Trong ngày tết, cần chú ý đến chế độ ăn uống

Thu Tài| 24/01/2014 09:06

Ngày tết thường có rất nhiều món ăn truyền thống như bánh chưng, dưa muối, thịt đông. Đây đều là những món giàu dinh dưỡng nhưng không nên ăn quá nhiều, nhất là đối với những người đang mắc các bệnh tim mạch, gan mật, huyết áp.

ADQuảng cáo

Bánh chưng, bánh tét có gần như đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể, chỉ thiếu một ít chất xơ nhưng sẽ được cân bằng nếu ăn với các loại dưa món, dưa hành và sau đó tráng miệng bằng vài lát dưa hấu. Dù vậy, cần lưu ý là các loại bánh này rất giàu năng lượng (trên 200Kcal/100g), nhiều chất béo và là các chất béo từ thịt mỡ ít có lợi cho sức khỏe. Với những người thừa cân, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh lý dạ dày có tăng tiết dịch vị… không nên dùng quá nhiều loại thực phẩm này.

Dưa món, dưa chua cung cấp chất xơ là chủ yếu, không có nhiều các chất thiết yếu như vitamin và rất ít năng lượng. Tùy theo cách chế biến mà lượng muối trong các loại dưa này khác nhau nhưng nhìn chung dưa đều chứa nhiều muối, nhất là loại dưa món gồm các nguyên liệu như củ kiệu, củ cải, su hào, cà rốt, đu đủ… phơi khô rồi ngâm trong nước mắm thì rất mặn. Do vậy, dưa không phù hợp với người cần giảm muối trong khẩu phần như bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch hoặc bệnh nhân suy thận.

Thịt động vật thông dụng nhất trong những món ăn cổ truyền ngày Tết Việt là thịt heo. Tuy nhiên, những người có bệnh lý thừa cân, cao huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ, chỉ nên dùng với một số lượng hạn chế khoảng 100g mỗi ngày; hoặc ít hơn nữa, nếu các bệnh lý cao huyết áp, tim mạch vẫn chưa được điều trị ổn định.

ADQuảng cáo

Trái cây các loại là loại thực phẩm được khuyến cáo nên dùng nhiều nhất trong những ngày tết, vì đây là nguồn cung cấp vitamin quan trọng, là nguồn cung cấp nước, chất xơ làm cân đối khẩu phần ăn vốn nhiều năng lượng, nhiều đạm, nhiều béo trong những ngày xuân. Những loại trái cây như cam, quýt, bưởi rất tốt cho những ngày này vì nhiều nước, nhiều chất xơ, giàu vitamin C. Tuy nhiên, cũng chỉ nên ăn những loại trái cây còn tươi.

Ngộ độc thực phẩm thường tăng mạnh vào những ngày tết. Vì thế, việc xử lý nhiễm độc thực phẩm rất quan trọng và cần thiết. Khi bị ngộ độc, người nhiễm độc có thể cảm thấy buồn nôn, đau bụng, đau đầu, mệt mỏi, trường hợp nặng có thể gây ra suy sụp cơ thể do mất nước, mất điện giải, sốt cao 38 - 39 độ C, rét run, đau mỏi toàn thân, đó là những triệu chứng xuất hiện sau 1 - 3 giờ từ khi ăn nhầm các thức ăn bị biến chất;  nặng hơn có thể dẫn đến huyết áp thấp, mạch nhanh, dễ có trụy tim mạch.

Khi xuất hiện những triệu chứng nói trên, người bị nhiễm độc phải được loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể bằng cách gây nôn để ngăn cản sự hấp thu của ruột đối với chất độc, phá hủy độc tính đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày. Ngộ độc thực phẩm thường gây mất nước nên sau đó cần bù nước và điện giải bằng dung dịch oresol.

Nếu không có dấu hiệu tiến triển, cần đưa người bị nhiễm độc đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trong ngày tết, cần chú ý đến chế độ ăn uống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO