Phải có biện pháp mạnh để giữ rừng

Nguyễn Hiền| 21/12/2016 14:20

Trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Đắk Nông khóa III, một trong những vấn đề làm “nóng” hội trường là việc xử lý trách nhiệm đối với những đơn vị để mất rừng. Trả lời chất vấn, ngành chức năng cũng khẳng định, sẽ có biện pháp mạnh để giữ rừng.

ADQuảng cáo

Ông Phan Quốc Lập, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chất vấn về việc xử lý trách nhiệm đối với các chủ rừng để mất rừng

Doanh nghiệp không chấp hành bồi thường thiệt hại

Trên cơ sở quyết định ban hành giá rừng bình quân, UBND tỉnh đã yêu cầu 5 doanh nghiệp để mất rừng phải đền bù thiệt hại. Theo đó, các doanh nghiêp đã làm mất trên 255 ha rừng và phải đền bù thiệt hại trên 13 tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty TNHH giống cây trồng Công Long đã để thiệt hại 12,6 ha và phải đền bù số tiền trên 334 triệu đồng; Công ty TNHH GreenFarm Đắk Nông làm thiệt hại 15,1 ha rừng và phải đền bù trên 2 tỷ đồng; Doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc làm thiệt hại 137,1 ha và phải đền bù trên 9,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Khải Vy làm thiệt hại 85,9 ha rừng và phải đền bù trên 876 triệu đồng; Công ty TNHH Hoàng Ba làm thiệt hại 4,4 ha và phải đền bù trên 277 triệu đồng.

Trả lời chất vấn, ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho rằng, Sở đã phối hợp với Sở Tư pháp căn cứ vào quy định của pháp luật tham mưu UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị bồi thường thiệt hại rừng đối với diện tích rừng đã bị phá. Sở Nông nghiệp - PTNT cũng đã ban hành 5 quyết định về đền bù đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều không hợp tác và chỉ có một doanh nghiệp chấp hành nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Đề cập đến trách nhiệm trong việc để mất rừng, ông Yên cũng cho rằng, trong quá trình quản lý nhà nước về lâm nghiệp trong những năm qua có hiện tượng buông lỏng. Trách nhiệm trước mắt là của cơ quan quản lý nhà nước Sở Nông nghiệp - PTNT, tiếp đến là chính quyền địa phương, các chủ rừng và trách nhiệm trực tiếp là của lực lượng kiểm lâm.

Có chế tài đủ mạnh để giữ rừng

Theo ông Yên, để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp cũng như có thông báo cương quyết đề nghị các doanh nghiệp khắc phục, xử lý diện tích rừng đã bị phá.

ADQuảng cáo

Theo đó, các doanh nghiệp phải trồng lại rừng và tỉnh không xem xét chuyển đổi mục đích đối với những diện tích rừng bị phá sang mục đích khác. Các đơn vị liên quan xác định giá trị thiệt hại bằng tiền đối với diện tích mất rừng của từng dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu các doanh nghiệp không thực hiện thì sẽ có những biện pháp mạnh như đề nghị thu hồi dự án.

Cùng với đó, ngành cũng sẽ đề xuất UBND tỉnh xử lý thu hồi đối với các dự án không triển khai hoặc triển khai không hiệu quả; yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương tiến hành rà soát, đánh giá lại hiện trạng diện tích đất có rừng hiện còn để làm cơ sở lập thủ tục ký hợp đồng thuê rừng theo quy định.

Cùng với việc tổ chức giải tỏa, thu hồi đất rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép và có kế hoạch để phục hồi, trồng lại rừng trong năm 2017, ngành Nông nghiệp cũng sẽ chỉ đạo thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách theo quy định của Thủ tướng Chính phủ để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm đến rừng. Về lâu dài, ngành tham mưu UBND tỉnh có những giải pháp căn cơ để phát triển rừng bền vững.

Qua kiểm kê, diện tích rừng hiện có của toàn tỉnh hiện nay là 254.000 ha. Sở Nông nghiệp - PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế trách nhiệm về quản lý và gắn trách nhiệm với từng cấp, từng ngành. Đối với 39/41 dự án mà UBND tỉnh cho thuê đất thì trong năm 2017 sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả và xác định trách nhiệm của các doanh nghiệp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ đó, những doanh nghiệp để mất rừng sẽ gắn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về rừng.

Những diện tích rừng bị phá từ năm 2011 trở lại đây đều phải thực hiện phục hồi lại rừng. Những dự án không hiệu quả sẽ đề xuất UBND tỉnh thu hồi và buộc phải bồi thường về rừng. Đối với những chế tài còn vướng mắc, gây khó khăn trong việc xử lý từ trước đến nay thì sẽ tiếp tục có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các đơn vị chủ rừng để mất rừng.

Đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, hiện nay, UBND tỉnh đang thảo luận kỹ để ban hành quy chế. Nếu chủ rừng là cán bộ, viên chức kiểm lâm, là cán bộ cơ quan nhà nước thì xử lý về trách nhiệm và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu chủ rừng là các tổ chức kinh tế ngoài Nhà nước thì áp dụng các nghị quyết của UBND tỉnh để quy trách nhiệm. Cùng với đó, khi thực hiện đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp bị giải thể cũng sẽ đánh giá lại thực lực của các doanh nghiệp còn lại, tránh tình trạng giao rừng cho các doanh nghiệp không đủ điều kiện và phương tiện để quản lý, bảo vệ rừng.

Nêu cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng

Liên quan đến vấn đề này, phát biểu tại phiên chất vấn, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn chưa đạt yêu cầu, gây bức xúc trong cán bộ, công nhân, viên chức cũng như nhân dân. Việc xử lý các tổ chức, cá nhân về quản lý và bảo vệ rừng chưa đồng bộ, chưa nghiêm, chưa răn đe được các đối tượng phá rừng. Bên cạnh đó, việc quản lý nhà nước từ cấp tỉnh cho đến xã là chưa làm hết trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, ngành Nông nghiệp, các lực lượng chức năng cũng như hệ thống chính trị trong thời gian tới cần phải nêu cao trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Giám đốc Sở với vai trò được giao, có trách nhiệm chính trong việc quản lý nhà nước cần phải nhận rõ đây là trách nhiệm nặng nề và cần khẩn trương làm thật nghiêm, thật đúng và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm. Lãnh đạo đứng đầu các đơn vị liên quan cũng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, lực lượng kiểm lâm cũng phải làm nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng trong vấn đề quản lý, bảo vệ rừng. Ngành Nông nghiệp cũng cần thông báo để các đại biểu, cử tri, nhân dân theo dõi và giám sát việc thực hiện quyết tâm chấn chỉnh lại công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải có biện pháp mạnh để giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO