Phòng, chống bạo lực gia đình: Trách nhiệm của mỗi người và toàn xã hội

Thanh Nga| 28/06/2017 11:02

Bạo lực gia đình (BLGĐ) là một trong những vấn nạn của xã hội. Vì vậy, để thực hiện tốt luật Phòng, chống BLGĐ, mỗi người và toàn xã hội cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, góp sức làm cho xã hội văn minh và phát triển.

ADQuảng cáo

Gây tổn thương đối với nhiều người

Sống với nhau gần 40 năm, nhưng trong suốt thời gian qua bà V.T.C ở thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) phải luôn chịu đựng cảnh BLGĐ vì tính gia trưởng của chồng. Thời trẻ, kinh tế khó khăn, người chồng không chịu làm ăn và thường xuyên rượu chè, mỗi khi “quá chén” lại chửi bới và kiếm cớ đánh đập vợ một cách không tiếc. Nhiều khi mặt mũi thâm tím, bà C lại tự nhốt mình ở nhà, không dám đi ra ngoài hay đi làm nương rẫy vì nghĩ “xấu chàng hổ ai?”. Về già, khi các con đã lập gia đình rồi, bà vẫn phải chịu cảnh nghe chồng xúc phạm, đe dọa và thỉnh thoảng đánh đập… Thế nhưng, bà C cũng chưa một lần mạnh dạn đến gặp chính quyền để lên án, tố cáo việc chồng bạo hành mình.

Cứ thế, bà C âm thầm chịu đựng, nhưng dần dà bà con lối xóm cũng biết, đến khuyên can người chồng và có giảm đôi phần. Tuy nhiên, thỉnh thoảng bà C lại vẫn phải chịu đựng những trận đòn từ chồng. Có lẽ, vì cuộc sống của vợ chồng bà thường xuyên xảy ra bất hòa nên các con cũng không được quan tâm chu đáo. Trong số 5 người con thì có 4 người đã lập gia đình và cuộc sống của gia đình các con cũng không mấy suôn sẻ, thậm chí có người đã sớm ly hôn. Bà C chia sẻ: “Tôi cảm thấy mình bị tổn thương sau mỗi lần bị chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Sau này, tôi có tâm sự chuyện nhà mình và được bà con lối xóm khuyên bảo chồng. Có lẽ, vì các con đã lớn, được hàng xóm khuyên bảo cũng như tuổi đã cao nên chồng của tôi có phần thay đổi, ít dùng bạo lực hơn”.

Không chỉ người lớn bị tổn thương mà chính trẻ em cũng bị ảnh hưởng. Tại Diễn đàn trẻ em huyện Đắk R’lấp vừa được tổ chức mới đây, các em học sinh đã phản ánh về tình trạng BLGĐ. Trong đó, có trường hợp các em phản ánh bố thường xuyên uống rượu về đánh đập mẹ, nên rất sợ hãi và mong muốn các cấp, các ngành giúp đỡ.

ADQuảng cáo

Ông Trần Xuân Thường, Trưởng Phòng Chăm sóc - Bảo vệ trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh & Xã hội) cho rằng: “BLGĐ không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của vợ, chồng mà còn tác động không tốt đến cuộc sống cũng như việc hình thành tính cách, đạo đức, lối sống của trẻ em. Nhiều em sống trong gia đình bị BLGĐ thường ngại tiếp xúc với mọi người, không vui vẻ, ít hòa đồng với bạn bè và học hành sa sút. Những em này sau này lớn lên cũng có trường hợp lại tiếp tục sa vào việc BLGĐ như bố hoặc mẹ. Vì vậy, muốn xây dựng gia đình hạnh phúc thì bố, mẹ phải tôn trọng nhau, không để xảy ra BLGĐ và có định hướng để các con phát triển lành mạnh”.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hơn 1.500 vụ BLGĐ; trong đó, đa số là bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế, bạo lực tình dục. Các trường hợp bị bạo hành chủ yếu là nữ và người gây bạo lực chủ yếu là nam giới, là chồng. BLGĐ làm rạn nứt tình cảm của các thành viên trong gia đình, phá vỡ hạnh phúc, tổ ấm và nhiều vụ việc BLGĐ đã làm bị thương, thậm chí chết người.

Nguyên nhân dẫn đến BLGĐ thì có nhiều, nhưng cơ bản do lạm dụng rượu, bia và các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, ngoại tình, kinh tế khó khăn… Đa số các vụ BLGĐ xảy ra do các thành viên trong gia đình thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu sự tôn trọng các thành viên còn lại. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của tình trạng BLGĐ chính là sự tồn tại tình trạng bất bình đẳng giới và tư tưởng gia trưởng, có quyền dạy bảo các thành viên yếu thế trong gia đình bằng vũ lực hoặc nhục mạ.

Thế nhưng, việc phòng, chống BLGĐ cũng gặp nhiều khó khăn. Các vụ BLGĐ xảy ra thường chỉ được góp ý tại cộng đồng, khuyên răn, giáo dục để người có hành vi bạo lực thay đổi nhận thức và hành vi. Thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều người bị BLGĐ, nhưng không lên tiếng để bảo vệ mình. Theo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, mặc dù BLGD vẫn âm ỉ diễn ra, nhưng từ đầu năm đến nay không có trường hợp nào đề nghị xử lý, can thiệp. Để phòng, chống BLGĐ thì bản thân người bị bạo lực cần mạnh dạn lên tiếng, thậm chí là phản ánh, tố cáo lên chính quyền, các đoàn thể để có hướng giúp đỡ, giải quyết và xử lý theo pháp luật.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống bạo lực gia đình: Trách nhiệm của mỗi người và toàn xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO