Ân hận muộn màng
Dù có suy nghĩ bi quan cỡ nào đi chăng nữa, Duy cũng chẳng bao giờ nghĩ rằng Lượng sẽ rời bỏ cuộc đời này khi đang ở độ tuổi còn bao dự định dang dở. Mà lại mất vì tai nạn giao thông thì với Lượng đúng là một điều quá phi lý.
Trong mấy đứa bạn chơi thân với nhau từ hồi còn học chung trường làng, Lượng là đứa cẩn thận, chỉn chu, đến mức lúc còn nhỏ, nhiều người bảo Lượng chẳng khác gì ông cụ non. Cái tính cách ấy thể hiện ở cả việc Lượng lái xe. Bình tĩnh, đúng luật, thà xin lỗi vì đến muộn chứ nhất định không bao giờ phóng nhanh cho kịp giờ. Đặc biệt, Lượng không bao giờ uống rượu bia khi lái xe. Chẳng phải đến khi có quy định về nồng độ cồn, mà từ lúc có bằng lái xe, Lượng đã tự đặt ra cho mình nguyên tắc ấy. Đi ăn tiệc phải uống rượu bia, Lượng gọi xe ôm, taxi chở đi. Vậy mà Lượng lại ra đi một cách tức tưởi vào đêm vắng ở quãng đường ít người qua lại, ra đi âm thầm và lặng lẽ, chẳng có ai bên cạnh.
Lúc nhìn di ảnh của Lượng, Duy cứ tự hỏi, lúc ấy Lượng có đau không. Khi ngã xuống đường, đầu đập mạnh vào tảng đá, Lượng đi ngay hay nằm chịu đựng nỗi đau và nhận thấy cái chết từ từ đến với mình. Nếu như kẻ gây tai nạn lúc ấy không sợ hãi bỏ trốn mà quay lại đưa Lượng đi cấp cứu, liệu Lượng có phải từ giã cuộc đời đầy tươi đẹp, từ giã mái nhà nhỏ lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười hay không.
Chắc Lượng chẳng thể nào yên lòng mà nhắm mắt. Bố mẹ Lượng đã già. My - vợ Lượng còn trẻ quá. Bé Trang - con Lượng còn bé quá. Con bé mới học lớp 1, lúc nào Duy sang chơi cũng khoe chữ đẹp, khoe bài toán làm đúng hết và kể cho Duy nghe những điều ước trẻ thơ. Nó hứa sẽ xin bố mẹ cho Duy đi du lịch biển cùng cả nhà vào mùa hè này và cố gắng học tập thật chăm chỉ, đánh dấu từng ngày một trên tờ lịch cho đến mùa hè. Nó ngây thơ và hồn nhiên chưa biết bố đã rời xa mãi mãi. Nó cứ nghĩ bố mệt quá nên nằm ngủ một chút, đợi hết mệt sẽ lại dậy chơi với nó, chỉ nó những bài toán khó. Tiếng gọi bố ơi dậy đi, sao bố ngủ lâu thế của con bé khiến một người đàn ông cứng rắn như Duy cũng chẳng thể nào kìm nổi nước mắt. Con bé xòe bàn tay xinh xinh lau nước mắt cho mẹ, cho bác Duy, cho ông bà, hỏi sao mọi người lại khóc. Duy ôm con bé, chẳng biết phải trả lời thế nào, chỉ thấy nỗi xót xa cứ ứ nghẹn trong lồng ngực. Làm sao có thể đối diện với sự thật rằng người mới đây thôi còn cười nói với mình, còn hào hứng chia sẻ những dự định sắp tới, chỉ phút chốc đã nằm lặng im, vĩnh viễn chẳng còn nghe được tiếng cười, giọng nói nữa. Duy là bạn thân đau một thì người thân của Lượng đau mười. Những đớn đau này biết bao giờ mới có thể lành lại được.
Đúng 49 ngày Lượng mất thì kẻ gây tai nạn ra đầu thú. Quãng đường vắng lại vào đêm khuya nên chẳng ai nhìn thấy. Nhưng kẻ gây tai nạn sau khi bỏ trốn không ngày nào không thấy day dứt. Gã đã quay lại nơi xảy ra tai nạn với hi vọng mong manh người bị gã tông phải chỉ bị nhẹ hoặc được ai đó đưa đi cấp cứu kịp thời. Nhưng nhìn thấy bát hương bên vệ đường, gã suy sụp. Hôm ấy, sau khi hoàn thành công trình, gã cùng nhóm thợ đi liên hoan ăn mừng. Chén chú chén anh, rượu vào lời ra dẫn đến những lời khích bác. Vốn chỉ định uống một, hai ly chúc mừng rồi về sớm nhưng bị cho là “coi thường” anh em, gã ở lại uống đến khi tàn buổi tiệc. Lượng đi đúng làn đường, đúng tốc độ nhưng gã vì có hơi men nên chạy nhanh, tông phải Lượng. Cú va chạm khiến Lượng nằm bất động còn gã chỉ xây xước nhẹ. Sợ hãi, nhìn quanh không thấy chiếc xe nào, không thấy ai nhìn theo, gã phóng xe bỏ trốn. Gã xin được thắp hương cho Lượng, gục mặt xuống bàn, lời nói như bị mắc nghẹn:
- Cũng tại ma men xui khiến nên tôi đã gây ra tai nạn còn bỏ chạy. Tôi có tội với anh Lượng, có tội với gia đình anh chị.
Nếu lúc ấy không có bé Trang ngồi bên cạnh, có lẽ Duy đã không giữ được bình tĩnh mà lao lên đấm vào mặt gã. Nếu gã không xay xỉn còn lái xe thì sẽ không gây ra vụ tai nạn. Nếu gã còn một chút suy nghĩ để không bỏ chạy mà gọi xe cấp cứu đưa Lượng đi bệnh viện, biết đâu Lượng được cứu kịp thời. Sự hối hận muộn màng của gã bây giờ không thể thay đổi được sự thật rằng Lượng đã không còn nữa. Bố mẹ Lượng người đầu bạc khóc tiễn người đầu xanh, vợ Lượng góa chồng, con Lượng mất cha. My nghe lời thú tội của kẻ gây ra tai nạn, ngồi lặng im như hóa đá. Dường như nỗi đau đến một cách đột ngột vào lúc không thể nào ngờ tới đã khiến My co mình lại, kìm nén tất cả mọi cảm xúc để phong tỏa nỗi đau.
Bố mẹ kẻ gây tai nạn cũng đến tạ lỗi. Hai ông bà già khắc khổ chỉ run run thắp nén nhang cho Lượng rồi lại run run nói lời xin tha thứ cho đứa con trai chứ chẳng dám biện minh gì. Hoàn cảnh gia đình của gã cũng chẳng khá khẩm gì. Nhà nghèo, bố mẹ già yếu, bệnh tật. Bố gã bị bệnh khớp nhưng mấy năm nay cũng phải cố gắng đi bán vé số thêm vào tiền thuốc thang. Mẹ gã thì bị lòa cả chục năm nay, nhìn cái gì cũng mờ mờ ảo ảo, quanh quẩn trong nhà cơm nước. Nghèo nên gần ba mươi mà chưa yêu đương, vợ con gì. Nghèo nên bỏ học từ sớm, may trời cho sức khỏe lại chịu khó nên cũng cố gắng làm lụng, chắt bóp để lo cho cha mẹ. Nghèo nên chẳng bao giờ bù khú, nhậu nhẹt gì nhiều, chỉ khi nào hoàn thành công việc, ông chủ tổ chức liên hoan mới dám uống vài ly. Ai ngờ chỉ vì những lời khích bác, không làm chủ được mình để dẫn đến hậu quả đau xót.
Duy đã tìm đến tận nhà của gã. Căn nhà nhỏ lợp tôn, tường vôi rơi vãi nham nhở nằm cuối con hẻm nhỏ xơ xác. Hàng xóm xung quanh bảo gã tội lắm, phận con nhà nghèo nên phải bươn chải từ sớm. Ít nói nhưng trong xóm ai có việc gì cần cũng giúp, chưa bao giờ thấy cãi bố mẹ một câu, cũng chẳng dính phải tệ nạn gì. Lúc nghe tin, ai cũng thấy tội cho nạn nhân, trách gã mà cũng thấy gã đáng thương. Bố mẹ gã bảo giá kể ai mua miếng đất bé như lỗ mũi nằm tít cuối hẻm này ông bà cũng bán để giúp gã bồi thường cho người bị nạn, để ông bà và gã bớt áy náy. Ông bà già rồi, chẳng sống được bao lâu nữa, dắt díu nhau ở đâu vài bữa chờ xong kiếp người mà chẳng được.
My không yêu cầu bồi thường, cũng đồng ý làm đơn xin giảm nhẹ cho gã. My bảo, có đòi đến cùng thì chồng em cũng chẳng sống lại được. Thôi thì coi như anh ấy đi rồi, còn để lại đức cho con gái. Nhà họ cũng nghèo, chẳng có gì, bố mẹ thì già yếu. Họ cũng phải chịu hình phạt trước pháp luật và lương tâm của mình. Duy ôm bé Trang, nghe My nói, một lần nữa thấy mắt mình ươn ướt.
Duy mang chai nước suối ra mộ Lượng, rót xuống đất mời bạn một ly rồi lại rót cho mình một ly. Yên nghỉ Lượng nhé. My mạnh mẽ và bản lĩnh hơn cả mày và tao nghĩ. Bé Trang ngoan ngoãn, chăm chỉ, nhớ bố, thương mẹ. Con bé bảo bố đã đi đến một nơi rất xa, nó sẽ lớn nhanh để chăm sóc mẹ thay bố. Tao uống với mày một ly nước thay rượu. Mày chẳng thích rượu bia, khi cần mới uống vài ly. Tao cũng sẽ bỏ bia rượu nên mình cứ lấy nước mời nhau vậy. Tao không muốn phải ân hận và mong rằng chẳng ai phải ân hận vì chút ham vui, say sưa của bản thân mà khiến cho gia đình, người thân phải đau khổ.
Tiếng gió xào xạc thổi qua cánh đồng như đáp lời Duy, khẽ khàng và tha thiết.