Kinh tế

Giải pháp dài lâu cho đầu ra nông sản Đắk Nông

Nhóm P.V 05/05/2024 20:08

Theo các chuyên gia, nhà sản xuất, để có đầu ra ổn định, lâu dài cho nông sản, Đắk Nông cần tập trung xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm, khơi thông thị trường...

Chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt

Ông Đào Hữu Hiền, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, sản xuất nông nghiệp ở Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung, muốn có đầu ra cho sản phẩm ổn định, lâu dài trước hết phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Mà điều này phải bắt đầu từ chính người sản xuất.

a4c.jpg
Ông Đào Hữu Hiền, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên

Theo ông Hiền, Đắk Nông cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, nhất là các cơ quan, đơn vị chuyên môn để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc thù sản xuất nông nghiệp theo nông hộ.

Nếu người dân không có sự hỗ trợ đầu tư, không được đào tạo, tập huấn kiến thức sản xuất, không có giám sát chặt chẽ việc ứng dụng các quy trình tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thì sản phẩm tạo ra khó đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Đắk Nông cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, cần đẩy mạnh hỗ trợ nông dân phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả các mô hình sản xuất.

Tỉnh nên lấy chủ thể là các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp làm nòng cốt dẫn dắt sản xuất, tạo liên kết. Từ đó, đẩy mạnh mối liên kết trực tiếp giữa nông dân với các doanh nghiệp, HTX.

Cây xoài trên vùng sỏi đá ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil giúp nhiều người làm giàu
Xoài là một trong những loại nông sản có sản lượng lớn ở Đắk Nông hiện nay, nhưng đầu ra còn bấp bênh (Ảnh: Đức Hùng)

Đắk Nông cần tiếp xây dựng cơ chế gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Phải làm sao giúp cho các cá nhân, đơn vị phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, hướng tới mục tiêu một nền nông nghiệp thông minh và công nghệ cao.

Những năm qua, Viên Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã phối hợp với ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông thực hiện nhiều dự án, chương trình, đề tài khoa học về các mô hình chuyển giao đối với giống cây trồng, vật nuôi, hệ sinh thái trong sản xuất nông nghiệp….

Từ thực tế triển khai mô hình, đề tài khoa học, WASI nhận thấy, việc tăng cường tập huấn, truyền thông, nâng cao nhận thức cho nông dân trong sản xuất là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tập huấn, truyền thông, nâng cao nhận thức sẽ giúp nông dân, doanh nghiệp đổi mới tư duy sản xuất, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, giá trị cao, bền vững.

Ông Hiền cho biết, Đắk Nông cũng cần chú trọng triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, công nghệ cao.

Trong đó, tỉnh nên đẩy mạnh, phát huy hiệu quả các mô hình hợp tác, liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hướng quy mô lớn. Có như vậy, mới có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín cho thương hiệu, khơi thông thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Khơi thông thị trường

Theo ông Lưu Như Bính, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết, nông dân Đắk Nông đang ngày càng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chẳng hạn, người dân đã thu hoạch cà phê có tỉ lệ quả chín cao hơn nhiều so với những năm trước đây. Điều này là rất tích cực cho ngành nông sản, trong đó có cà phê.

img_0260.jpg
Ông Lưu Như Bính, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết, huyện Đắk Song

Đắk Nông có thuận lợi là diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, tạo ra nhiều sản phẩm đặc sắc. Tuy nhiên, ông Bính cho rằng, bên cạnh đó, nông nghiệp Đắk Nông cũng gặp khó về đầu ra. Nhiều sản phẩm nông dân làm ra có chất lượng tốt, nhưng đầu ra rất chật vật, nhất là sản phẩm tươi như sầu riêng, xoài, bơ...

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho đầu ra nông sản, ngành Nông nghiệp Đắk Nông cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Nông sản cần được quảng bá nhiều hơn thông qua các hội chợ, triển lãm, kênh tiêu thụ.

Mặt khác, tỉnh cần thúc đẩy kết nối tiêu thụ hàng hóa thông qua loại hình thương mại điện tử; giúp doanh nghiệp và người sản xuất ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, đưa hàng hóa vào các kênh phân phối hiện đại.

Năng suất, chất lượng cà phê của gia đình ông Y Thuân ở bon Ja Rah, xã Nâm Nung (Krông Nô) được nâng cao nhờ tham gia chương trình sản xuất cà phê hữu cơ, bền vững
Nhiều hộ gia đình ở Đắk Nông đã sản xuất cà phê hữu cơ, bền vững, mang lại hiệu quả cao (Ảnh: Văn Tâm)

Tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành khác, chính quyền địa phương đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.

Đặc biệt, tỉnh cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường trong nước và thế giới.

Riêng ngành Nông nghiệp cần thường xuyên nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây trồng chủ lực phục vụ xuất khẩu, như: cà phê, hồ tiêu, điều, xoài, sầu riêng... để định hướng các địa phương sản xuất phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao.

"Ngành Nông nghiệp cần tập trung kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung và giá cả để có sự hỗ trợ kịp thời cho người sản xuất cũng như đơn vị tiêu thụ sản phẩm", ông Bính cho biết.

Phải liên kết để tăng sức mạnh

Ông Đoàn Văn Hoàn, thôn 8, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song là thành viên của HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên. Ông có kinh nghiệm nhiều năm trồng hồ tiêu.

Theo ông Hoàn, để trồng 1ha hồ tiêu, nông dân phải mất tới 5 năm chăm bẵm và đầu tư khoảng 50-70 triệu đồng mới có thu. Hồ tiêu thường trồng khoảng 3-7 năm là xuất hiện bệnh. Gia đình nào không may vườn hồ tiêu nhiễm bệnh thì gần như rơi vào hoàn cảnh trắng tay.

img_0419.jpg
Ông Đoàn Văn Hoàn, thành viên của HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên, huyện Đắk Song

Năm 2018, HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên được thành lập từ sự tâm huyết của những nông dân sản xuất hồ tiêu trên địa bàn và ông cũng tham gia vào HTX.

Từ khi trở thành thành viên HTX, ông Hoàn được hướng dẫn kỹ lưỡng kỹ thuật trồng, chăm sóc hồ tiêu hữu cơ bài bản. “Chúng tôi được hướng dẫn sử dụng phân hữu cơ chăm sóc cây trồng. Đây là bước ngoặt quan trọng để chúng tôi thay đổi cách nghĩ, cách làm về nông nghiệp”, ông Hoàn chia sẻ.

HTX hiện có 202 thành viên, tổng diện tích hồ tiêu gần 700ha. Trong đó, có gần 197ha đạt chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế do Nhật, Mỹ, EU, Canada cấp.

Riêng gia đình ông Hoàn có 5ha hồ tiêu, mỗi năm thu hoạch khoảng 20 tấn, thu về tầm 2 tỷ đồng. “HTX giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất. Chúng tôi chuyển đổi từ trồng hồ tiêu vô cơ sang hữu cơ, trung bình lợi nhuận cao hơn hồ tiêu bình thường khoảng 25-50%”, ông Hoàn cho biết.

Toàn bộ sản lượng hồ tiêu hàng năm của thành viên đều được HTX ký kết với các công ty, doanh nghiệp để xuất khẩu. HTX cũng chủ động trong xúc tiến thương mại. Hồ tiêu của HTX đã đạt OCOP hạng 3 sao.

“Trước đây, giá hồ tiêu bấp bênh, đầu ra không ổn định. Từ khi chúng tôi vào HTX thì đầu ra cho hồ tiêu luôn ổn định, với mức giá cao. HTX liên kết chặt chẽ với thành viên, các doanh nghiệp, công ty, tạo đầu ra ổn định và chúng tôi yên tâm sản xuất, gắn bó”, ông Hoàn chia sẻ.

img_5944(1).jpg
Đắk Nông đã xây dựng được nhiều chuỗi liên kết sản xuất hồ tiêu hữu cơ (Ảnh: Văn Tâm)

Theo ông Hoàn, HTX là loại hình kinh tế thuận lợi nhất để nông dân tham gia vào phát triển nông nghiệp. Những HTX có trình độ quản lý tốt sẽ giúp nông dân định hướng rõ ràng về sản xuất, từ đó nông sản có đầu ra ổn định.

Từ thực tế ở HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên, ông Hoàn cho rằng, ngành Nông nghiệp cần tập trung thúc đẩy các giải pháp nhằm xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, cần tập trung tháo gỡ “nút thắt” các khâu như tổ chức sản xuất, nguyên liệu đầu vào, giống, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ...

Tỉnh cần coi các HTX là cầu nối quan trọng để hình thành và phát triển các chuỗi liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. "Chuỗi liên kết giúp tăng quy mô sản xuất hàng hóa, tạo thuận lợi trong áp dụng các quy trình canh tác. Chuỗi liên kết cũng góp phần bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực tiêu thụ", ông Hoàn khẳng định.

Ông Hoàn cho biết, Đắk Nông hiện đã có 64 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, với 8 sản phẩm nông nghiệp các loại. Có hàng ngàn hộ gia đình đã tham gia vào các chuỗi liên kết.

Thế nhưng, các chuỗi liên kết chỉ chiếm 10% giá trị sản xuất nông nghiệp của Đắk Nông. Đây là con số còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm lực nông nghiệp của tỉnh. Điều này cũng thể hiện một phần hạn chế, yếu kém trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Đắk Nông hiện nay.

"Muốn tăng khả năng tiêu thụ, cùng với những giải pháp khác, thúc đẩy xây dựng các chuỗi liên kết là điều hết sức cần thiết. Khi chúng ta yếu thì phải liên kết để tạo sức mạnh", ông Hoàn cho hay.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Giải pháp dài lâu cho đầu ra nông sản Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO