Xây dựng chính quyền điện tử: Sớm khắc phục hạn chế để triển khai đúng lộ trình

Đức Diệu| 03/10/2016 16:03

UBND tỉnh Đắk Nông đã đề ra mục tiêu và lộ trình xây dựng chính quyền điện tử rất cụ thể. Thời gian qua, các ngành, các cấp đã có những khởi động bước đầu thể hiện quyết tâm hướng tới một môi trường hành chính công hiện đại, khoa học, thuận tiện và gần với nhân dân. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều trở ngại, ảnh hưởng đến tiến độ và nội dung thực hiện.

Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận "một cửa" UBND xã Nâm N'Jang (Đắk Song)

Thói quen sử dụng, xử lý văn bản, công việc trên giấy của nhiều cán bộ hiện nay cũng đang là một trở ngại trong giai đoạn chuyển sang môi trường công vụ điện tử. Qua các cuộc họp UBND tỉnh gần đây cho thấy, mặc dù các tài liệu liên quan đã được đưa lên cổng thông tin điện tử của tỉnh nhưng các đại biểu vẫn yêu cầu phải in ra văn bản giấy để sử dụng. Như vậy, cùng một lúc phải sử dụng song song 2 hình thức sẽ gây lãng phí không cần thiết.

UBND tỉnh đã chỉ đạo tất cả các huyện, thị xã phải đăng công khai lịch tiếp dân, nội dung trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân lên trang thông tin điện tử của địa phương. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát của Văn phòng UBND tỉnh thì chỉ có một vài địa phương nghiêm túc thực hiện.

Giải trình về vấn đề này, các địa phương cho biết nguyên nhân là do trang thông tin điện tử của huyện mặc dù đã xây dựng nhưng lâu nay bị trục trặc, không hoạt động được. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh cũng nên thống nhất thể thức các văn bản điện tử và sớm xây dựng quy chế phối hợp để đồng bộ trong quy trình xử lý.

Tình trạng các sở, ngành nợ văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và ngược lại vẫn chưa được khắc phục triệt để, thậm chí có lúc còn tăng so với tháng trước. Điều này đang bộc lộ những hạn chế trong quy trình phối hợp và cách thức xử lý các đầu việc của chính những đơn vị đầu mối.

Nếu những hạn chế này không sớm được khắc phục thì khi vận hành chính quyền điện tử sẽ phát sinh những bất cập mang tính hệ thống, tác động xấu đến hiệu quả công việc.

UBND tỉnh đề ra mục tiêu đến hết quý III/2016, toàn tỉnh phấn đấu 100% văn bản trình UBND tỉnh phải dưới dạng điện tử (trừ các văn bản mật) và chậm nhất đến ngày 31/12/2016, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã thực hiện quản lý, chỉ đạo, điều hành và làm việc trên môi trường mạng qua phần mềm văn phòng điện tử, kết nối liên thông.

Đến hết năm 2017, 70% văn bản của các cơ quan nhà nước phải trao đổi dưới dạng điện tử và năm 2018, 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực được ưu tiên bao gồm: đất đai, giao thông, xây dựng, môi trường, bảo hiểm, y tế, đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư… phải bảo đảm cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng chính quyền điện tử: Sớm khắc phục hạn chế để triển khai đúng lộ trình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO