Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương và Y tế: “Nóng” với giá điện và y đức

Nguồn SGGP| 02/04/2014 08:47

Ngày 1/4, trong khuôn khổ phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Nhiều vấn đề nóng như cung ứng điện, điều hành giá xăng dầu, giá thuốc, y đức, an toàn thực phẩm... đã được đề cập.

Hoàn chỉnh quy định điều hành giá xăng dầu công khai, minh bạch

Tại phiên chất vấn, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra với người đứng đầu ngành công thương là nhu cầu điện phục vụ sản xuất nông nghiệp không được đáp ứng đầy đủ. Đơn cử, tại Trà Vinh, 85% điện phục vụ nhu cầu nuôi tôm của bà con là sử dụng máy nổ, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, diện tích nuôi trồng thủy sản cũng như trồng cây thanh long đang tăng lên rất nhanh, thậm chí vượt quy hoạch, do đó tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng để cung ứng điện không theo kịp. Bộ trưởng nói rõ: “Không phải là không có điện để cấp, mà là thiếu kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng để đưa điện đến các hộ tiêu dùng”.

Bên cạnh việc đề nghị QH ưu tiên bố trí vốn cho mục đích này, bộ trưởng đề nghị các địa phương chia sẻ bằng cách cho ngành điện vay vốn để đầu tư đường dây, trạm biến thế… đồng thời điều chỉnh quy hoạch sản xuất thủy sản, nông nghiệp, tránh tình trạng “phát triển nóng”. Bộ Công thương sẽ chỉ đạo ngành điện chủ động, tích cực thu xếp các nguốn vốn tự có, vốn vay từ nhiều nguồn khác nhau để giải quyết nhu cầu chính đáng của bà con…

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bày tỏ quan tâm đến sự công khai minh bạch trong việc điều hành giá xăng dầu, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) chất vấn: “Bộ trưởng trả lời từ kỳ họp thứ 6 của QH là sẽ sớm hoàn thiện nghị định khắc phục bất cập điều hành giá xăng dầu nhằm đảm bảo công khai minh bạch, nhưng đến nay chưa có; vì sao chậm, trách nhiệm thuộc về ai?”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, ban đầu dự kiến chỉ sửa một số điều của Nghị định 84, nhưng sau đó Chính phủ thấy cần thiết phải thay nghị định này bằng một nghị định mới hoàn toàn. Tháng 1/2014, bộ đã hoàn thành dự thảo, tuy nhiên, có 2/26 ý kiến thành viên Chính phủ còn phân vân về Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bộ đang giải trình làm rõ, nếu như được đồng thuận, nghị định mới sẽ sớm được ban hành.

Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế

Trong phiên chất vấn buổi chiều, trả lời câu hỏi về những sai phạm trong hành nghề y dược tư nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đã ban hành thông tư hướng dẫn việc rút chứng chỉ, giấy phép hành nghề đối với các cá nhân và cơ sở có sai phạm; đồng thời chỉ đạo thanh tra toàn diện các cơ sở y tế tư nhân, trong đó có thẩm mỹ viện.

“Bộ đã cử 5 thứ trưởng tham gia 5 đoàn thanh tra tại 10 địa phương. Qua kiểm tra thì thấy có tình trạng các cơ sở quảng cáo quá năng lực thực tế. Bộ Y tế đề nghị siết chặt hơn. Cụ thể là quảng cáo trong các lĩnh vực y tế, dược phẩm, mỹ phẩm… phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Chúng tôi sẽ có thông tư cụ thể” - Bộ trưởng Kim Tiến nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về trách nhiệm nâng cao y đức, trả lời ĐB Phạm Xuân Thăng (Hải Dương), bà Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, một việc rất quan trọng ngành đã làm được là thể chế hóa các quy định về y đức bằng thông tư quy định về ứng xử nghề nghiệp trong ngành y tế. Đặc biệt, ngành cũng đã thành lập đường dây nóng từ bệnh viện tuyến huyện trở lên, bố trí cán bộ tiếp nhận phản ánh của nhân dân 24/24… Tuy nhiên, nữ bộ trưởng nhấn mạnh, giải pháp lâu dài là phải nâng cấp cơ sở vật chất, bố trí đầy đủ nhân lực và tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

“Thật ra, tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 dân của Việt Nam đã đạt 7,2 (trước thời hạn). Từ năm 2015, nhờ đẩy mạnh công tác đào tạo, số bác sĩ, dược sĩ ra trường sẽ tăng, không sợ thiếu. Vấn đề là họ không muốn về tuyến dưới. Trước mắt bộ đã thực hiện giải pháp luân phiên, nghĩa là yêu cầu bác sĩ tuyến trên xuống tuyến dưới phục vụ ít nhất 1 năm để đào tạo chuyên môn, củng cố niềm tin cho nhân dân ở cơ sở” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ.

Nhắc lại băn khoăn của Thủ tướng về việc giá thuốc còn cao, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang) đề nghị Bộ trưởng Y tế cho biết quan điểm và những giải pháp. Bộ trưởng Y tế khẳng định, giá thuốc trên thị trường Việt Nam khá ổn định trong thời gian dài và có tốc độ tăng giá thấp hơn CPI chung. Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành 2 thông tư về quản lý giá thuốc và đấu thầu thuốc. So với trước khi có 2 thông tư này, tình hình có những biến chuyển khả quan: theo báo cáo của 7 tỉnh thành thì mặt bằng giá thuốc giảm 20% - 30% so với giai đoạn trước; tỷ lệ sử dụng thuốc nội tăng lên gấp đôi… Bộ trưởng tin tưởng tới đây, khi Luật Dược được thông qua với nhiều giải pháp về đấu thầu thuốc, người dân sẽ được sử dụng thuốc với giá cả hợp lý hơn nữa.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận định, các nội dung lựa chọn chất vấn đã xoáy vào những vấn đề nóng, được cử tri và đồng bào cả nước quan tâm. Hai bộ trưởng đã làm rõ nhiều vấn đề, nhưng mấu chốt là tới đây phải tạo chuyển biến tích cực, rõ rệt trong lĩnh vực quản lý của mình.

“Bệnh viện quá tải thì khó có thể đòi hỏi y đức, nhưng không phải không có trường hợp có cơ sở tốt rồi mà vẫn tham tiền hơn lo cứu người. Vừa rồi vẫn có những sự cố đáng buồn do y đức chứ không đổ lỗi cho điều kiện được” - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở và đề nghị tất cả các bộ, ngành, địa phương đều phải thấy rõ trách nhiệm, đều phải vào cuộc thật sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương và Y tế: “Nóng” với giá điện và y đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO