Pháp luật

Khô cạn sau đập thủy điện và mối lo cho hệ sinh thái

Lê Phước 24/04/2024 05:38

Một số đoạn sông, suối sau hồ chứa thủy điện ở Đắk Nông thường xuyên lâm vào cảnh khô cạn dù có quy định về việc duy trì dòng chảy môi trường. Điều này làm tăng mối lo cho hệ sinh thái.

Tháng 4/2024, thời tiết nhiều vùng của Đắk Nông vẫn khô hạn. Trên dòng suối Đắk R'tíh đoạn qua xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, một đoạn dài trơ ra toàn đá. Nước chỉ còn lại một vài vũng nhỏ, lác đác trên đoạn suối dài.

Đoạn suối khô hạn nằm ngay ở dưới chân đập hồ chứa nước của công trình thủy điện Đắk R’tíh bậc dưới. Lượng nước chảy ra từ đập rất ít, không đủ để duy trì dòng chảy trên suối. Nhiều diện tích cây trồng dọc bờ suối không có nguồn nước để tưới.

anh-1-suoi-dakrtih.jpg
Một đoạn dài suối Đắk R'tíh dưới đập chứa thủy điện Đắk R'tíh bậc dưới khô khát

Nhà máy Thủy điện Đắk R’tíh bậc dưới có công suất 62MW. Đập chứa nước của công trình này chặn ngang dòng suối Đắk R’tíh. Nước từ hồ chứa được dẫn qua đường ống xuống nhà máy, đặt gần sông Đồng Nai.

Việc chặn dòng làm đập chứa nước của công trình đã khiến cho lượng nước về suối Đắk R’tíh không còn như trước đó. Theo quy định, hồ chứa này phải duy trì dòng chảy tối thiểu 1,2m3/giây cho dòng suối Đắk R’tíh sau đập chứa. Nhưng nhìn vào thực trạng dòng suối khô khát, vấn đề môi trường sau đập chứa là rất đáng lo ngại.

Việc thường xuyên khô khát cũng là thực trạng của dòng suối tại khu vực hạ lưu đập chứa nước của công trình thủy điện Đắk Nông 2. Đây là đoạn khoảng 2km hạ lưu suối Đắk Nông, chảy qua khu vực trung tâm TP. Gia Nghĩa.

Thủy điện Đắk Nông 2 hoạt động theo nguyên tắc chặn dòng suối Đắk Nông để xây dựng đập hồ chứa. Nước từ hồ được dẫn qua đường ống dài xuống nhà máy (công suất 15,75MW), đặt cạnh bờ suối Đắk Nông.

anh-2-suoi-daknong.jpg
Một đoạn dài trên suối Đắk Nông 2, đoạn qua TP. Gia Nghĩa thường xuyên khô cạn

Do chặn dòng nước tự nhiên dẫn nước ra hướng khác nên thủy điện Đắk Nông 2 cũng là công trình phải thực hiện việc duy trì dòng chảy tối thiểu (0,4m3/giây) cho suối Đắk Nông. Nhưng vào nhiều thời điểm, gần 2km suối Đắk Nông trơ ra toàn đá, chỉ còn vài vũng nước nhỏ.

Việc duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa, đập dâng được Bộ TN-MT quy định tại Thông tư số 64 năm 2017. Đối tượng được áp dụng là cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xác định, công bố, duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa. Nguyên tắc xác định dòng chảy tối thiểu được thực hiện đối với từng vị trí cụ thể, phù hợp với đặc điểm nguồn nước, dòng chảy của các sông, suối và hạ lưu hồ chứa. Mục tiêu của nguyên tắc là bảo đảm công bằng, hài hoà lợi ích của các đối tượng khai thác nguồn nước.

Theo Phó Giám đốc Sở TN-MT Đắk Nông Ngô Chí Trung, việc xây dựng số liệu dòng chảy môi trường được nghiên cứu, đánh giá số lượng thuỷ văn của nhiều năm. Đối với các dự án thuỷ điện, dòng chảy tối thiểu là nội dung nằm trong đánh giá tác động môi trường.

Quy định về dòng chảy tối thiểu hướng tới mục tiêu duy trì được hệ sinh thái tại các sông, suối, hạ lưu các hồ chứa. Do đó, các công trình thuỷ điện phải duy trì dòng chảy phải được thực hiện liên tục, kể cả trong trường hợp không vận hành phát điện.

anh-3-kho-khat.jpg
Việc duy trì dòng chảy tối thiểu các sông, suối, hạ lưu các hồ chứa được quy định rõ nhưng không phải đơn vị nào cũng thực hiện đầy đủ

Ông Trung cho rằng, các đập chứa đều có cống nước duy trì dòng chảy môi trường và vị trí đặt cống thường ở dưới đáy đập. Nhiều thủy điện đã lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi việc duy trì dòng chảy này. Tuy nhiên, việc duy trì dòng chảy tối thiểu phụ thuộc lớn vào ý thức doanh nghiệp. “Là doanh nghiệp thì họ phải ưu tiên hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nhưng việc duy trì dòng chảy tối thiểu cũng là trách nhiệm của họ. Nếu sông, suối bị khô khát thời gian dài, hệ sinh thái tự nhiên sẽ không thể duy trì được”, ông Trung cho hay.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Khô cạn sau đập thủy điện và mối lo cho hệ sinh thái
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO