số, có gọi xe cũng không ai chở nên bạn chủ quan tự chạy xe về nhà. Gần về tới nhà, cơn buồn ngủ ập đến khiến bạn lạc tay lái, lao vào gốc cây ven đường. Phương tiện bị hư hỏng và chân bị đau đi khập khiễng cả tháng chưa hết nhưng may là không tông vào ai cũng như không bị thương quá nặng. Nhưng cú ngã ấy đã khiến bạn nhận được một bài học nhớ đời, kiên quyết từ chối bia rượu khi lái xe.

Nếu như người bạn trên của tôi quyết tâm từ bỏ bia rượu khi lái xe vì đã nhận được “bài học nhớ đời” thì lại có nhiều trường hợp hạn chế uống rượu bia vì… sợ phạt. Như đã thành thông lệ, cuối tuần nào cánh đàn ông khu vực tôi sinh sống cũng rủ nhau “làm vài ly”. Thôi thì đủ lý do. Nào là gặp nhau nói chuyện tăng cường tình đoàn kết xóm giềng. Nào là giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi sau một tuần làm việc vất vả. Nào là giải mỏi, giãn gân cốt. Địa điểm thường là ngoài quán vì không muốn phiền hà và chịu đựng tiếng càu nhàu của các bà vợ. Nhưng từ khi Luật phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 có hiệu lực, tình trạng tụ tập uống bia rượu, ép nhau trên bàn nhậu đã được hạn chế. Thời gian vừa qua, việc lực lượng công an quyết liệt xử lý các lái xe vi phạm nồng độ cồn với quan điểm nhất quán: không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của người dân, những người ủng hộ tuyệt đối chủ trương này có lẽ là… các bà vợ.

Không khó để nhận thấy tình trạng giao thông lộn xộn ở nước ta mà nguyên nhân chủ yếu là ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao, nhất là vi phạm về nồng độ cồn. Theo số liệu thống kê, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức độ tiêu thụ bình quân trên đầu người. Theo Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, trong quý I/2024, cả nước đã xử phạt hơn 1 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó, vi phạm nồng độ cồn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các lỗi bị xử phạt với hơn 275.000 trường hợp.

Có thể thấy, mặc dù đã siết chặt và quyết liệt xử lý nhưng tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn vẫn ở mức cao. Điều này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông. Có không ít trường hợp bị tai nạn “oan” vì tham gia giao thông đúng luật, cẩn thận nhưng bị chính những người phóng nhanh, vượt ẩu, lái xe khi đã uống rượu, bia tông phải, để lại nhiều hệ lụy cho xã hội. Bên cạnh đó, không hiếm những trường hợp người vi phạm luật giao thông say xỉn, sử dụng hung khí tấn công lực lượng thi hành nhiệm vụ, có đối tượng khi “xin tha” không được đã nổi nóng đốt xe của mình, vừa gây thiệt hại tài sản, gây nguy hiểm cho người đi đường, đồng thời bị khép vào tội chống người thi hành công vụ. Nhìn vào thực tế, cho dù đã quyết liệt, nghiêm khắc và đề ra mức phạt cao nhưng các trường hợp vi phạm vẫn xảy ra với số lượng không hề nhỏ, cho thấy cần tiếp tục sâu sát hơn nữa để có thể xây dựng một xã hội giao thông văn minh như câu khẩu hiệu “Đã uống rượu bia, không lái xe” vẫn hàng ngày, hàng giờ được tuyên truyền.

Ngoài việc giảm các vụ tai nạn giao thông, một lợi ích của việc siết chặt quản lý nồng độ cồn mà tôi tin rằng bất cứ gia đình nào cũng có thể thấy rõ, đó là việc khi người chồng hạn chế các cuộc nhậu sẽ có thời gian dành cho gia đình, con cái, sức khỏe được cải thiện, bớt các chi phí phát sinh cho các cuộc nhậu. Bởi thế mà không khí trong gia đình trở nên vui vẻ, hạnh phúc hơn. Một người chị làm cùng cơ quan với tôi dạo gần đây như trẻ ra đến chục tuổi. Khi được hỏi bí quyết, chị chỉ bảo nhờ lực lượng chức năng xử lý vi phạm nồng độ cồn một cách quyết liệt, triệt để. Chồng chị vì thế mà ngần ngại khi có lời mời nhậu. Uống vào mà chạy xe thì có khi bị phạt cả tháng lương, lại ảnh hưởng đến công việc. Gọi xe thì địa điểm xa tốn kém nên anh thường từ chối. Cuộc nào không thể từ chối, anh gọi xe taxi, chị ở nhà cũng không phải lo ngay ngáy, sợ anh uống nhiều lái xe không an toàn nữa. Tâm lý thoải mái, vui vẻ thì khắc trẻ đẹp ra.

Dẫu khẳng định “uống thêm một ly, dễ đi bệnh viện”, nhưng bên cạnh đó cũng cần hiểu rằng việc mất an toàn giao thông không chỉ do vi phạm nồng độ cồn mà còn từ nhiều nguy cơ khác như hành vi chạy ngược chiều, lấn làn, chạy quá tốc độ cho phép, vượt ẩu… Thiết nghĩ, trong thời gian tới, để bảo đảm an toàn giao thông, lực lượng chức năng ngoài việc xử lý vi phạm nồng độ cồn còn cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, xử lý quyết liệt nhiều hành vi vi phạm luật lệ giao thông để giảm thiểu số vụ tai nạn, góp phần hình thành ý thức văn minh khi tham gia giao thông, tạo thói quen chấp hành luật lệ giao thông cho mỗi người dân một cách tự giác và toàn diện.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Miếng cồn khởi nguồn tai nạn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO