Quản lý, phát huy mã vùng trồng cây ăn trái ở Đắk Nông

Ông Hồ Gấm| 01/02/2021 09:04

Việc được cấp mã vùng trồng cây ăn trái sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm trái cây. Từ đó, mở ra cơ hội cho trái cây của Đắk Nông gia nhập vào các thị trường khó tính trên thế giới.

ADQuảng cáo

Nâng cao giá trị nhờ có mã vùng trồng

Cùng với một số sản phẩm khác, xoài Đắk Gằn (Đắk Mil) đã được cấp mã số vùng trồng, với kí hiệu VN-DNOOR – 0038 là một tín hiệu vui đối với người trồng xoài ở địa phương.

Sản phẩm xoài Đắk Gằn (Đắk Mil) được cấp mã vùng trồng thuận lợi cho các doanh nghiệp trong xuất khẩu.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, người có hơn 1 ha đất trồng xoài cho biết, từ nhiều năm nay, gia đình chị đã sản xuất các giống xoài khác nhau, nhưng đều bảo đảm an toàn thực phẩm. Quá trình sản xuất, chị luôn chú ý áp dụng tổng hợp các biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc xuất hiện sâu bệnh.

Gia đình chị thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm dịch bệnh, xử lý nhanh không để lây lan. Khi phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chị đều chú ý đúng thời điểm, liều lượng, tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của nhà sản xuất, nhất là thời gian cách ly trước khi thu hoạch, xuất bán.

Ðẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ nông dân

Một trong những yêu cầu để duy trì được sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu là việc tạo được vùng trồng nguyên liệu có mã số lớn, tạo ra lượng hàng hóa thường xuyên.

Đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Do đó, vai trò của ngành chức năng, địa phương cần được phát huy cao hơn để hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ở nhiều khâu.

Hội Nông dân tỉnh sẽ có sự đổi mới theo hướng giao chỉ tiêu cứng hàng năm cho các huyện hội nhằm tạo các mô hình hiệu quả bắt đầu từ VietGAP, mã vùng trồng để làm cơ sở nhân rộng ra các tiêu chuẩn, quy trình về nông nghiệp tốt, bền vững.

Ông Hồ Gấm

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông

Vườn xoài của gia đình chị Tuyền đã được chứng nhận đạt quy trình sản xuất nông nghiệp tốt Viet GAP. Theo chị Tuyền, việc vườn xoài được cấp mã vùng trồng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp thu mua, mà chủ vườn cũng có nhiều cái lợi. Trong đó, thuận lợi nhất là nâng cao giá trị sản phẩm, giá bán tốt hơn.

Tuy nhiên, để duy trì VietGAP, đòi hỏi nhà nông phải có những thay đổi lớn trong sản xuất. Nhất là việc sử dụng sản phẩm bảo vệ thực vật không được vượt ngưỡng quy định, bảo đảm an toàn cho người sử dụng sản phẩm.

Tăng cường các hoạt động giám sát, quản lý và duy trì, phát triển mã vùng trồng để tạo uy tín xuất khẩu

Các vùng trồng cây ăn trái đã cấp mã số đang được quản lý, giám sát nhằm duy trì, mở rộng. Theo đó, các cán bộ kỹ thuật sẽ tiến hành kiểm tra thực địa, thu mẫu để phân tích, giám định trong phòng thí nghiệm.

Sau khi cấp mã vùng, hàng năm khi vào vụ sản xuất, thu hoạch, cán bộ kỹ thuật sẽ tiến hành giám sát tại vùng trồng. Trường hợp phát hiện các mã số này không đạt yêu cầu quy định sẽ yêu cầu phải khắc phục hoặc tạm ngừng, không cho sử dụng mã số đó.

Do đó, ngành Nông nghiệp sẽ tích cực giám sát, quản lý việc tuân thủ các quy định về mã vùng trồng đối với trái cây bảo đảm uy tín đối với hàng hóa xuất khẩu.

Ông Phạm Tuấn Anh

Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT Đắk Nông

Hiện nay, đã có khoảng 88 ha xoài ở Đắk Gằn được cấp mã vùng trồng. Theo UBND huyện Đắk Mil, đây thực sự là một bước tiến lớn trong công tác tổ chức sản xuất của địa phương. Nhờ sản xuất theo VietGAP và được cấp mã vùng trồng, nên dù xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhưng sản phẩm xoài Đắk Gằn vẫn tiêu thụ khá tốt.

Giá xoài mùa vụ 2020 dao động từ 20-28 triệu đồng/tấn, cao hơn năm 2019 khoảng 3 triệu/tấn. Đặc biệt, việc xuất khẩu xoài ra các thị trường trên thế giới thuận lợi hơn nhiều.

ADQuảng cáo

Sản phẩm xoài bơ sản xuất tại Đắk Sắk (Đắk Mil) được cấp mã vùng trồng thuận lợi cho các doanh nghiệp trong xuất khẩu

Đáp ứng yêu cầu hội nhập

Việc cấp mã vùng trồng là yêu cầu bức thiết đối với tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, giúp nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về xuất khẩu.

Toàn tỉnh hiện có 38 mã vùng trồng đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp- PTNT) cấp, thuộc các huyện Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, Đắk R’lấp, Gia Nghĩa. Các sản phẩm được cấp mã vùng trồng tương đối đa dạng như: xoài, nhãn, mít, chuối, bơ, sầu riêng, chanh dây, măng cụt...

Quan tâm hỗ trợ, đồng hành nhiều hơn với các doanh nghiệp địa phương

Thực tế, việc được cấp các mã số vùng trồng đối với nông sản Đắk Nông rất có ý nghĩa, thể hiện được sự nhập cuộc với các tiêu chuẩn, yêu cầu chung của quốc tế, nhất là đối với sản phẩm trái cây tươi, gia vị.

Tuy nhiên, để tạo được động lực thì phải tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nông với doanh nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm ban đầu của người sản xuất. Tỉnh cần quan tâm, ưu tiên nhiều hơn cho các doanh nghiệp tại địa phương.

Bởi vì các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về vốn, sự hỗ trợ về thủ tục. Nếu có sự tác động đúng đắn chắc chắn doanh nghiệp địa phương sẽ bứt phá thành công, kéo theo sự hưởng lợi dành cho nông dân, người lao động.

Ông Nguyễn Nho Lý

Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và xuất nhập khẩu An Phong

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, việc cấp mã vùng trồng hiện nay đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu. Theo đó, chỉ có nông sản (chủ yếu là rau quả tươi) được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói mới được phép xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây nhất là Trung Quốc (xuất khẩu chính ngạch).

Đối với từng thị trường khác nhau, các quy định liên quan đến cấp mã vùng trồng có thể khác nhau. Thế nhưng, mục tiêu của việc cấp, quản lý và giám sát vùng trồng là để bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó là giám sát về các loại sinh vật gây hại, loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã sử dụng trong sản xuất.

Từ nguồn nguyên liệu có mã vùng trồng, sản phẩm chanh dây đông lạnh của HTX Tia Sáng (Gia Nghĩa) đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, EU.

Mỗi mã vùng trồng được cấp theo định kỳ. Cơ quan có thẩm quyền sẽ phải tiến hành giám sát để bảo đảm vùng trồng đó vẫn đang được quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trường hợp không đạt yêu cầu theo quy định của nước nhập khẩu, mã số sẽ bị thu hồi.

Do đó, ngành chức năng, các đoàn thể địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động, kiểm tra người sản xuất tuân thủ tốt các quy định về duy trì mã vùng trồng, tránh bị thu hồi. Làm được điều này sẽ gia tăng thêm cơ hội cho trái cây Đắk Nông có thể bước vào các chuỗi cung ứng khó tính, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Các mục đích, yêu cầu chính để cấp mã vùng trồng gồm: Nhận diện vùng trồng (thường sử dụng GPS); Áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, trong đó chú trọng đến hành động ghi chép, lưu trữ, bảo quản tốt nhật ký canh tác; Bảo đảm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép theo quy định của nước nhập khẩu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, phát huy mã vùng trồng cây ăn trái ở Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO