Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6): Chất nhạc trong thơ viết cho thiếu nhi của Định Hải

26/05/2011 08:35

Định Hải là một trong những nhà thơ có nhiều cống hiến cho nền văn học thiếu nhi. Ông tên thật là Nguyễn Biểu, sinh ngày 6-6-1937, quê xã Định Hải, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa...

ADQuảng cáo

Định Hải là một trong những nhà thơ có nhiều cống hiến cho nền văn học thiếu nhi. Ông tên thật là Nguyễn Biểu, sinh ngày 6-6-1937, quê xã Định Hải, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, nguyên Tổng biên tập tạp chí Tuổi Xanh, nguyên Trưởng ban Văn học thiếu nhi Hội nhà văn Việt Nam.

Từ 1962 đến nay, Định Hải đã sáng tác rất nhiều thể loại cho thiếu nhi như: truyện ngắn, truyện thơ, thơ, hoạt cảnh, viết lời cho các bộ phim hoạt hình... Ở mỗi thể loại ông đều để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả - đặc biệt là những độc giả “nhí”. Song thành công hơn cả là những sáng tác thơ viết cho thiếu nhi. Suốt nửa thế kỷ qua, thơ ông đã đồng hành cùng tâm hồn của hàng chục thế hệ thiếu nhi. Thơ ông không chỉ được các em thích thú đón đọc mà nhiều bài còn được cất lên thành tiếng hát như: Bài ca trái đất, Bàn tay cô giáo, Biết bao điều lạ...Theo nhận xét của một số nhà phê bình văn học thì “trong thơ viết cho thiếu nhi của Định Hải, chất nhạc đã thấm sâu vào từng chữ, từng dòng”.

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận về nhịp thơ cho lứa tuổi là: “Nhịp điệu trong thơ xuất hiện trên cơ sở nhịp điệu của hơi thở con người, trên cơ sở nhịp tim đập liên quan đến tình cảm, cảm xúc, dựa vào chất liệu ngôn ngữ... Các em tầm 5, 6, 7 tuổi thích đọc loại câu thơ 2, 3, 4 chữ vì chỉ 2 giây đến 3 giây các em đã nghỉ để thở một lần. Các em tầm 11, 12, 13 tuổi thì thích hợp với loại câu thơ 5 chữ vì độ 3 đến 4 giây các em phải nghỉ để thở một lần... Phù hợp với nhịp thở, nhịp tim đập, câu thơ các em viết hay thích đọc phù hợp với nhịp nghỉ sinh lý khi thở, ngắn gọn và được ngắt nhịp nhiều lần trong một câu...”.


Ảnh: Trần Trọng Thắng

ADQuảng cáo

Chính vì vậy, Định Hải lựa chọn những thể thơ rất phù hợp với các em đó là thể thơ 2 chữ, 3 chữ và đặc biệt là thể thơ 4 chữ và 5 chữ. Với thể thơ 2 chữ, 3 chữ nhà thơ chủ yếu lựa chọn cách ngắt nhịp theo dòng: Một hạt/ Hai hạt /Mưa rơi /Mưa rơi/ (Mưa rơi)
Như một khúc dạo đầu với nhịp điệu chậm rãi, đoạn thơ đã gợi cho người đọc hình ảnh về những hạt mưa đang nối nhau từng hạt từng hạt rơi xuống. Rồi càng về cuối, nhịp điệu bài thơ trở nên nhanh hơn, gấp hơn: Kìa nghe/Mưa hát:/- Tí tách/- Tí tách/Bé bảo/Mưa reo:/- Thích thích!/- Thích thích!, Cứ thế, cả bài thơ trải dài như một khúc ca vui.

Còn ở các bài thơ được làm theo thể thơ 4 chữ hoặc 5 chữ, Định Hải đều lựa chọn cách ngắt nhịp quen thuộc 2/2; 2/3; hoặc 3/2. Chẳng hạn: Đều đều/ võng đưa/Giữa trưa/ êm ả,/Ru bé/ ngủ say,/Sân tròn/ bóng lá./

Mỗi câu làm thành một nhịp võng chao nghiêng êm ái. Nhịp thơ hòa vào nhịp võng, ru vỗ, đều đều, dẫn trẻ vào giấc ngủ ngoan lành. Các câu thơ giữ nhịp 2/2 quán xuyến toàn bài tạo cho bài thơ mang một hòa âm nhè nhẹ, khe khẽ, hiền hòa. Nhà thơ Định Hải đã thay bé mà hát ca cái võng - cái thế giới vật dụng đầu tiên, nơi bất cứ đứa trẻ nào cũng đã một lần ngủ ngon lành trong đó.

Hơn nữa, ở thể thơ 4 hoặc 5 chữ, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, Định Hải còn lựa chọn những cách ngắt nhịp khác khiến cho bài thơ trở nên giàu nhịp điệu hơn vì thế mà giàu cảm xúc hơn. Ví dụ trong bài Vui trăng: Này áo mẹ cho/áo hoa đẹp lắm/Này đôi nơ trắng/Chị thương cài đầu/Này chiếc đèn sao/Anh làm buổi sáng/... (Vui trăng)

Với cách ngắt nhịp theo dòng này đã gợi cho người đọc liên tưởng đến những bài đồng dao xưa mà trẻ nhỏ thường rất ưa thích được xướng lên khi chúng đang đùa vui với nhau.

Bên cạnh lối ngắt nhịp, trong thơ để tạo nên tính nhạc, vần cũng là một yếu tố quan trọng, đặc biệt là trong thơ viết cho thiếu nhi. Vần chính là sự lặp lại những âm thanh tương tự để tạo ra cho sự phát triển của nhạc điệu. Trong thơ, vần có tác dụng tạo nên sự hài hòa cân đối của câu thơ, tạo cho câu thơ có vẻ đẹp riêng, không những nhịp nhàng về ngữ điệu mà còn thánh thót về mặt ngữ nghĩa. Trong thơ Định Hải người đọc dễ dàng bắt gặp những câu thơ giản dị, trong sáng hồn nhiên với lối gieo vần tạo nhịp điệu kiểu như: Nghé à, nghé ơi!/Mùa xuân êm mát/Cỏ xanh mượt đồi/Đồng xanh bát ngát/  (Gọi nghé).

Hay những câu gieo vần liên tiếp:

Có bướm dập dìu/Có ong tíu tít/Có chim ríu rít/Đang hát chung lời  (Với cây em trồng)

Hay lối bắt vần nối nhau trước sau thường rất ít gặp trong văn học thiếu nhi:

Bạn ơi, ngước mắt/Ngước mắt lên trông/Bạn ơi, hãy hát/Hát câu vui cùng (Một mái nhà chung).

Lối bắt vần này thường tạo cảm giác luyến láy như một câu hát kéo dài mãi không dứt. Vì vậy, nó sẽ càng làm giàu thêm nhịp điệu trong thơ và mang đến một âm sắc mới khiến người ta không khỏi ngân nga khi đọc.

Như vậy với nhịp điệu phong phú và lối gieo vần độc đáo, mỗi bài thơ của Định Hải đều có một nhạc điệu riêng, một âm sắc riêng. Tuy nhiên chúng đều có âm hưởng chung là nét dịu ngọt, tươi mát...

Một yếu tố nữa làm nên chất nhạc trong thơ Định Hải đó chính là cách sử dụng khá nhiều cấu trúc lặp giống câu hát. Chẳng hạn:

Én có gì lạ? /Báo mùa Xuân sang/Đất có gì lạ? /Nuôi cánh mai vàng/Pháo có gì lạ?/Cho tiếng nổ vang/Tết có gì lạ?/Làm em rộn ràng... (Bao nhiêu điều lạ)

Cùng với cách lặp lại nhiều lần câu hỏi có gì lạ?, cách gieo vần ang liên tiếp và thể thơ 4 chữ với nhịp điệu chậm rãi trải dài khiến cho âm thanh thay đổi lên xuống, cao thấp, nhịp nhàng. Hình thức âm thanh và sự hòa thanh trong thơ Định Hải tạo nên một giọng thơ hiền hòa, một dòng cảm xúc êm ả, ngọt mềm, chứa chan yêu thương của nhà thơ. Không chỉ vậy, từ thơ ca ông đã giúp cho sự giàu có của cảm xúc, cho sự phát triển của năng lực tưởng tượng của các em bay cao bay xa trên bầu trời mơ ước: Trái đất này/ là của chúng mình/Quả bóng xanh/ bay giữa trời xanh/Bồ câu ơi,/ tiếng chim gù thương mến /Hải âu ơi, /cánh chim vờn sóng biển/Cùng bay nào, /cho Trái đất quay!/Cùng bay nào, /cho Trái đất quay!/ (Bài ca về Trái đất).

Có thể nói đây là bài thơ khá giàu nhạc tính, trẻ có thể hát lên thành lời ca, tiếng hát nhờ giai điệu nhịp nhàng, cách ngắt nhịp 3/4. Câu cuối cùng của khổ thơ Cùng bay nào, cho Trái đất quay! được lặp đi lặp lại hai lần cho thấy sự dâng trào của cảm xúc, sự thăng hoa của tình cảm.

Định Hải đã có hơn 20 bài thơ được phổ nhạc trở thành những khúc hát chan chứa mến thương. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất để làm nên chất nhạc trong thơ Định Hải chính là ông đã có cái nhìn cuộc sống trong sáng, tình yêu với trẻ thơ và cảm xúc chân thành của một tâm hồn ấm áp tình đời, tình người.  


(Theo Tạp chí Sông Thương)


ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6): Chất nhạc trong thơ viết cho thiếu nhi của Định Hải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO