Tăng cường phòng, chống bệnh dại trên động vật

Thùy Dương| 21/10/2013 09:23

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính xảy ra ở động vật có vú. Tác nhân gây bệnh là vi rút dại trong họ Rhabdoviridae, được đánh giá là bệnh truyền nhiễm gây chết người kinh sợ nhất của loài người.

ADQuảng cáo

Vi rút xuất hiện trong nước dãi của chó hoặc mèo khoảng từ 3-5 ngày trước khi con vật có triệu chứng lâm sàng đầu tiên và trong suốt thời gian bị bệnh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp bệnh dại vào hạng thứ 12 trong các bệnh truyền nhiễm gây tử vong.

Chó thả rông đem lại mối nguy hiểm cho con người

Ở nước ta, bệnh dại là một vấn đề y tế quan trọng, gây ảnh hưởng lớn về kinh tế và sức khỏe con người. Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng trên 400.000 người bị súc vật cắn phải tiêm phòng vắc xin dại, trong đó có nhiều ca tử vong.

Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2013, cả nước có 175.035 người bị chó cắn, phải đi điều trị dự phòng và đã có 63 người tử vong. Nguyên nhân chính gây tử vong là do số chó bị nhiễm vi rút dại ở nước ta rất lớn. Cả nước có khoảng trên 10 triệu con chó và phần lớn  không được quản lý.

Theo Thông tư số 48/2009 của Bộ Nông nghiệp- PTNT hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật thì người nuôi chó có trách nhiệm đăng ký với trưởng thôn, ấp, tổ trưởng dân phố để lập danh sách trình UBND xã, phường cấp “sổ quản lý chó”; đồng thời phải thường xuyên xích, nuôi trong nhà, không được thả rông.

Ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư, khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với con dữ) và không để chó đi lang thang ngoài đường phố, làm mất vệ sinh nơi công cộng. Ðể việc nuôi chó được an toàn, không gây thiệt hại cho người khác, ngoài việc chủ vật nuôi phải tự giác chấp hành các quy định của pháp luật thì mọi người đều có quyền yêu cầu chủ vật nuôi chấm dứt vi phạm.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đa số người nuôi chó đều không tuân thủ quy định và các địa phương cũng không thực hiện theo đúng thông tư đã đề ra.

Tại tỉnh ta, việc nuôi chó, mèo cũng chưa được người dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nên tình trạng thả rông chó, gây nguy hiểm cho con người vẫn còn diễn ra phổ biến. Vì vậy, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về nuôi chó cho người dân nắm bắt để chấp hành.

Bên cạnh đó, việc thành lập các đội chuyên trách thực hiện, xử lý triệt để các trường hợp nuôi chó thả rông cũng cần được quan tâm để không những đảm bảo mỹ quan, môi trường mà còn giúp cộng đồng tránh được những nguy hiểm không đáng có.

Ðể hạn chế, ngăn chặn tình trạng bệnh dại phát sinh, giảm thiểu người bị chó cắn và tử vong, mới đây, UBND tỉnh đã có công văn gửi các địa phương, các ngành triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Theo đó, các địa phương cần tiến hành rà soát số lượng chó, mèo và kết quả tiêm phòng dại nhằm tiến hành tiêm phòng bổ sung cho những con chó, mèo chưa được tiêm phòng trong đợt chính. Cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình vận chuyển, buôn bán chó, mèo, ngăn chặn việc nhập lậu chó, mèo qua biên giới, ngành thú y cần phân công cán bộ thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi, giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

Người dân nên chủ động khai báo với chính quyền địa phương, cơ quan thú y các trường hợp chó, mèo nghi mắc bệnh dại để xử lý nhanh, tránh thiệt hại. Ngoài ra, người nuôi chó phải tổ chức quản lý chó, không để ra ngoài; khi đưa chó ra nơi công cộng phải có dây xích, đeo rọ mõm và thường xuyên tiêm phòng dại cho chúng.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường phòng, chống bệnh dại trên động vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO