Vẫn còn nhiều bất cập kể từ khi Việt Nam là thành viên WTO

T.D (t.h)| 18/09/2015 22:43

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 41, sáng 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Đoàn giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo (bổ sung) về kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc gia nhập WTO đã tác động toàn diện đến mọi mặt kinh tế-xã hội của đất nước và kết quả đạt được là đáng ghi nhận.

Sau khi gia nhập WTO, các quy định pháp luật đã được tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm thực hiện các cam kết WTO và các cam kết quốc tế khác.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá một cách tổng quát, có thể khẳng định Việt Nam đã nghiêm túc trong việc thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO.

Sau khi gia nhập WTO năm 2007, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới và khu vực cũng như những điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô trong nước, tăng trưởng kinh tế có nhiều biến động tại các thời điểm khác nhau. Năm 2007, việc trở thành thành viên WTO đã giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (7,13%).

Hội nhập kinh tế mang lại cơ hội tăng thu nhập cho người dân, người lao động. GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 43,4 triệu đồng, gấp 2,93 lần so với năm 2007.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực môi trường cũng chịu một số tác động tiêu cực, đó là các hoạt động của các ngành kinh doanh, dịch vụ về khoáng sản, dầu mỏ được đẩy mạnh sau khi trở thành thành viên WTO góp phần làm suy kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên do khai thác và sử dụng chưa hợp lý.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi các cam kết WTO và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung từ năm 2007 đến nay cho thấy một số hạn chế, bất cập cần quan tâm. Thể chế pháp luật kinh tế ngày càng hoàn thiện nhưng chất lượng và hiệu lực thực thi chưa cao. Chính sách kinh tế chưa đủ mạnh để tận dụng cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, nhất là chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Cải cách hành chính chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển kinh tế. Chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của nền kinh tế còn yếu và chậm được cải thiện. Năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và sản phẩm còn hạn chế.

Tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân những hạn chế sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao báo cáo giám sát, nhưng cho rằng nhiều nội dung cần phân tích sâu hơn, đặc biệt là những nguyên nhân của hạn chế, bài học rút ra để từ đó có giải pháp cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Có ý kiến tại buổi thảo luận cho rằng nhiều đánh giá về kết quả đạt được là hơi cao so với thực tế, nhất là việc hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật. Ngoài ra, yếu tố con người chưa được đánh giá đúng mức, vì thể chế có hoàn thiện mà bộ máy, con người không đúng tầm thì khó đạt kết quả như mong muốn.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị phân tích kết quả đạt được đã thực sự tương xứng với mục tiêu, kỳ vọng khi gia nhập hay chưa. Cùng với đó cần có so sánh với các nước trong khu vực để thấy mức độ mà Việt Nam đạt được so với các nước để thấy được bước đi thành công cũng như nhìn nhận rõ thách thức để vượt qua.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đề nghị làm rõ thêm về sự tác động của việc gia nhập WTO và hội nhập quốc tế liên quan đến vấn đề nông nghiệp; về xóa đói giảm nghèo, giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới. Ông Hiền đề nghị báo cáo cần làm rõ hơn về những kết quả đã đạt được, những tác động tích cực, những áp lực, khó khăn bất cập khi hội nhập quốc tế, trong khi nền kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu là nông nghiệp. Đặc biệt là nguồn nhân lực trong nông nghiệp có tác động như thế nào. Đây là vấn đề cần quan tâm, bởi lao động nông nghiệp đang chiếm tỷ lệ lớn trong lao động chung của cả nước, trong khi phải chịu áp lực khi đa số lao động nông nghiệp chưa được đào tạo cơ bản, đào tạo nghề cũng đang rất khó khăn.

Cho rằng báo cáo đã cung cấp rất nhiều thông tin quan trọng về tình hình kinh tế-xã hội cho Quốc hội, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, báo cáo cần có sự đánh giá sâu sắc hơn để tập hợp được tất cả những thông tin tổng quan nhất, đồng thời cũng để nhận thấy được những tồn tại, hạn chế, yếu kém, từ đó có thể khắc phục, vượt qua.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng báo cáo vẫn chưa trả lời được câu hỏi, sau 8 năm gia nhập WTO nền kinh tế Việt Nam và sức phát triển của Việt Nam có tiến bộ lên không, có co bớt khoảng cách phát triển với các nước không? Nhấn mạnh, đây là cơ hội để rút kinh nghiệm cho TPP, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện để báo cáo đi vào chiều sâu hơn.

* Chiều cùng ngày, Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Luật Dược (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, dự án luật lần đầu trình ra Quốc hội nên phải có báo cáo để Quốc hội biết tình trạng phát triển của ngành dược thế nào để từ đó sửa luật nhằm tạo sự chuyển biến.

Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến rằng có đảm bảo ngành dược Việt Nam sẽ bứt phá sau khi sửa luật, vì 10 năm thi hành luật hiện hành chưa có sự phát triển rõ ràng. Thị trường thuốc ở Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, nước ta phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu làm thuốc và 50% thuốc để đáp ứng nhu cầu của người dân. Sản xuất thuốc trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sử dụng thuốc.

Về con số Việt Nam có trên 180 nhà máy sản xuất thuốc tân dược hoặc thuốc dược liệu, trong đó có trên 150 nhà máy đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt, theo Chủ tịch Quốc hội, thực chất chỉ là bào chế chứ chưa thiên về nghiên cứu khoa học về thuốc; công nghệ lạc hậu và chủ yếu mua nguyên liệu rồi „đóng- dập”

Nguồn dược liệu ở Việt Nam rất phong phú, đa dạng, kể cả các dược liệu quý hiếm, chất lượng tốt, nhưng chúng ta chưa khai thác được thế mạnh này. Trong khi đó thị trường nhan nhản các loại thuốc Đông- Tây và cả thực phẩm chức năng.

"Tôi từng mua thuốc kiểu dạng bột tưởng là gia tuyền nhưng khi mang đi kiểm nghiệm lại là thuốc Tây giã ra trộn với mật ong, bột rồi viên lại bán với giá cao. Tất cả vùng nguyên vật liệu không phát triển được, trong khi người Trung Quốc sang mua cả gốc rể, thậm chí cả côn trùng, mà hình như cũng để làm thuốc”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ.

Nhấn mạnh mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm, Chủ tịch Quốc hội nói: "Có đảm bảo được Luật Dược sửa đổi ra đời là mở ra cơ hội làm ăn thuận lợi cho mọi người, từ trồng cây thuốc, đến chế biến, nghiên cứu, sản xuất? Giao lưu thế nào để nhập khẩu công nghệ về sản xuất, đưa thuốc tốt về cho dân ta dùng. Tôi đọc thấy loanh quanh cấp phép này kia, có loại giấy sao cần đến thời gian đến 18 tháng mới xong! Có luật 10 năm mà ngành dược vẫn thế, vùng nguyên liệu vẫn thế, người Việt Nam vẫn chết trên dống thuốc. Không có ngành nào ở nước ta phát triển chậm như ngành dược”.

Bà Trương Thị Mai- Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội – cơ quan thẩm tra dự án luật cho biết, kế thừa các quy định về thuốc cổ truyền và thuốc dược liệu tại Luật dược hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung thêm nhiều quy định nhằm củng cố và phát triển dược liệu, thuốc cổ truyền như quy hoạch phát triển dược liệu; chính sách của Nhà nước về thuốc cổ truyền; lĩnh vực ưu tiên trong phát triển thuốc cổ truyền; trách nhiệm trong phát triển sản xuất, kinh doanh và lưu hành thuốc cổ truyền; thử thuốc cổ truyền trên lâm sàng...

Tuy nhiên, theo bà Mai, hiện nay nhiều nguyên liệu làm thuốc cổ truyền dạng thô của Việt Nam thì được bán cho các nước còn hầu hết các bệnh viện y học cổ truyền lại nhập dược liệu đã chế biến mà không kiểm soát được chất lượng.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 18/9

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thì cho biết, có người nói thuốc cổ truyền, gia truyền của Việt Nam nhiều và rất quý mà cuối cùng chết trên đống thuốc. Dự thảo luật cũng chưa đề cập gì về thuốc gia truyền trong khi nhiều bài thuốc hay, hiệu quả đã được thể hiện trong thực tế.

“Có trường hợp rắn cắn, bệnh viện bó tay nhưng một ông dùng lá thuốc lại khỏi. Nếu cứ quy định thuốc phải đăng ký và được Bộ trưởng công nhận mới được chữa trị thì không bao giờ phát huy được. Bởi có những bài thuốc gia truyền rất quý họ không bao giờ nói nên cần có chính sách khuyến khích, khen thưởng, hợp tác”, ông Huỳnh ngọc Sơn nói.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lưu ý cần quan tâm chính sách phát triển y học cổ truyền mạnh hơn, rõ ràng hơn. Thực tế có nhiều bài thuốc hay và rất phong phú, ở các dân tộc, vùng miền đều có vai trò lương y.

“Luật phải nói rõ chính sách bảo tồn và phát huy thuốc cổ truyền; đề cập hình thành và quy hoạch vùng nguyên liệu thuốc cổ truyền, đầu tư nghiên cứu khoa học để từ gia đình sản xuất có thể khuyến khích mở rộng được. Nếu không những thầy thuốc giỏi và bài thuốc hay sẽ mất”, ông Ksor Phước đề nghị.

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đã họp rất nhiều với Hội Đông y Trung ương cũng như lắng nghe các nhà khoa học nghiên cứu về ý học cổ truyền để có những quy định phù hợp. Hiện luật giao Chính phủ quy định chi tiết một số vấn đề. Tiếp thu ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ban soạn thảo sẽ thiết kế thêm về nội dung liên quan thuốc gia truyền trong dự thảo Luật Dược (sửa đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn còn nhiều bất cập kể từ khi Việt Nam là thành viên WTO
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO