Thẩm quyền tổ chức giao thông đường bộ ở cấp tỉnh

Chinhphu.vn| 13/10/2023 10:09

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ; Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

ADQuảng cáo

Trong quá trình công tác, bà Huế Thương (Ninh Bình) gặp vướng mắc khi hiểu và áp dụng quy định pháp luật về tổ chức giao thông.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 37 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, việc tổ chức giao thông trên các tuyến đường địa phương là một nội dung thuộc công tác quản lý, bảo trì đường bộ và thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh (thẩm quyền chung).

Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn một số nội dung về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc quy định:

"2. Thẩm quyền phê duyệt phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc:

a) Bộ Giao thông vận tải phê duyệt phương án tổ chức giao thông đối với đường cao tốc do Trung ương quản lý theo đề nghị của chủ đầu tư, nhà đầu tư sau khi có báo cáo thẩm định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam;

b) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt phương án tổ chức giao thông do địa phương quản lý sau khi có báo cáo thẩm định của cơ quan chuyên môn trực thuộc và ý kiến thỏa thuận của Bộ Giao thông vận tải".

Tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư số 32/2014/TT-BGTVT ngày 8/8/2014 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn về quản lý, vận hành khai thác đường giao thông nông thôn quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh như sau:"1. Trên cơ sở quy định của Thông tư này, ban hành quy định phân công, phân cấp và trách nhiệm về quản lý, vận hành khai thác và tổ chức giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn; quy định việc phê duyệt Quy trình quản lý, vận hành khai thác các công trình đặc biệt trên đường giao thông nông thôn thuộc phạm vi quản lý."

Tại Điểm d Khoản 7 Điều 4 Thông tư số 15/2021/TT-BGTVT ngày 30/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định Sở Giao thông vận tải có nhiệm vụ: "d) Chủ trì hoặc phối hợp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh việc tổ chức giao thông trên hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật".

Từ các quy định trên, bà Thương hiểu là việc tổ chức giao thông trên đường bộ thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh (thẩm quyền chung).Trên thực tế, hiện nay có 2 cách hiểu về thẩm quyền tổ chức giao thông:

- Cách hiểu thứ nhất, tổ chức giao thông trên đường bộ là trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh (thẩm quyền riêng) căn cứ vào Điều 37 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Với cách hiểu này, thì việc lắp đặt báo hiệu đường bộ (báo hiệu đường bộ bao gồm tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn)trên các tuyến đường do địa phương quản lý do Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm; khi cần thay đổi dù chỉ là nội dung nhỏ nhất về báo hiệu đường bộ trên bất cứ tuyến đường địa phương nào cũng cần trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

Đối với các hoạt động liên quan đến tổ chức giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh (theo Điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương).

Điều này sẽ dẫn đến việc thiếu chủ động trong giải quyết các hoạt động liên quan đến tổ chức giao thông trên địa bàn cả tỉnh và cũng không thống nhất với nội dung của Điều 48 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các văn bản quy phạm pháp luật (Mục 1.2,1.3, 1.4, 1.5) đã được Bộ Giao thông vận tải ban hành.

Bên cạnh đó, các nội dung về tổ chức giao thông như phân làn, phân luồng, phân tuyến và quy định thời gian đi lại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; quy định các đoạn đường cấm đi, đường đi một chiều, nơi cấm dừng, cấm đỗ, cấm quay đầu xe; lắp đặt báo hiệu đường bộ… có tác động trực tiếp, sâu rộng, lâu dài tới hoạt động tham gia giao thông, việc ban hành các văn bản quy phạm để điều chỉnh một cách toàn diện, đồng bộ là hết sức cần thiết. Nếu tổ chức giao thông thuộc thẩm của Chủ tịch UBND tỉnh (thẩm quyền riêng) thì không thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản lý nội dung này.

- Cách hiểu thứ hai, tổ chức giao thông trên đường bộ thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh (thẩm quyền chung) căn cứ vào Điều 48 Luật Giao thông đường bộ; Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT; Khoản 1 Điều 18 Thông tư số 32/2014/TT-BGTVT và Điểm d Khoản 7 Điều 4 Thông tư số 15/2021/TT-BGTVT.

ADQuảng cáo

Cách hiểu này phù hợp với tình hình thực tế hiện nay (tại UBND các tỉnh đã và đang thực hiện phân cấp cho các Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện việc quản lý, bảo trì các tuyến đường địa phương trong đó có nội dungtổ chức giao thông)và cũng phù hợp với tinh thần củaNghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, trong đó tiếp tục khẳng định: "Tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn với quyền hạn và trách nhiệm; khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước".

Từ các nội dung trên, bà Thương đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn, trong các cách hiểu và áp dụng quy định về pháp luật nêu trên thì cách hiểu và áp dụng nào là đúng và bảo đảm yêu cầu của các quy định hiện nay.

Về vấn đề này, Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:

Thẩm quyền phê duyệt phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc do địa phương quản lý được quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 25/2023/NĐ-CP ngày 19/5/2023 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 24/4/2014):

"3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm:

a) Phê duyệt phương án, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý;

b) Thỏa thuận phương án tổ chức giao thông với Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khác trong trường hợp đường cao tốc hoặc đường khác do các cơ quan này đầu tư xây dựng kết nối với đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý của địa phương mình;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao đầu tư xây dựng đường cao tốc trên địa bàn địa phương mình và địa phương khác phải thỏa thuận với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có đường cao tốc đi qua trước khi phê duyệt phương án tổ chức giao thông".

Về nội dung phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc, nội dung chính của phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc được quy định tại Điều 26 Luật Giao thông đường bộ và Điều 9 Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ Giao thông vận tải. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang thực hiện chương trình xây dựng Thông tư hướng dẫn một số nội dung về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc, trong đó sẽ sửa đổi Thông tư số 90/2014/TTBGTVT nêu trên để phù hợp với Nghị định số 25/2023/NĐ-CP đã được ban hành.

Đối với tổ chức giao thông đường bộ khác, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện trách nhiệm theo Điểm b Khoản 2 Điều 37 Luật Giao thông đường bộ:

"2. Trách nhiệm tổ chức giao thông quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý".

Tuy nhiên để thực hiện nội dung trên, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thể phân cấp cho các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh thực hiện tổ chức giao thông đối với hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

ADQuảng cáo
Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tham-quyen-to-chuc-giao-thong-duong-bo-o-cap-tinh-102231004150834403.htm
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm quyền tổ chức giao thông đường bộ ở cấp tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO