Tháo "lực cản" bằng những tuyến đường mới

Lê Phước| 01/02/2021 17:20

Những ngày gần Tết Tân Sửu 2021, tuyến đường bê tông từ xã Trúc Sơn và xã Cư K’nia đã cơ bản hoàn thành. Tuyến đường khoảng 7 km to rộng, được đổ bê tông dày cộm. Ô tô, xe máy bon bon chạy trên con đường mới. Những ngày cuối năm, người và xe cộ qua lại nhộn nhịp.

ADQuảng cáo

Đây là cảnh tượng “trong mơ” đối với nhiều người dân ở xã Cư K’nia trước đây. Bởi lẽ, từ khi đến vùng đất này lập nghiệp, họ không dám tin sẽ có ngày tuyến đường được đầu tư bài bản đến thế.

Trong kí ức của chị Tăng Thị Thắm, ở xã Cư K’nia, tuyến đường này vẫn còn ám ảnh mỗi lần đi lại. “Mặt đường toàn ổ gà không thôi. Nắng thì bụi mù mịt, mưa thì lầy lội. Có mấy cây số từ Cư K'nia ra xã ra Trúc Sơn mà đi mất cả tiếng đồng hồ", chị Thắm kể.

Trục đường chính từ Trúc Sơn vào trung tâm xã Cư K’nia và xã Đắk D’rông dài khoảng 7 - 8 km nhưng rất ít xe máy qua lại. Người tham gia giao thông thường đi đường vòng qua các đường liên thôn, hoặc đường băng qua rẫy để tránh đoạn đường xấu.

Hai xã này cách trung tâm huyện Cư Jút chỉ hơn 10 km, nhưng thông thương rất hạn chế. Đường sá đi lại khó khăn đã trở thành một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của người dân xã Cư K’nia và Đắk D’rông.

Việc thi công vẫn được triển khai khẩn trương để sớm hoàn thành toàn bộ tuyến đường

Tại trung tâm xã Cư K’nia, hàng quán lác đác, gần như không tìm được nơi ăn uống, nghỉ ngơi. Khu vực trung tâm xã Đắk D’rông tuy có chợ với nhiều hàng quán, nhưng hàng hóa còn nghèo nàn. Phần lớn thị trường ở hai xã này vẫn còn mang tính tự cung, tự cấp.

ADQuảng cáo

Kinh tế xã Cư K’nia và Đắk D’rông chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Ngoài một số loại nông sản chủ lực như tiêu, cà phê, điều… người dân các xã này còn có các vùng cây ăn quả chất lượng.

Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch là lại gặp khó khăn vì đường giao thông. Ông Trần Văn Thành, ở xã Đắk D’rông tâm sự: Đi lại khó khăn nên thương lái ngại vào mua và nếu vào mua thì họ lại ép giá. Thế nên, chỉ khi nào có đường đi thuận lợi mới mong ổn hơn thôi”.

Anh Bùi Xuân Vụ, ở thôn 3, xã Cư K’nia, chia sẻ: "Thực sự mình không dám tin điều này đã trở thành sự thật. Từ nay, chúng tôi đã có con đường khang trang, vững chắc để đi lại. Sắp tới, chúng tôi sẽ trồng hoa, cây cảnh để tạo cảnh quan sạch đẹp cho con đường này".

Theo ông Trần Văn Nam, Giám đốc Ban Quản lý các dự án và phát triển quỹ đất huyện Cư Jút (chủ đầu tư), sau khi được bố trí kinh phí, đơn vị đã đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuy nhiên, do thời tiết mưa kéo dài nên việc thi công phải dừng lại một thời gian dài. Hơn nữa, việc vừa thi công, vừa khai thác cũng khiến cho việc thi công gặp không ít khó khăn.

Ông Nam cho hay: "Sau khi trời nắng trở lại, chúng tôi đã đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công. Việc thi công bảo đảm yếu tố an toàn giao thông, vừa bảo đảm chất lượng công trình. Trước Tết Nguyên Đán, tuyến đường 7 km từ xã Trúc Sơn đến xã Cư K’nia đã hoàn thành. Trong tháng 4/2021, chúng tôi sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng toàn bộ 15 km đường liên xã này".

Theo Chủ tịch UBND huyện Cư Jút Nghiêm Hồng Quang, tuyến đường bê tông liên xã Trúc Sơn - Nam Dong có nền đường rộng 6,5m, trong đó có 5,5m được đổ bê tông theo chuẩn mác 300, dày 20 cm (còn lại là nền đường 1m). Đây là tuyến đường có chiều dài, bề rộng và tiêu chuẩn bê tông tốt nhất trên địa bàn huyện Cư Jút thời gian qua.

Trong thời gian tới, huyện Cư Jút sẽ tiếp tục đề xuất cấp trên đầu tư thêm những tuyến đường bê tông mới, chất lượng như tuyến đường này. “Năm nay, người dân nhiều xã khó khăn của huyện đã có con đường mới để đi lại, đón Tết vui tươi. Hy vọng trong những năm tới, Cư Jút sẽ có thêm những con đường liên xã chất lượng, tạo điều kiện cho bà con đi lại và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, ông Quang kỳ vọng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo "lực cản" bằng những tuyến đường mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO