Mắc ca, cây trồng nhiều triển vọng ở Tuy Ðức

Thanh Nga| 09/12/2013 09:28

Qua thí điểm trồng mắc ca ở những vùng đất có độ cao trên 700m so với mực nước biển và nhận thấy cây sinh trưởng tốt, có triển vọng về hiệu quả kinh tế, hiện nay, Tuy Đức đang hướng đến việc tăng diện tích loại cây trồng này.

ADQuảng cáo

Sau nhiều năm khảo sát, nghiên cứu, tham quan và tìm hiểu về hiệu quả thực tế của cây mắc ca được trồng tại các tỉnh trong nước, nhất là ở Lâm Đồng và Đắk Lắk, Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện đã triển khai trồng thí điểm tại một số xã trên địa bàn huyện.

Đồng bào dân tộc thiểu số được Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tuy Đức cấp phát giống cây mắc ca trồng trong mùa mưa vừa qua

Theo đó, trong 2 năm 2010 - 2011, huyện đã trồng thử nghiệm 5 ha mắc ca tại các xã Đắk R’tíh, Đắk Búk So, Quảng Tâm và Quảng Trực. Tiếp đó, sau khi Bộ Nông nghiệp - PTNT phê duyệt dự án xây dựng mô hình trồng thâm canh cây mắc ca tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên thì trong 2 năm 2012-2013, thông qua các chương trình, dự án, Tuy Đức đã trồng thêm được 224 ha tại 5 xã trên địa bàn.

Trong số 250 ha cây mắc ca thuộc các chương trình, dự án được trồng ở các xã thì huyện ưu tiên cho các đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ với diện tích 211 ha. Ngoài ra, hiện nay, người dân các xã cũng tự phát trồng cây mắc ca, chưa có thống kê chính xác, nhưng ước tính đã lên tới cả 100 ha. Các giống mắc ca đã trồng tại Tuy Đức gồm OC, 246, 816, 849, 695, 900, 842, 800.

Theo ông Đặng Văn Cương, Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tuy Đức thì mắc ca là cây trồng mới tại địa phương, nên trong thời gian qua, huyện đã thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca cho nông dân. 

Sau khi triển khai xây dựng các mô hình thí điểm, vào giữa năm 2012, UBND huyện đã tổ chức một hội thảo và mời các nhà khoa học đầu ngành đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu nông lâm nghiệp và các sở, ngành chuyên môn của tỉnh đến để kiểm tra thực tế và đánh giá về sự phát triển của cây mắc ca trồng tại địa phương.

ADQuảng cáo

Qua kiểm tra thực tế tại các vườn cây cho thấy, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Tuy Đức là phù hợp với cây mắc ca, các vườn chưa có sâu, bệnh hại, cây sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống đạt trên 95%. Sau 3 năm trồng, chiều cao trung bình của cây mắc ca đạt từ 3,3 – 3,5 m, đường kính gốc từ 6,7 – 7 cm, đường kính tán là 2,5m.

Hiện nay, trong số 2 ha mắc ca được trồng từ năm 2010 tại xã Quảng Trực đã ra hoa và cho quả bói. Qua quá trình theo dõi các mô hình cho thấy, cây mắc ca rất phù hợp với điều kiện tập quán canh tác và chăm sóc cây trồng của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Bà con trồng cây mắc ca khá thuận lợi vì ít công chăm sóc, lượng phân bón ít hơn so với các cây trồng khác và không phải tưới nước. Chi phí đầu tư ban đầu khoảng 20 triệu đồng/ha, gồm phân bón, giống.

Mắc ca là cây lâm nghiệp đa mục đích, ngoài việc chống xói mòn, cân bằng hệ sinh thái thì còn mang lại hiệu quả kinh tế khá triển vọng vì cho khai thác dài hạn, từ 70-100 năm. Quả của cây mắc ca được dùng làm lương thực giống như các loại ngũ cốc, thực phẩm, làm nhân sô cô la, chế biến tinh dầu, làm bột sữa, có thể chế biến sấy giòn để ăn khô hoặc làm mỹ phẩm… Hàm lượng chất béo cao và có nhiều chất tốt cho sức khỏe con người mà ở các thức ăn khác chúng ta không thể tổng hợp được.

Trên cơ sở xác định các điều kiện tự nhiên về khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai cũng như kinh tế, xã hội của địa phương, hiện nay, huyện Tuy Đức đã quy hoạch vùng trồng cây mắc ca và mở rộng diện tích. Theo đó, tại các vùng có độ cao trên 700m so với mặt nước biển và nhiệt độ thấp như ở xã Quảng Trực, Đắk Búk So, Quảng Tâm, Đắk R’tíh, Quảng Tân có điều kiện sinh thái phù hợp sẽ được phát triển cây mắc ca.

Diện  tích đất trồng được cây mắc ca ở Tuy Đức rất nhiều, nhưng hiện nay huyện chỉ mới quy hoạch dự kiến từ năm 2013 trở đi sẽ phát triển trên 10.000 ha; trong đó diện tích trồng thuần trên 5.000 ha,  trồng xen cà phê khoảng 4000 ha và chuyển đổi cải tạo vườn điều khoảng 1000 ha. Hiện nay, trên thế giới, giá hạt mắc ca thường ở mức khoảng 3,2 -4 USD (khoảng 60.000 – 80.000 đồng/kg), nhưng khi nhập vào nước ta thì giá cao hơn nhiều, từ 200.000 - 300.000 đồng/kg.

Trong thời gian qua, sản lượng cây mắc ca chỉ mới đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu của thị trường thế giới nên đầu ra rất dồi dào. Ở trong nước, diện tích cây trồng này chưa nhiều, trong khi đó nhu cầu phát triển trồng mới lại cao, nên trước mắt, huyện đang chú trọng trồng để nhân giống bán và về lâu dài là phục vụ nhu cầu thị trường.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mắc ca, cây trồng nhiều triển vọng ở Tuy Ðức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO