Rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp đang bị xâm hại

Phóng sự của Y Sơn| 15/03/2021 08:30

Khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp nằm ở phía Bắc tỉnh Đắk Nông, thuộc địa giới hành chính các xã Đắk Sôr, Nam Đà (Krông Nô). Thời gian gần đây, khu rừng này đang bị xâm hại, gỗ rừng bị khai thác, thú rừng bị săn bắt. Nếu không chứng kiến tận mắt ta có thể vẫn nghĩ khu rừng này vẫn "yên bình".

ADQuảng cáo

Cây rừng bị đốn hạ

Từ thông tin phản ánh của người dân, đầu tháng 3/2021, phóng viên Báo Ðắk Nông đã đi thực địa và thấy hiện trường nhiều cây gỗ quý tại rừng đặc dụng cảnh quan Ðray Sáp bị đốn hạ.

Một thân cây có đường kính lớn gần hang C3, thuộc hang động núi lửa Krông Nô bị hun lửa đốt cháy gốc, ngã đổ

Cùng với sự chỉ đường của một người dân địa phương, từ trục đường chính vào đến thác Gia Long, rẽ theo con đường đá vào hang động núi lửa Krông Nô (thuộc các điểm dừng chân của Công viên địa chất toàn cầu Ðắk Nông), chúng tôi đi sâu vào phía trong khu vực rừng đặc dụng.

Dừng chân tại khu vực hang C3, chúng tôi thấy một thân cây trước cửa hang bị gãy đổ, có đường kính khoảng 2 người lớn ôm, chiều dài khoảng 20m. Cây bị đổ, có dấu hiệu bị hun lửa đốt cháy dần gốc. Theo người dân, có thể do cây nằm cạnh hang C3, có nhiều khách du lịch qua lại sợ bị phát giác nên lâm tặc không dám phá trực tiếp, mà chỉ hun lửa đốt cháy gốc để cây tự đổ...

Một cây gỗ quý trong rừng đặc dụng cảnh quan Ðray Sáp bị đốn hạ, chưa kịp vận chuyển ra khỏi rừng

Tiếp tục đi bộ vào rừng, cách vị trí hang C3 khoảng 500m, chúng tôi phát hiện một cây gỗ có đường kính khoảng 40 cm bị đốn hạ, phần thân chính của cây đã bị cắt mang ra khỏi rừng, gốc cây có kí hiệu “HKL-NN”. Theo nhiều người có kinh nghiệm đi rừng, đây là cây gỗ xoan đào. Kí hiệu “HKL-NN” có thể do ngành chức năng đánh dấu khi phát hiện và lập biên bản xử lý .

Cách vị trí cây xoan đào mới bị đốn hạ vài trăm mét, một cây xoan đào khác cũng bị đốn hạ, xẻ thành từng khúc dài khoảng 4m, không có kí hiệu như cây trước đó. Thân cây có đường kính khoảng 50 cm, dài trên 10m, vỏ còn tươi. Khi dùng dao chặt vào thân cây vẫn còn ứa nhựa. Đa số các cây có dấu hiệu được cắt xẻ bằng cưa máy.

Chưa tới nửa buổi vào rừng, theo dẫn đường của người dân, phóng viên còn phát hiện nhiều điểm khác gỗ rừng bị đốn hạ, vết cưa còn rất mới, nhiều cây khác bị khai thác từ nhiều năm trước nằm ngổn ngang. Hầu hết thân gỗ đã vận chuyển đi. Từ điểm các cây gỗ quý bị chặt, các cây rừng nhỏ khác bị chặt phạt, tạo thành một lối dẫn ra ngoài bìa rừng.

Gốc cây rừng có đường khoảng kính 40-50 cm đã được lấy và còn sót lại gốc cây với kí hiệu "HKL-NN"

Chúng tôi thấy có rất nhiều biển cấm nằm ngay cạnh đường vào thác Gia Long, đường vào hang động núi lửa Krông Nô, cách Trạm quản lý và Bảo vệ rừng đặc dụng cảnh quan Ðray Sáp khoảng 4 km.

Chia sẻ với chúng tôi, người dân dẫn đường cho biết, có thể việc chặt phá rừng ở đây diễn ra trong thời gian Tết Nguyên Đán vừa qua. Trước đó, việc chặt phá rừng đặc dụng cảnh quan Ðray Sáp cũng đã từng xảy ra. Nhiều cây đường kính lớn hơn 30 cm, chủ yếu là các cây gỗ hương, xoan đào, bằng lăng… và một số loại chưa xác định, khá giống với cây gỗ quý hiếm.

Thú rừng bị đặt bẫy

Anh N.V.A (người dân địa phương dẫn đường) cho biết: "Trước năm 2000, vùng đất này còn hoang sơ, giao thông cách trở, nên hoẵng, chồn, heo, nhím, sóc vào tận vườn nhà là chuyện thường. Chỉ cần lấy vài múi mít chín đặt vào bẫy, sáng ra có ngay con chồn mướp. Nhưng những năm gần đây, tìm con chồn mướp đã khó huống gì nai, heo rừng... Nguyên nhân chính là nhiều người từ các vùng khác rủ nhau vào rừng giăng bẫy kiếm thú để bán".

Ðể minh chứng cho lời kể, anh A dẫn chúng tôi vào khu vực thường xuyên bị người dân đặt bẫy thú rừng. Anh A căn dặn chúng tôi đi theo sau anh, vì khu vực này có rất nhiều bẫy, không cẩn thận, đạp phải bẫy có thể bị thương tích. Dù cố gắng quan sát khi di chuyển, nhưng chúng tôi vẫn bị trúng bẫy, rất may là không bị chấn thương gì.

ADQuảng cáo

Thân cây bị đốn hạ còn xanh, ra nhiều vết nhựa

Trên đường đi, chúng tôi kinh hãi vì rừng đặc dụng dày đặc bẫy các loại, đặt cách nhau khoảng 1 - 3 m, nằm ngang dọc, kéo dài hàng chục đến hàng mét theo kiểu bẫy “tận diệt”, không để con thú rừng nào chạy thoát. Theo anh A, các bẫy sập, bẫy rút dây cáp đã được khai thác triệt để, có nhóm một ngày có thể cài đặt gần trăm chiếc bẫy...

Ði được khoảng 100 m, ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc, khi được chúng tôi hỏi vì sao lại có mùi hôi trên, anh A nói “chắc chắn là một con thú bị mắc bẫy rồi, do họ không kịp thăm bẫy nên con thú bị chết, thối rữa, mới tạo ra mùi hôi thối này”.

Khoảng 5 phút sau, chúng tôi phát hiện một xác heo rừng đang thối rữa gần hết, nặng khoảng 20 - 25 kg, bốc mùi nồng nặc, trên cổ vẫn còn dính sợi dây cáp. Đang đi, chợt anh A dừng lại chỉ tay lên cây bằng lăng nói: “Mấy anh có thấy con gì trên cây này không?, con kì đà đó, rất may nó là một con trong số ít trong khu rừng này không bị dính bẫy”.

Xác một con heo rừng bị dính bẫy, còn nguyên vết dây cáp thối rứa trong rừng đặc dụng

Ðiều đáng nói nữa, mặc dù biển cấm chăn thả gia súc được đặt quanh khu rừng, nhưng vẫn có hàng trăm con gia súc được chăn thả trong khu rừng đặc dụng mỗi ngày.

Theo nhiều người dân sống gần khu vực này cho biết, vào mùa khô, lượng cỏ hiếm nên nhiều hộ dân vẫn bất chấp biển cấm, ngang nhiên chăn thả hàng trăm con gia súc vào khu vực rừng đặc dụng.

Mặc dù có đặt biển cấm săn bắt, bẫy động vật rừng nhưng trong rừng đặc dụng có đến hàng trăm bẫy các loại được cài đặt và chưa được xử lý

Nhiều lần thay đổi chủ rừng

Rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp được quy hoạch và xác lập năm 1998 tại Quyết định số 1904, ngày 10/9/1998 của UBND tỉnh Đắk Lắk (cũ), thuộc địa giới hành chính các xã Đắk Sôr và Nam Đà (Krông Nô). Rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp được Bộ Văn hóa-Thông tin (cũ) công nhận là Thắng cảnh cấp quốc gia theo Quyết định số 1371 ngày 3/8/1991; công nhận danh lam Thắng cảnh Đray Sáp và Đray Sáp thượng (Gia Long) theo Quyết định số 01 ngày 4/1/1999 và nằm trong hệ thống hang động núi lửa Krông Nô, thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Nhiều gia súc được chăn thả ở rừng đặc dụng cảnh quan Ðray Sáp

Từ khi thành lập đến nay, rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp đã được giao cho nhiều đơn vị quản lý. Cụ thể, từ tháng 9/1998 đến cuối tháng 2/2003, Ban quản lý dự án huyện Krông Nô quản lý; cuối tháng 2/2003 đến hết năm 2003, Công ty Du lịch Đắk Lắk quản lý; từ năm 2004 khi thành lập tỉnh Đắk Nông, Công ty Thương mại và Du lịch tỉnh Đắk Nông quản lý; từ năm 2010, UBND tỉnh Đắk Nông quyết định thu hồi và giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh quản lý, với tổng diện tích còn lại 1.606,55 ha.

Tiếp đó, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 1158 ngày 4/8/2010 thành lập Ban Quản lý rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp để quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng nói trên. Sau khi UBND tỉnh có Quyết định số 467 ngày 8/4/2019 giải thể Ban Quản lý rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã giao Hạt Kiểm lâm huyện Krông Nô quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp.

Trước đó, vào năm 2015, UBND tỉnh thu hồi và cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Liên Thành Đắk Nông thuê 200,87 ha đất thuộc rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp để thực hiện Dự án Khu du lịch-Di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh cụm thác Đray Sáp-Gia Long.

Ngày 13/2/2020, UBND tỉnh đã đồng ý với phương án của Sở Nông nghiệp-PTNT về việc giao rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp cho chủ rừng mới là Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng.

Mặc dù đã nhiều lần thay đổi chủ rừng nhưng tình trạng xâm hại rừng vẫn diễn ra.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp đang bị xâm hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO