Đời sống

Huyện nghèo gặp khó vì đụng đâu cũng trúng quy hoạch bô xít

Đặng Dương 30/06/2024 17:04

Huyện Đắk Glong là một trong những huyện nghèo của cả nước và tỉnh Đắk Nông. 5/7 xã của Đắk Glong "dính" vào quy hoạch bô xít nên công tác giảm nghèo của huyện đang chậm và gặp khó khăn.

Nhiều dự án “treo” vì bô xít

Theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719), mỗi hộ dân được hỗ trợ 40 triệu đồng và vay vốn với lãi suất ưu đãi để xây dựng một căn nhà đáp ứng tiêu chí 3 cứng (nền cứng, tường cứng và mái cứng).

Sau 2 năm triển khai, ngoài một số hộ đã có nhà ở, còn rất nhiều hộ dân của huyện Đắk Glong chưa thể triển khai xây nhà. Một trong những nguyên nhân là vị trí dự kiến xây nhà nằm trên đất quy hoạch bô xít.

Gia đình chị H’Ốch, bon Sa Ú Dru, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, thuộc diện hộ nghèo, được hỗ trợ xây nhà nhưng phần đất của gia đình đang nằm trên đất quy hoạch khoáng sản nên hiện tại cả nhà vẫn phải ở trong căn nhà đã xuống cấp.

“Căn nhà cũ này được dựng từ lâu nên nhiều tấm ván đã mục nát. Chồng tôi công việc không ổn định, thu nhập hàng tháng chỉ đủ cho sinh hoạt. Tôi rất mong sớm có giải pháp tháo gỡ để gia đình tôi được xây nhà mới”, chị H’Ốch chia sẻ.

img_4747.jpg
Nhiều căn nhà tại huyện Đắk Glong đã xuống cấp, thuộc diện hỗ trợ xây mới nhưng chưa thể triển khai do vướng quy hoạch bô xít

Theo ông Nguyễn Tiến Duẩn, Chủ tịch UBND xã Quảng Khê, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình 1719 và chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Quảng Khê đã triển khai nhiều dự án để nâng cao đời sống Nhân dân.

Ngoài công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh trật tự cũng được xã Quảng Khê triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, theo ông Duẩn, đến nay có rất nhiều dự án của xã đang gặp khó khăn, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện. Nguyên nhân do toàn xã có khoảng 30 điểm quy hoạch mỏ bô xít nên “đụng đâu trúng quy hoạch đó”.

Tương tự, ông Lê Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Đắk Som, huyện Đắk Glong cho biết, do vướng phải quy hoạch bô xít nên từ khi triển khai Chương trình 1719 đến nay, xã Đắk Som không thể xây dựng các công trình mới.

“Hiện địa phương vẫn còn nhiều hộ nghèo và có nhu cầu về nhà ở. Song do vướng quy hoạch nên không thể xây dựng nhà cho các hộ dân. Nhiều căn nhà đã xuống cấp, hư hỏng nặng nhưng người dân vẫn phải chờ tháo gỡ vướng mắc do quy hoạch bô xít”, ông Đại chia sẻ thêm.

Tính đến tháng 6/2024, thực hiện Dự án 1 (Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt) cuả Chương trình 1719, huyện Đắk Glong chỉ hỗ trợ được 17 căn nhà mới cho 17 hộ. Kết quả này chỉ đạt hơn 50% so với kế hoạch giao (kế hoạch giao 30 căn nhà). Nguyên nhân là do nhiều hộ dân tại xã Quảng Khê, Đắk Lao, Đắk Som có đất nằm trên đất quy hoạch.

daknong.1cdn.vn-2024-04-19-_img_0340-1-.jpg
Cô và trò Trường mầm non Sơn Ca mong sớm có một nhà đa năng để nâng cao chất lượng dạy và học (Ảnh: Nguyễn Hiền)

Không chỉ Dự án 1 rơi vào trạng thái “đụng đâu trúng quy hoạch đó”, một số dự án khác cũng không thể mở mới do vướng quy hoạch bô xít.

Ông Hoàng Thái Tự, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho biết, theo kế hoạch, Trường mầm non Sơn Ca sẽ được đầu tư xây dựng khu nhà học đa năng để phục vụ dạy và học. Tuy nhiên, do phần đất dự kiến xây dựng đang nằm trong quy hoạch bô xít nên đến nay vẫn chưa thể triển khai.

“Phần lớn các công trình chưa thể triển khai do vướng quy hoạch bô xít là công trình công cộng, phục vụ nhu cầu của người dân”, ông Tự cho hay.

Đặc biệt, thực hiện Dự án 2 (Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết) của Chương trình 1719, năm 2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao huyện Đắk Glong thực hiện Dự án ổn định dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại nơi đặc biệt khó khăn trên địa bàn 3 xã Quảng Hòa, Quảng Sơn, Đắk R’măng, với tổng số vốn là 187 tỷ đồng.

dji_0472.jpg
Việc thực hiện Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tại huyện Đắk Glong đang gặp khó vì vướng quy hoạch bô xít

Từ tháng 12/2022- 2/2023, Ban Quản lý Dự án và Phát triển quỹ đất huyện Đắk Glong đã tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn và triển khai lập hồ sơ, trình cơ quan chức năng phê duyệt. Đến nay, Dự án 2 vẫn chưa giải ngân được đồng nào do vướng quy hoạch bô xít và các quy hoạch chi tiết liên quan.

Vừa làm, vừa gỡ

Ngày 1/11/2007, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025. Theo quyết định này, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 13 mỏ bô xít nằm trên địa bàn các huyện Đắk Song, Đắk Glong, Tuy Đức, Đắk R'lấp, Đắk Mil và TP. Gia Nghĩa.

Trong khi đó, theo Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì toàn tỉnh Đắk Nông có gần 1/3 diện tích đất tự nhiên bao gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất giao thông, đất rừng… đang vướng phải quy hoạch khai thác khoáng sản bô xít.

dji_0471.jpg
Vướng mắc về quy hoạch khoáng sản đang ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án phát triển- kinh tế của huyện Đắk Glong

Tại huyện Đắk Glong, theo Quyết định số 167 năm 2007, huyện có 2 mỏ khoáng sản bô xít tại Quảng Sơn và Đắk Ha.

Theo Quyết định số 866 năm 2023, có thêm 3 xã của huyện này nằm trong vùng khoáng sản là xã Quảng Khê, Đắk R’măng và Đắk Som.

Như vậy, toàn huyện có 5/7 xã có đất thuộc quy hoạch khoáng sản bô xít, ảnh hưởng rất lớn tới quá trình triển khai các dự án xây dựng.

Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, một thực tế hiện nay là vấn đề quy hoạch bô xít và quy hoạch du lịch chiếm diện tích đất lớn của huyện. Trong khi đó, phần lớn đất bà con ở và canh tác trên đất có vướng quy hoạch nên quá trình triển khai dự án và giải ngân vốn không đạt như kỳ vọng. Nếu vấn đề quy hoạch chưa tìm được hướng tháo gỡ thì địa phương sẽ rất áp lực và khó khăn trong thời gian tới.

1(5).jpg

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, gần một năm qua, huyện đã thành lập tổ công tác đặc biệt do Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường làm tổ trưởng. Tổ trực tiếp giải quyết và tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện những vấn đề về đất đai cho người dân thuộc đối tượng thụ hưởng.

“Qua nhiều cuộc họp với UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, UBND huyện đã có những đề xuất, kiến nghị để sớm có những biện pháp, định hướng cụ thể để địa phương có căn cứ để triển khai giải ngân vốn, giúp Chương trình 1719 và Chương trình giảm nghèo bền vững sớm đạt kết quả thực tiễn”, ông Đoàn Văn Phương nói.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Huyện nghèo gặp khó vì đụng đâu cũng trúng quy hoạch bô xít
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO