Các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy

Mỹ Hằng| 15/02/2022 09:00

Sau hơn 10 năm thi hành Luật Di sản văn hóa (DSVH), các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được gìn giữ và phát huy, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

ADQuảng cáo

Luật DSVH được triển khai bảo đảm đúng quy định, mang lại hiệu quả thiết thực, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực, có nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể, phù hợp với thực tế của địa phương. Các chương trình, nghị quyết, quyết định về bảo tồn và phát huy DSVH trên địa bàn tỉnh ngày càng được hoàn thiện, tạo dựng được khung pháp lý cơ bản, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong bảo vệ, phát huy DSVH.

Di tích lịch sử chiến thắng Đồi 722 Đắk Sắk- địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật DSVH được chú trọng thực hiện dưới nhiều hình thức. Các địa phương được phân cấp, bàn giao quản lý di sản, đã nâng cao ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người dân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVH. Tính đến nay, toàn tỉnh có 12 di tích, danh thắng được xếp hạng gồm 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 8 di tích cấp quốc gia và 3 di tích cấp tỉnh. Trong đó, có 6 di tích lịch sử đã bàn giao cho các địa phương quản lý như Di tích lịch sử Nhà ngục Đắk Mil, Di tích lịch sử  địa điểm chiến thắng Đồi 722 Đắk Sắk giao cho UBND huyện Đắk Mil; Di tích lịch sử căn cứ kháng chiến B4- Liên tỉnh IV, Di tích lịch sử N’Trang Gưh giao cho UBND huyện Krông Nô; Di tích lịch sử Hang No giao cho UBND huyện Đắk Glong; Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh tại thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia  giao cho UBND TP. Gia Nghĩa quản lý.

Đặc biệt, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa của Trung ương và địa phương, tỉnh đã tiến hành tu bổ tôn tạo các di tích. Cụ thể, Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử căn cứ kháng chiến B4- Liên tỉnh IV (1959-1975); Dự án tu bổ, phục dựng di tích lịch sử Ngục Đắk Mil; Dự án bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo; Dự án chống xuống cấp, tu bổ Di tích địa điểm lưu niệm N’Trang Gưh…

Di tích lịch sử Ngục Đắk Mil luôn thu hút sự quan tâm của các thế hệ trong giáo dục về nguồn

Các di tích được tu bổ, tôn tạo đã phát huy được giá trị, góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ và đáp ứng nhu cầu văn hóa của người dân. Nhiều di tích sau khi được tu bổ trở thành sản phẩm du lịch văn hóa, thu hút ngày càng đông khách tham quan, mang lại doanh thu cho địa phương.

Cùng với đó, công tác bảo vệ và phát huy giá trị DSVH phi vật thể cũng được thực hiện tốt, nhất là việc kiểm kê, ghi danh. Tính đến nay, toàn tỉnh có 186 bộ chiêng (trong đó 157 bộ chiêng M’nông, 12 bộ chiêng Mạ, 17 bộ chiêng Ê đê); 194 nghệ nhân biết chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ của dân tộc; 12 nghệ nhân nhớ và hát kể được sử thi (Ót N’drong); 698 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm truyền thống; 53 nghệ nhân biết làm cây nêu; 363 nghệ nhân biết đan lát; 69 nghệ nhân biết sử dụng đàn tính- hát Then…

ADQuảng cáo

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa ở Đắk Nông được gìn giữ, phát huy

Trên cơ sở kết quả kiểm kê, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng hồ sơ trình Bộ VHTT-DL công nhận DSVH phi vật thể cấp quốc gia. Năm 2014, Ót N’drong của người M’nông tỉnh Đắk Nông (huyện Đắk Mil, Tuy Đức, Đắk Song) và Nghệ thuật trình diễn dân ca (Nau m’pring- 2020) của người M’nông tỉnh Đắk Nông được công nhận là DSVH phi vật thể cấp quốc gia. Hiện nay, tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ nghề thủ công truyền thống nghệ thuật dệt, trang trí hoa văn truyền thống của người M’nông trình Bộ VHTT-DL đưa vào danh mục DSVH phi vật thể cấp quốc gia.

Ngoài việc sưu tầm các hiện vật lịch sử cách mạng, văn hóa dân tộc, tỉnh còn sưu tầm những hiện vật văn hóa truyền thống quý hiếm đã và đang đứng trước nguy cơ thất thoát, mai một. Trung bình mỗi năm bổ sung thêm 1.000 hiện vật lịch sử cách mạng, văn hóa dân tộc, khảo cổ vào  kho cơ sở. Đặc biệt năm 2019, Bảo tàng tỉnh đã vận động nhà sưu tầm Nguyễn Ngọc Ân và các nhà sưu tập tư nhân ở tỉnh Bình Thuận hiến tặng 1.362 hiện vật. Đây là bộ sưu tập cổ vật có niên đại cách ngày nay khoảng 3.000 năm đến thế kỷ XX, các nền văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo, các hiện vật thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn…

Đến nay, toàn tỉnh có 69 nghệ nhân biết đàn tính- hát Then

Ngoài ta, tỉnh phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Đông Nam bộ, Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ trên địa bàn và đã đem về nhập kho bảo quản hơn 28.000 hiện vật.

Trong quá trình triển khai Luật DSVH, tỉnh cũng gặp một số hạn chế như nhiều di chỉ khảo cổ học, di tích lịch sử có giá trị lịch sử văn hóa và cảnh quan thiên nhiên vẫn chưa được kiểm kê, xếp hạng, quản lý và bảo vệ. Nhiều di tích được xếp hạng vẫn chưa được bố trí kinh phí để đầu tư tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị, bắt đầu xuất hiện tình trạng hư hỏng, xuống cấp. Ý thức bảo vệ di sản của người dân địa phương sống gần di tích chưa cao…

Do đó, để tăng cường hiệu lực của Luật DSVH, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện trong thời gian tới như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về DSVH; xây dựng cơ chế thuận lợi nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị DSVH; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về DSVH, từng bước xây dựng trật tự, kỷ cương...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO