Chính trị

Khúc khải hoàn của người lính Điện Biên

Thanh Hằng - Hoàng Hoài 06/05/2024 06:45

70 năm đã trôi qua, chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) mãi là niềm tự hào, khúc khải hoàn trong lòng những người lính từng góp phần cho một Điện Biên “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

Tràn đầy quyết tâm đánh giặc

Căn phòng khách nhỏ là nơi lưu giữ trọn vẹn ký ức của ông Trần Hữu Thái, tổ dân phố 6, phường Nghĩa Phú, TP. Gia Nghĩa về những năm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đặc biệt, những bức hình ông Thái chụp năm 2014 trong lần về thăm chiến trường xưa với chiếc xe tăng của thực dân Pháp do chính ông và đồng đội bắn phá thành công vào tháng 5/1954 được ông treo ở nơi trang trọng, dễ nhìn thấy nhất.

Ông Thái sinh năm 1933 tại tỉnh Hà Nam. Năm 14 tuổi, ông đã làm liên lạc cho du kích. Đến năm 17 tuổi, ông vào bộ đội. Đông xuân năm 1953 - 1954, ông Thái trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhớ lại ngày lên đường đi bộ đội, ông Thái vẫn vẹn nguyên ý chí mong muốn được đi đánh thực dân Pháp xâm lược, giải phóng đất nước.

hinh-ong-thai.jpg
Ông Trần Hữu Thái từng là lính pháo binh, trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Là người lính pháo binh, để có mặt tại trận địa Điện Biên Phủ, ông và 3 đồng đội phải khiêng quả pháo nặng 280kg đi ròng rã 1 tháng trời qua nhiều tỉnh như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái. Đường ra trận chủ yếu mới mở, nhỏ, hẹp, cộng với địa hình dốc, trời mưa trơn, lầy lội, một bên là vực thẳm, một bên là sự bắn phá của địch, nhưng không làm những chiến sĩ Điện Biên nhạt phai ý chí đánh giặc.

Lúc bấy giờ, ông Thái và đồng đội đều lấm lem bùn đất, chân tay trầy xước, hai mắt trũng sâu, thâm quầng vì đói ăn, thiếu ngủ. Thế nhưng, các ông luôn tràn đầy quyết tâm đánh giặc, dù gian khổ, dù có hy sinh cũng quyết mang pháo vào trận địa an toàn.

Thời ấy, cả tháng chỉ ăn xôi nắm, ai cũng nhẹ cân, trong khi pháo nặng gấp mấy lần trọng lượng cơ thể, vậy nhưng những người lính Cụ Hồ vẫn vác pháo băng rừng, lội suối không thấy mệt. Chiến sĩ pháo binh lấy sức người thay cơ giới, đưa pháo vào trận địa không phải vì không làm được đường cho xe chạy mà chính là để giữ bí mật, bất ngờ.

2(1).jpg
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, ông Thái cùng đồng đội tham gia đánh các cứ điểm khét tiếng của quân Pháp như Đồi A1, Him Lam

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, ông Thái cùng đồng đội tham gia đánh các cứ điểm khét tiếng của quân Pháp như Đồi A1, Him Lam… Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông Thái sung sướng, hân hoan, tự hào và kiêu hãnh vì thắng lợi của cách mạng, vì hai chữ “tự do” đã tới.

Năm 1958, ông Thái vinh dự là đại biểu tiêu biểu được chọn tham dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ II. Đây là lần đầu cũng là lần duy nhất ông Thái được trực tiếp nhìn thấy Bác Hồ đứng gần mình, bằng da, bằng thịt. Nghe Bác động viên, các ông như được truyền thêm sức mạnh để tiếp tục chiến đấu với quân thù.

Nhớ lời của Bác, tất cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, ông Thái đã tham gia nhiều chiến dịch khác nhau. Đặc biệt, năm 1972, ông và đồng đội đã tham gia trận "Điện Biên Phủ trên không" của quân và dân ta, đánh thắng B52 của địch trên bầu trời Hà Nội.

Năm nay hơn 90 tuổi đời, gần 65 năm tuổi Đảng, sức khỏe giảm sút, ông Thái không thể nói chuyện được rõ ràng, nhưng ánh mắt của ông vẫn tinh anh, tự hào to lớn vì đã có một thời tuổi trẻ anh hùng khi nhìn ngắm những kỷ vật, những hình ảnh, những thước phim về Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hiểu thêm giá trị của hòa bình, độc lập

Năm 1954, ông Nguyễn Xuân Đào, thôn 13, xã Nam Dong, huyện Cư Jút tình nguyện vào bộ đội thuộc Sư đoàn 325. Sau đó, ông và nhiều đồng đội được tuyển chọn, tập kết ra Bắc để chi viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hơn 1 tháng hành quân từ Nghệ An, ông đã có mặt tại Thái Bình và nhập vào Sư đoàn 320. Những ngày đóng quân tại Thái Bình, ông lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng ra trận chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ khi có lệnh yêu cầu.

Ông Đào cho biết: “Tôi vào bộ đội khi 18 tuổi. Thời ấy, chúng tôi chỉ có một ước muốn duy nhất là được làm liên lạc và vào bộ đội tham gia đánh thực dân xâm lược, giải phóng dân tộc. Vì thế, khi vào bộ đội, được đi đánh giặc, chúng tôi ai cũng hừng hực khí thế, nhiệt huyết, quyết tâm đánh giặc, giải phóng quê hương”.

t4-1-.jpg

Đặc biệt, khi nghe tin Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, các ông vui mừng, phấn khởi vô cùng. Mặc dù không trực tiếp vào trận địa đánh giặc, nhưng những nơi các ông đi qua, dừng chân, ngày nào cũng có hy sinh, mất mát của đồng chí, đồng đội và người dân.

“Ngày nghe tin Điện Biên giải phóng, bà con quê hương Thái Bình nô nức vui mừng chiến thắng, cờ đỏ sao vàng ngập tràn các nẻo đường quê. Từ già trẻ, gái trai đều truyền tai nhau giải phóng Điện Biên rồi, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, chúng ta sẽ hết lầm than! Chứng kiến cảnh này, anh em chúng tôi càng hiểu thêm về giá trị của hòa bình, độc lập, quyết tâm sục sôi đánh giặc”, ông Đào chia sẻ.

Theo Hội Cựu chiến binh tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có 93 CCB từng tham gia kháng chiến chống Pháp, trong đó có 20 CCB trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhưng những chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn luôn kiên định với lý tưởng cách mạng mà Đảng, Bác Hồ lựa chọn, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Ông Nguyễn Xuân Đào tâm sự: “Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ có một tiến trình cách mạng riêng. Thời chiến tranh loạn lạc, gian khổ, tất cả chúng tôi đều tự nguyện đồng tâm, hiệp đồng đánh thắng quân giặc. Hòa bình lập lại, chúng tôi lại chung tay dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp. Đến nay, ở tuổi xưa nay hiếm, chúng tôi tuy già về tuổi tác, nhưng tinh thần thì không bao giờ già, luôn là những chiến sĩ Điện Biên gương mẫu, đoàn kết, giáo dục con cháu nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, sống xứng đáng với sự hy sinh, đánh đổi máu xương, nước mắt của ông cha ta để giành độc lập dân tộc”.

Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!”, cả nước dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ. Lực lượng tham gia chiến đấu lên đến 55.000 quân, trên 260.000 dân công và 27.400 tấn gạo được huy động để cung cấp cho chiến dịch. Hàng vạn thanh niên xung phong phối hợp cùng bộ đội công binh ngày đêm mở đường ra mặt trận dưới mưa bom bão đạn của quân thù.

Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công, mở màn chiến dịch. Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng mãnh, kiên cường, “gan không núng, chí không mòn”, chiều 7/5/1954, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng chỉ huy Đờ Cát, kết thúc thắng lợi trận quyết chiến chiến lược. 70 năm đã trôi qua, chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào của lớp lớp các thế hệ người dân Việt Nam nói chung, Đắk Nông nói riêng.

    Nổi bật

        Mới nhất
        Khúc khải hoàn của người lính Điện Biên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO