Trưởng thôn thao túng quyền hỗ trợ hạn hán cho dân?

Ngàn Sâu| 12/09/2016 10:56

Đợt hạn hán lịch sử vào đầu năm 2016 đã gây thiệt hại nặng nề về mùa màng đối với rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho những trường hợp bị thiệt hại về cây trồng. Thế nhưng, khi thực hiện chích sách này, có những trưởng thôn ở một số địa phương đã có biểu hiện thao túng quyền hành, gây những bất bình trong nhân dân…

ADQuảng cáo

Người dân nhận tiền hỗ trợ thiệt hại do hạn hán tại UBND xã Quảng Tín

Chuyện ở Quảng Tín

Ông Ngàn Phân Nhì, trú tại tổ 1, thôn 6, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp, phản ánh: Gia đình ông có hơn 7 ha cà phê. Những năm trước đây, bình quân mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 17 tấn quả. Còn năm 2016 này, do bị hạn nặng nề, nên phần lớn vườn cà phê bị chết cành, khô quả, ước tính sản lượng bị giảm khoảng 45%. Với mức thiệt hại lớn như vậy, gia đình ông cứ đinh ninh sẽ được sự hỗ trợ theo chính sách chung của Nhà nước.

Thế nhưng, mới đây, khi UBND xã Quảng Tín tiến hành giải ngân tiền hỗ trợ hạn hán thì gia đình ông lại không được nhận. Tìm hiểu, gia đình ông mới biết cán bộ thôn 6 đã âm thầm thực hiện việc kiểm kê thiệt hại về cây trồng chứ không thông báo rộng rãi cho người dân.

Ông Nhì bức xúc: “Khi người dân chúng tôi thắc mắc thì ông Trần Văn Sang, Thôn trưởng thôn 6 lý giải là do khi đến nhà thông báo, nhưng chủ nhà đi vắng nên không thông báo được. Điều này là không đúng sự thật. Bởi vì, trong tổ 1, ngoài gia đình tôi, còn có đến 17 hộ dân khác bị thiệt hại về cây trồng, nhưng cũng đều không nhận được thông báo của trưởng thôn về việc thống kê thiệt hại để nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước”.

Tương tự, qua tìm hiểu của phóng viên Báo Đắk Nông, ở khu vực tổ 2, thôn 6, cũng có tới 25 hộ dân, với tổng cộng hơn 100 ha cà phê bị thiệt hại nặng nề do hạn hán, nhưng đều không hề nhận được thông báo kê khai để được hỗ trợ.

Đơn cử như trường hợp của ông Lý Cúm Và. Mặc dù đang là Tổ trưởng tổ 2, nhưng ông Và cũng không hề nhận được thông báo của trưởng thôn 6 để kê khai thiệt hại về cây trồng, nên đã “vuột” mất tiền hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Và cho biết: “Trưởng thôn không thông báo kê khai thiệt hại để nhận hỗ trợ thì làm sao bà con biết được. Rõ ràng chính sách này đã bị một số cá nhân triển khai không đến nơi đến chốn, hoặc cố tình làm sai lệch. Chúng tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định”.

Không chỉ bị “ém” thông tin, mà có những trường hợp người dân còn bị “gạt” ra khỏi danh sách hỗ trợ. Gia đình ông Huỳnh Văn Quy (cũng trú tại thôn 6) là một ví dụ. Gia đình ông có gần 3 ha cà phê, nhưng do hạn hán kéo dài, nên có hơn 100 cây bị chết, số còn lại bị rụng trái, chết cành, ước tính sản lượng giảm khoảng 60%. Khi nhận được thông báo kê khai mức thiệt hại để nhận tiền hỗ trợ, gia đình ông nhanh chóng thực hiện một cách đầy đủ.

ADQuảng cáo

Thế nhưng, chờ đợi mãi, gia đình ông vẫn không nhận được thông báo nhận tiền. Sau đó, ông Quy trực tiếp gặp trưởng thôn để hỏi về sự việc và được biết, gia đình ông không có trong danh sách được Nhà nước hỗ trợ. Nguyên nhân là do trong đợt kê khai lại, trưởng thôn 6 không gặp được ông Quy, nên đã loại gia đình ông ra khỏi danh sách.

Còn ông Phạm Văn Trường, trú tại thôn Sa Đa Cô, xã Quảng Tín thì phản ánh: “Trong số các hộ dân được nhận tiền hỗ trợ thiệt hại do hạn hán lần này thì người thân, bà con, dòng họ của trưởng thôn đều được thống kê, nhận tiền không hề thiếu một ai. Trong khi đó, nhiều hộ dân khác lại bị bỏ qua một cách rất khó hiểu. Do đó, cấp trên phải sớm làm rõ vấn đề này để bảo đảm sự công bằng, khách quan cho người dân”.

Ngoài ra, hàng chục hộ dân khác ở các thôn 3, thôn 10, thôn Sa Đa Cô… cũng kiến nghị UBND xã Quảng Tín, UBND huyện Đắk R’lấp làm rõ sự “mập mờ” của các trưởng thôn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ hạn hán cho dân.

Một số địa phương khác cũng có những xì xầm

Không riêng gì ở Quảng Tín, thời gian qua, người dân tại một số địa phương khác cũng phản ánh về tình trạng thiếu công khai, minh bạch trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại do hạn hán. Chẳng hạn, nhiều người dân ở thôn Đắk Tiên, xã Đắk N’drung (Đắk Song) phản ánh về việc họ không được nhận tiền hỗ trợ, cho dù mức độ thiệt hại về cây trồng do hạn hán gây ra là rất nặng nề.

Qua tìm hiểu thực tế, phóng viên Báo Đắk Nông ghi nhận, trong thôn Đắk Tiên có tổng cộng 86 hộ có cây trồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, nhưng chỉ có 21 hộ được kê khai để nhận tiền hỗ trợ với tổng diện tích 30,1 ha. Ngược lại, có một số hộ dân không bị thiệt hại hoặc dùng đất trống để kê khai, nhưng vẫn được đưa vào danh sách phê duyệt hỗ trợ… Người dân cho rằng, phần lớn là do cán bộ  thôn chưa làm hết trách nhiệm hoặc thao túng quyền hạn trong việc triển khai chính sách hỗ trợ người dân.

Mới đây nhiều người dân trú tại thôn 10, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) cũng phản ánh với cơ quan chức năng về việc chính quyền địa phương chưa bảo đảm công bằng khi triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại do hạn hán. Bởi vì, cùng mức thiệt hại tương đương nhau, nhưng tại thôn 10, có hộ gia đình thì được hỗ trợ, có hộ lại không…

Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Phò, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song, thừa nhận có một số người dân trên địa bàn phản ánh, kiến nghị về việc thiếu công bằng, thiếu hợp lý trong thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại do hạn hán. Huyện sẽ tiến hành rà soát lại để có biện pháp xử lý một cách nghiêm minh nếu có sai phạm.

Còn ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp cũng cho biết, huyện đã nhận được thông tin của người dân tại một số địa phương phản ánh về việc không được nhận tiền hỗ trợ thiệt hại do hạn hán. Tuy nhiên, nguyên nhân do đâu thì UBND huyện phải vào cuộc để kiểm tra, xem xét mới đưa ra kết luận được.

Hiện nay, việc thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại do hạn hán đã được tỉnh phân cấp cho UBND các huyện, thị xã. Hầu hết các địa phương đã triển khai giải ngân tiền hỗ trợ cho người dân một cách chính xác, đúng đối tượng, đúng thực tế so với mức thiệt hại. Mặc dù vậy, đâu đó vẫn biểu hiện không bình thường và nhiều người dân đang băn khoăn, bức xúc. Do đó, chính quyền các địa phương cần sớm vào cuộc kiểm tra, xác minh để  xử lý, chấn chỉnh. Đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi sai trái trong việc thực hiện chính sách của Nhà nước thì cần xử lý nghiêm trước pháp luật để bảo đảm kỷ cương và công bằng cho nhân dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trưởng thôn thao túng quyền hỗ trợ hạn hán cho dân?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO