Đường Hồ Chí Minh – Biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết Việt Nam - Lào - Campuchia
Đường Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt chống kẻ thù chung của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế.
Đường Hồ Chí Minh ra đời và phát triển, trước hết bắt nguồn từ nhu cầu của cách mạng Việt Nam. Trong quá trình đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh ra toàn Đông Dương, đường Trường Sơn đã không ngừng được củng cố, mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển cách mạng của 3 nước Đông Dương.
Trước tình hình địch đánh phá ngày càng ác liệt, Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào nhất trí với đề nghị của Việt Nam mở tuyến đường vận tải trên đất Lào; đồng thời cũng đề nghị dùng đường đó để vận chuyển một số nhu cầu thiết yếu tới Nam Lào, cùng Lào mở rộng vùng giải phóng ở khu vực này. Ngày 14/6/1961, Đoàn công tác quân sự đặc biệt (Đoàn 559) chính thức bước vào hoạt động trên tuyến Tây Trường Sơn.
Tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam (cả Đông và Tây Trường Sơn) đã đi qua 20 tỉnh thuộc 3 nước Đông Dương, bảo đảm vận chuyển nhiều đơn vị bộ đội chủ lực và số lượng lớn vật chất cho các chiến trường; là sợi dây liên kết các chiến trường, là “khúc ruột” nối với các tuyến vận tải của hậu phương lớn miền Bắc và các tuyến vận tải của các chiến trường 3 nước Đông Dương, tạo nên một hệ thống liên hoàn bền vững. Đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tìm mọi cách, tập trung mọi lực lượng, mọi cố gắng với đủ các loại phương tiện chiến tranh hiện đại liên tục đánh phá, hòng hủy diệt con đường.
Tuy nhiên, lãnh đạo cách mạng của 3 nước chủ trương động viên sự nỗ lực cố gắng của quân và dân (Việt - Lào - Campuchia) mở thêm nhiều đường, con đường không những không bị ngăn chặn mà nở hoa, lan tỏa khắp mọi nẻo chiến trường Đông Dương. Nhân dân các dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia trên tuyến đường hành lang đi qua đã tự nguyện dời bản, chuyển nhà, góp phần xây dựng, bảo vệ con đường trong suốt những năm chiến tranh. Nhờ đó, tình đoàn kết quân dân 3 nước thêm gắn bó.
Không chỉ là tuyến hậu cần chiến lược, là hậu phương trực tiếp, căn cứ của chiến trường miền Nam Việt Nam, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn còn bảo đảm chi viện đắc lực cho chiến trường Lào và Campuchia. Cụ thể, từ năm 1959 đến năm 1964, tuyến vận tải chiến lược đã bảo đảm vận chuyển hàng và tổ chức hành quân cho các đơn vị vào chiến trường miền Nam và Lào được 10.136 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ cùng hàng ngàn tấn hàng quân sự của các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ cho cách mạng Việt Nam, Lào...
Năm 1970, tuyến vận tải chiến lược đã vận chuyển trên 5.000 tấn vũ khí, đạn dược phục vụ kịp thời cho lực lượng cách mạng Campuchia phối hợp với Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đập tan cuộc hành quân Chen la 1 của Mỹ - Thiệu - Lon Non.
Trong hai năm 1973 - 1974, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào, Campuchia một khối lượng vật chất gấp 3,8 lần giai đoạn 1969 - 1972, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam, Lào và Campuchia tiến lên giành thắng lợi quyết định vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến.
Trong Sổ vàng của Bộ đội Trường Sơn năm 1973, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ghi: “Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường đoàn kết của ba nước Đông Dương…”.
Đánh giá về tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi trong Sổ vàng truyền thống của Bộ đội Trường Sơn: Đây là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Đường Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết gắn bó keo sơn của quân với dân, miền Bắc với miền Nam, giữa ý Đảng với lòng dân và tình đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia; một pho lịch sử bằng vàng để các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau học tập và noi theo.
Ngày nay, đối với các tỉnh Tây Nguyên, đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cả về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh. Đường Hồ Chí Minh trở thành trục giao thông chính, nối thông phía bắc Tây Nguyên với các tỉnh miền Trung và liên thông sang nước bạn Lào và Campuchia.
Đường Hồ Chí Minh là một công trình to lớn, mang theo ý nguyện của Đảng, mong ước của Nhân dân, là một công trình có tính chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đến nay, mặc dù chưa hoàn thành 100%, nhưng đường Hồ Chí Minh đã và đang phát huy hiệu quả thực tế. Trong những năm tới, nhất là khi hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), đường Hồ Chí Minh sẽ càng đóng góp to lớn hơn, làm nên những “kỳ tích” mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.