Chính trị

Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng"

VTV 05/05/2024 17:21

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chùm chương trình trọng điểm, trong đó có cầu truyền hình Dưới lá cờ Quyết Thắng. Chương trình có 5 điểm cầu - Điện Biên, Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum và TP Hồ Chí Minh - sẽ được truyền hình trực tiếp lúc 20h00 ngày 05/5/2024 trên kênh VTV1.

h1-1.jpg
h1-2.jpg

Những ngày tháng 5 này, người dân cả nước chung niềm xúc động bồi hồi khi nhắc tới mảnh đất Điện Biên lịch sử. 70 năm đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Điện Biên Phủ đã ghi danh Việt Nam trên toàn thế giới và Điện Biên Phủ luôn trong trái tim của mỗi người Việt Nam cùng lòng biết ơn vô hạn với thế hệ cha ông.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chùm chương trình trọng điểm, trong đó có cầu truyền hình Dưới lá cờ Quyết Thắng. Chương trình có 5 điểm cầu - Điện Biên, Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum và TP Hồ Chí Minh - sẽ được truyền hình trực tiếp lúc 20h00 ngày 05/5/2024 trên kênh VTV1.

Với thời lượng hơn 110 phút, cầu truyền hình Dưới lá cờ Quyết Thắng sẽ đưa khán giả quay trở lại năm tháng hào hùng với những ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn. Những dấu mốc quan trọng của 70 năm trước sẽ được thể hiện thông qua sự kết hợp giữa những trải nghiệm hiện tại và hồi tưởng quá khứ, giữa nghệ thuật và phân tích, đánh giá.

h2.jpg
h3-1.jpg

Chương trình cầu truyền hình có tên Dưới lá cờ Quyết Thắng được sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương. Công tác chuẩn bị cho cầu truyền hình đã được Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện từ cuối năm 2023 với sự tham gia của nhiều đơn vị trong Đài. Trong đó, Ban Sản xuất các chương trình giải trí là đơn vị chủ lực xây dựng kịch bản, nghiên cứu các nguồn tư liệu, tìm kiếm các nhân chứng lịch sử để thực hiện phóng sự… Được sự chỉ đạo của Lãnh đạo Đài THVN, các ekip đã tới từng điểm cầu khảo sát, lên kế hoạch chi tiết cho mỗi nội dung câu chuyện, tìm kiếm những góc máy đẹp... Bên cạnh đó, Đài THVN cũng làm việc với các Bộ, Ban, Ngành, các tỉnh thành liên quan để có những sự phối hợp tổ chức hiệu quả.

Theo chia sẻ từ đạo diễn chương trình Khuất Ly Na, tên gọi Dưới lá cờ Quyết Thắng được lấy ý tưởng từ lá cờ luân lưu "Quyết chiến - Quyết thắng" Bác Hồ gửi ra mặt trận vào ngày 22/12/1953, là giải thưởng luân lưu khích lệ toàn quân vượt gian khó, hiểm nguy hăng hái thi đua, lập thành tích. Thông qua 5 điểm cầu, bức tranh về chiến thắng đỉnh cao sẽ được tái hiện chân thực và toàn cảnh, không chỉ ở Điện Biên mà còn trên khắp cả nước.

h4.jpg
Ê-kíp khảo sát điểm cầu Điện Biên từ nhiều tháng trước.

Cầu truyền hình Dưới lá cờ Quyết Thắng mong muốn truyền tải thông điệp Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công chung của cả dân tộc, được hun đúc bởi khát khao giành độc lập tự do của một dân tộc. Gần 9 năm, chúng ta đã dồn sức để có được Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng đó không phải là chiến thắng tại riêng Điện Biên Phủ mà khắp cả nước đều có những chiến công để đóng góp chung. Với tinh thần đó, chương trình đã lựa chọn các điểm cầu ở Kon Tum, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội để nói lên sự đồng lòng của cả dân tộc, góp sức người, sức của, sự hy sinh xương máu, với tất cả những gì mình có để đóng góp cho chiến thắng.

"70 năm qua, các hội thảo, các nghiên cứu, các bài viết của các nhân chứng lịch sử đã kể câu chuyện về Điện Biên Phủ rất nhiều rồi. Nhưng lịch sử thật vĩ đại và ít ai có thể kể một cách hoàn chỉnh nó. Đó cũng là thách thức khi thực hiện một chương trình về lịch sử" - nhà báo Tạ Bích Loan cho biết - "Cầu truyền hình Dưới lá cờ Quyết Thắng sẽ đề cập tới những nét chính nổi bật. Nhưng những nét đó được thể hiện qua câu chuyện của con người. Những câu chuyện của Điện Biên Phủ thì vô cùng hay, không bao giờ có thể kể hết được, càng khám phá thì càng thấy có nhiều cái mới lạ, những điều tưởng như bị phủ kín bởi thời gian. Còn có rất nhiều câu chuyện hay về Điện Biên Phủ vẫn còn ở đó mà chỉ cần chúng ta chạm vào thôi đã thấy sáng lên lòng yêu nước, trí thông minh sáng tạo và tinh thần hy sinh dũng cảm của thế hệ ông cha…".

h5.jpg
Tái hiện tư liệu lịch sử ở điểm cầu Điện Biên.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học và những kinh nghiệm quý giá không chỉ trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta mà còn cả trong công cuộc đổi mới của đất nước hôm nay. Đó là bài học về sự chỉ đạo tài tình của Đảng, nghệ thuật quân sự độc đáo, bài học phát huy thế trận lòng dân, sức mạnh đoàn kết dân tộc và đường lối đối ngoại khéo léo. 5 điểm cầu sẽ ghép lại một bức tranh toàn cảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi nơi là những nhân chứng sống, mỗi điểm cầu ghép lại thành bản hùng ca, mảnh ghép nào cũng đều mang ý nghĩa quan trọng.

h6-1.jpg
h7.jpg
Một trong nhiều cuộc họp của lãnh đạo Đài THVN với đại diện các đơn vị trong Đài tham gia thực hiện cầu truyền hình.
h8-1.jpg

Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược, nơi được gọi là điểm hẹn của lịch sử, thể hiện trí tuệ Việt Nam về nghệ thuật quân sự, nơi hai bên đấu trí và cả dũng khí. Chính vì thế, câu chuyện của điểm cầu Điện Biên phải thể hiện được những tính toán từ hai phía, những bước chuyển về mặt thế cục cục diện chiến trường và những giai đoạn quan trọng nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tại Điện Biên, ê-kíp sản xuất đã có nhiều cuộc gặp gỡ với các cựu chiến binh tham gia chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, lên tới hàng trăm người. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện hay và không thể quên về chiến trường năm ấy. Những kỷ niệm của họ đã giúp ê-kíp hình dung ra không khí, tinh thần của chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Trong không khí kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, những cựu chiến binh Điện Biên Phủ năm xưa khi hội ngộ đều rất vui, minh mẫn để kể câu chuyện của mình. Chúng tôi rất ấn tượng với những bác lưng đã còng, ngồi xe lăn hay đi chống gậy nhưng chỉ cần nhắc tới từ chiến sĩ Điện Biên thì họ lập tức bỏ hết cả gậy, cả xe lăn và đứng thẳng người lên”, nhà báo Tạ Bích Loan kể.

h9.jpg
Một trong những nhân vật tại điểm cầu Điện Biên.
h10-3.jpg
h10-2.jpg

Nếu Điện Biên Phủ là sân khấu chính, truyền tải những nét phác thảo chính của bức tranh của chiến thắng Điện Biên Phủ, thì điểm cầu Hà Nội mang tới một nét riêng của Thủ đô anh hùng.

"Chúng tôi có hai nhân chứng lịch sử đều đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ dưới cương vị là lính quân y hoặc chiến sĩ liên lạc cho các bác sĩ tuyến đầu. Hà Nội sẽ như một điểm cầu đại diện cho đóng góp của giới trí thức cho kháng chiến" - BTV Ngô Quỳnh Trang, Ban Sản xuất các chương trình Giải trí chia sẻ - "Nếu so với cầu Thanh Hóa có các dân công hỏa tuyến, Kon Tum là lực lượng chia lửa với Điện Biên thì câu chuyện hậu cần mặt quân y của cầu Hà Nội sẽ được khai thác sâu hơn. Những câu hỏi như ‘Năm ấy các sinh viên y khoa của Hà Nội đã rời lên chiến trường như thế nào? Những sáng kiến có một không hai của các bác sĩ tuyến đầu xuất phát từ Hà Nội cống hiến cho chiến trường Điện Biên là gì?’... sẽ được trả lời trong chương trình".

h11.jpg
Đại diện ekip 5 điểm cầu của Ban Sản xuất các chương trình giải trí trong một cuộc họp cuối tháng 4. Ekip bàn bạc, tính toán kỹ từng góc quay và sự kết nối giữa các điểm cầu.

Điểm cầu TP Hồ Chí Minh là câu chuyện về quân dân miền Nam chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ. Về mặt địa lý, miền Nam xa nhất so với chiến trường Điện Biên Phủ nên việc đóng góp trực tiếp về nhân lực, vật chất có thể không bằng các địa phương khác, nhưng thời điểm đó, dựa trên chủ trương phân tán lực lượng của thực dân Pháp ở trên tất cả các mặt trận, đồng bào miền Nam đã tiến công trên cả ba mặt. Mặt trận quân sự: Có rất nhiều trận đánh nhỏ tập trung vào các đồn bốt, tiêu hao hàng nghìn sinh lực địch. Mặt trận chính trị: Phong trào yêu nước diễn ra rất sôi nổi và rộng rãi trên khắp miền Nam, đặc biệt ở Sài Gòn - Gia Định, trong đó có tầng lớp trí thức yêu nước. Công tác binh vận: vận động người dân không đi lính cho Pháp, không tham gia vào các lực lượng quân sự của Pháp - Điều đó khiến cho nhiều trung đoàn, tiểu đoàn của Pháp xảy ra tình trạng đào ngũ, dẫn đến quân đội của Pháp ở miền Nam Việt Nam gặp nhiều khủng hoảng. Phóng viên Thanh Loan, Ban Sản xuất các chương trình giải trí cho biết, các nội dung đó sẽ được ekip điểm cầu TP Hồ Chí Minh thể hiện bằng hoạt cảnh với hình thức multimedia kết hợp múa, màn hình led, thuyết minh viên, phóng sự, clip ngắn...

h12.jpg
Khảo sát tại điểm cầu Cột cờ Thủ Ngữ, TP Hồ Chí Minh.
h13-1.jpg

Tại điểm cầu Thanh Hóa, ngoài những đại cảnh hoành tráng, khán giả sẽ gặp lại một nhân chứng lịch sử, đã đi qua những ngày khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Đó là ông Trần Khôi, nguyên Chính trị viên Đại đội xe thồ 101 Thanh Hóa. Khi đó ông là chàng thanh niên 28 tuổi, lên đường theo tiếng gọi Tổ quốc, để lại người vợ trẻ với hai con, đứa con trai lớn chỉ mới 4 tuổi, con gái thứ hai mới sinh được khoảng 2 tháng.

Phóng viên Thủy Tiên chia sẻ: “Khi chúng tôi tìm đến gia đình bác Trần Khôi lúc đó đã là 11h trưa, bác vẫn đang chờ ekip tới. Vì bác tuổi cao sức yếu nên chúng tôi ngỏ lời sẽ ngồi chờ sau khi bác ăn xong sẽ hỏi thêm câu chuyện của bác. Nhưng bác nhất định không chịu, thậm chí còn bảo không đói. Có lẽ bản thân bác cũng mong muốn được chia sẻ những câu chuyện về Điện Biên với nhóm phóng viên”.

h14.jpg
Phóng viên Thủy Tiên trao đổi với ông Trần Khôi, nguyên Chính trị viên Đại đội xe thồ 101 Thanh Hóa.

Điện Biên và Tây Nguyên là hai vùng địa lý cách xa nhau hơn 1.000 km. Nhưng Bắc Tây Nguyên có vai trò gắn kết chiến lược cùng thắng lợi của Điện Biên Phủ trong chiến cuộc Đông - Xuân (1953-1954). Trong đó, Kon Tum đóng vai trò đặc biệt, chia lửa với Điện Biên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất mong đợi chiến dịch Bắc Tây Nguyên bắt đầu trong thời điểm chúng ta đang chuẩn bị kéo pháo ra để bố trí lại lực lượng theo phương châm "đánh chắc tiến chắc". Cùng lúc đó, quân Pháp đã tiến hành cuộc hành quân Át-Lăng lên vùng Liên khu 5. Và 3 trận công đồn nổ ra tại Kon Tum thắng lợi đã tạo nên tiếng vang lớn, làm quân Pháp phải tập trung sự chú ý lên Bắc Tây nguyên. Đây là chiến dịch được đánh giá rất cao về nghệ thuật quân sự .

Tại điểm cầu Kon Tum, Biên tập viên Phan Dũng và Minh Thảo thực hiện những phóng sự về chiến dịch Bắc Tây nguyên và trận đánh tại Kon Brain vào ngày 27/1/1954, có sự xuất hiện của Trung tá Nguyễn Trường Kháng, năm nay 93 tuổi. Ông là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 89 (Trung đoàn 803), là một trong những người đã tham gia đánh chiến dịch tấn công đồn Kon Braih. Tấm gương dũng cảm của những chiến sĩ Liên khu 5 áo vải đeo khăn đỏ xả thân chiến đấu sẽ được nhắc tới tại điểm cầu.

h15.jpg
Phỏng vấn Trung tá Nguyễn Trường Kháng (hiện sống ở Đà Nẵng).
h16-1.jpg
h17-1.jpg

Âm nhạc của cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Điện Biên Phủ do hai nhạc sĩ Lưu Hà An và Thanh Phương đảm nhận. Phần âm nhạc được sản xuất riêng cho chương trình và điều quan trọng là những tác phẩm này vừa mang âm hưởng của ngày xưa ấy và có cả nét mới của âm nhạc hôm nay. Âm nhạc và thơ có sự hòa quyện, tạo nên mạch nối nghệ thuật xuyên suốt chương trình, góp phần lan tỏa lòng yêu nước, tinh thần, sức mạnh Điện Biên Phủ.

Nói về âm nhạc trong cầu truyền hình Dưới lá cờ Quyết Thắng, nhạc sĩ Thanh Phương bộc bạch: “Các bài hát về chiến dịch Điện Biên Phủ hầu hết có tuổi đời cũng 70 và trên 70 tuổi. Các thế hệ trước đều biết đến các bài hát này, tuy nhiên thế hệ trẻ thì không phải ai cũng biết... Vì vậy, công việc của chúng tôi là không những phải làm cho các bài hát thêm nhiều sức sống, gợi lại nhiều điều tốt đẹp... mà còn phải làm sao cho thế hệ trẻ hiện tại cũng cảm nhận được vì sao các tác phẩm âm nhạc thời đó lại góp phần mang đến tinh thần chiến đấu, sức sống mãnh liệt của cả một chiến dịch. Vì vậy, ngoài những bản phối mang tính giao hưởng hoành tráng, thì còn có nhiều bản phối mang âm hưởng âm nhạc đương đại phù hợp với thế hệ trẻ hơn”.

h18-1.jpg

Cầu truyền hình Dưới lá cờ Quyết Thắng là chương trình quy mô lớn, có sự tham gia của khoảng 1.000 diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên trực tiếp tham gia biểu diễn ở 5 điểm cầu. Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Trọng Tấn, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Việt Hoàn, Phạm Thu Hà, Phúc Tiệp, Đông Hùng, Lan Anh, Đào Tố Loan, Lê Anh Dũng, Võ Hạ Trâm, Đức Tuấn, Y Garia, Rơ Chăm Peng, nhóm Oplus, Anh Bằng, Bencanto… Từ nhiều ngày nay, các nghệ sĩ đã tiến hành thu âm, tập luyện và dàn dựng cho các tiết mục trong chương trình.

h19-1.jpg

Đảm nhận nhiệm vụ dẫn dắt tại các điểm cầu là những biên tập viên giàu kinh nghiệm dẫn các chương trình truyền hình trực tiếp, đặc biệt là các cầu truyền hình lớn. Được trao nhiệm vụ dẫn dắt ở các điểm cầu lần này, mỗi người đều cảm thấy vinh dự và tự hào khi được đóng góp phần nhỏ của mình vào cầu truyền hình lớn và ý nghĩa kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. BTV Hữu Bằng - Hồng Nhung dẫn điểm cầu Điện Biên, BTV Tuấn Dương - Mỹ Vân dẫn điểm cầu Hà Nội, BTV Đức Bảo dẫn tại Thanh Hóa, BTV Phương Thảo dẫn ở Kon Tum, BTV Thúy Hằng dẫn điểm cầu TP Hồ Chí Minh.

h20-1.jpg
h21-1.jpg

Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ "Dưới lá cờ Quyết Thắng" sẽ được truyền hình trực tiếp lúc 20h00 ngày 05/5/2024 trên kênh VTV1. Mời quý vị đón xem!

Thực hiện: Thanh Huyền, Đinh Hương, Thu Huệ
Đồ họa: Minh Ánh

Theo vtv.vn
https://vtv.vn/truyen-hinh/cau-truyen-hinh-duoi-la-co-quyet-thang-5-diem-cau-hoa-chung-ban-hung-ca-dien-bien-phu-20240502233740612.htm?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTEAAR1S52J_M4IAruzY1bNc4ckMH5TxzmO33kwu485WvW3MuSEnBDIn1Hog6V8_aem_AbhOF6W8Rxy_UuqlgpA1oSAEHVSJ94a
Copy Link
https://vtv.vn/truyen-hinh/cau-truyen-hinh-duoi-la-co-quyet-thang-5-diem-cau-hoa-chung-ban-hung-ca-dien-bien-phu-20240502233740612.htm?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTEAAR1S52J_M4IAruzY1bNc4ckMH5TxzmO33kwu485WvW3MuSEnBDIn1Hog6V8_aem_AbhOF6W8Rxy_UuqlgpA1oSAEHVSJ94a

Đọc tiếp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng"
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO