Y tế - Sức khỏe

Tỉnh táo để không dại với bệnh dại

Hoàng Dương 16/05/2024 06:55

Thời gian vừa qua, xuất hiện các ca tử vong do bệnh dại được ghi nhận tại các địa phương. Hầu hết các nạn nhân đều có điểm chung là chủ quan không tiêm phòng, hoặc tiêm không đầy đủ, đúng lịch sau khi bị chó, mèo cắn.

Hiểm nguy chực chờ

Bác sĩ CKI Nguyễn Nên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tuy Đức thông tin, ngày 15/4/2024 tại thôn 5, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, trong khi đang chơi gần nhà, 2 em V.T.N (SN 2016) và L.M.C (SN 2016) đã bị 1 con chó nhà hàng xóm nghi mắc dại, cắn vào môi và cánh tay trái. Đồng thời, con chó nghi mắc dại cắn thêm 4 con chó khác trong cùng khu vực. Trong 4 con chó bị cắn, có 1 con bị người dân đánh chết đem đi chôn. Còn 3 con còn lại bị người dân đem làm thịt cùng ăn.

dscf8711-1-.jpg
Em V. T. N (SN 2016), thôn 5, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức bị con chó dại nhà hàng xóm cắn ở môi khi đang chơi gần đó

Ngay sau khi được phát hiện, 2 em nhỏ đã được người nhà đưa đến Trạm Y tế xã Quảng Tâm để xử lý vết thương. Đến ngày 16/4/2024 cả 2 em đã được tiêm 1 mũi huyết thanh và 1 mũi vắc xin phòng dại. Còn 3 người dân tham gia làm thịt chó hiện cũng đã được tiêm mỗi người 1 mũi vắc xin phòng bệnh dại. Nhận được thông tin, cán bộ Thú y huyện Tuy Đức đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đối với con chó nghi dại. Mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với vi rút dại.

Bác sĩ Nguyễn Nên cho biết, qua điều tra, xác minh tại cộng đồng ghi nhận, cụm dân cư thôn 5, xã Quảng Tâm có 18 hộ dân với 62 khẩu, người dân hầu hết là đồng bào dân tộc Mông. Người dân ở đây có tập quán nuôi chó, mèo để giữ nhà, giữ vườn, làm cảnh. Chó, mèo đều thả rông, không đeo rọ mõm, không tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Chính vì thế, địa bàn thôn 5, xã Quảng Tâm nói riêng và huyện Tuy Đức nói chung có nguy cơ gia tăng các trường hợp bị phơi nhiễm với vi rút dại.

Sau khi xảy ra tình trạng chó dại cắn người trên địa bàn, ngày 17/4/2024, chính quyền địa phương đã tổ chức tiêm phòng được 21 con chó, mèo tại đây. Hiện tại, sức khỏe của 2 em nhỏ bị chó dại cắn đều ổn định, người dân trở lại sinh hoạt bình thường.

Anh Và Bá Sua, thôn 5, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, chủ của con chó cắn 2 em bé cho biết, anh rất tiếc về sự việc đã xảy ra với 2 cháu bé và khiến cho người dân xung quanh hoang mang. Sau sự việc này, gia đình anh đã theo hướng dẫn của nhân viên thú y, cán bộ y tế, tiêm phòng đầy đủ cho những con chó khác mà gia đình đang nuôi. Gia đình anh thường xuyên theo dõi động vật nuôi trong nhà để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Không được may mắn như trường hợp của 2 trẻ em tại thôn 5, xã Quảng Tâm, tại huyện Đắk Mil, 1 em nhỏ bị chó dại cắn nhưng vì không được cứu, chữa kịp thời đã dẫn tới tử vong.

TTYT huyện Đắk Mil thông tin, vào ngày 27/4/2024, TTYT nhận được thông báo của Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên về 1 trường hợp bị bệnh dại tại thôn Tân Bình, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil. TTYT huyện Đắk Mil đã phối hợp cùng với các đơn vị liên quan, địa phương triển khai điều tra, xác minh thông tin. Kết quả ghi nhận 2 trường hợp là anh em trong gia đình bị chó dại cắn dẫn đến 1 người bị nhiễm vi rút dại và 1 người bị phơi nhiễm vi rút dại. Con chó đã chết cách đó khoảng 45 ngày. Chủ nuôi không theo dõi được các dấu hiệu bất thường của chó trước khi chết.

dscf8673-1-.jpg
Nhân viên y tế kiểm tra vết thương bị chó dại cắn cho em L.M.C (SN 2016), thôn 5, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức

Trường hợp bị nhiễm vi rút dại là cháu N.H.B.Q (SN 2013). Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, vào tháng 1/2024, bé bị chó nhà hàng xóm cắn rách da chân trái, gây một vết thương sâu, chảy nhiều máu. Khi bị chó cắn, bệnh nhân đã không báo cho người lớn mà tự xử lý, rửa vết thương dưới vòi nước chảy và không xử lý gì thêm.

Ngày 26/4/2024, bệnh nhân bị trượt ngã gây đau khớp háng và 2 đùi. Đến tối cùng ngày, bệnh nhân sốt cao 39°C, mức độ đau tăng dần, bí tiểu nên gia đình nhập viện tại TTYT huyện Đắk Mil. Kết quả siêu âm tại đây cho thấy bệnh nhân bị tràn dịch khớp háng và được chẩn đoán sốt chưa rõ nguyên nhân.

Đến ngày 27/4/2024, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên với triệu chứng đau nhức chân, khó uống nước, sợ hãi. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh dại và tư vấn cho về nhà lúc 23 giờ cùng ngày. Đến ngày 30/4/2024, bệnh nhân tử vong.

Về trường hợp bị phơi nhiễm là N.H.B.Q (SN 2017) là em gái của bệnh nhân N.H.B.Q. Cùng thời điểm tháng 1/2024, Q cũng bị chính con chó nhà hàng xóm nói trên cắn gây rách da chân. Bé được anh trai rửa vết thương dưới vòi nước và cũng không báo cho bố mẹ biết. Hiện tại bé N.H.B.Q tiếp xúc tốt, vết thương đã lành và không thấy dấu vết. TTYT huyện Đắk Mil đã tiến hành các biện pháp giám sát, hướng dẫn người dân tiêm vắc xin phòng bệnh dại theo quy định.

Không chủ quan với bệnh dại

Các trường hợp bị chó dại cắn nói trên đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh nguy cơ mắc dại do bị chó, mèo cắn, thậm chí dẫn tới tử vong nếu không được tiến hành các biện pháp điều trị dự phòng kịp thời.

Ngành Y tế tăng cường phối hợp với ngành Nông nghiệp giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn điều trị dự phòng và xử lý ổ dịch kịp thời.

Công văn số 2483/UBND-KGVX về chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh của UBND tỉnh Đắk Nông

Theo báo cáo của Sở Y tế, tại tỉnh Đắk Nông, từ năm 2019 đến tháng 3/2024, tỉnh Đắk Nông ghi nhận 8 ca mắc, tử vong do bệnh dại. Trong những ca mắc, tử vong do bệnh dại, nguyên nhân chính là do chó cắn. Tuy nhiên, người dân cũng cần cảnh giác với các vết thương khi bị mèo cắn. Từ năm 2019 đến nay, công tác tiêm vắc xin phòng bệnh dại đã tiêm được 15.860 liều; số lượt tiêm huyết thanh kháng dại 2.360 lượt. Loại động vật cắn chủ yếu là chó với 15.290 lượt, chiếm 89,3%.

Tình hình bệnh dại trên động vật xảy ra rải rác tại các địa phương, không theo mùa, không xảy ra thành dịch, chỉ là các ổ dịch đơn lẻ. Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Chuyên gia Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh dại như: nuôi chó, mèo cần tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo...

cac-bien-phap-phong-chong-benh-dai..png

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Tỉnh táo để không dại với bệnh dại
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO