Phát huy tâm lực, trí lực, hiến kế với Quốc hội

Lam Giang| 01/02/2021 17:37

Xác định rõ vai trò của mình, nhiệm kỳ 2016-2021, Ðoàn đại biểu Quốc hội (ÐBQH) tỉnh Ðắk Nông luôn mang hết tâm sức, trí tuệ, trách nhiệm, bám sát các vấn đề cử tri, người dân phản ánh, kiến nghị để chuyển đến diễn đàn của Quốc hội và các cơ quan chức năng.

ADQuảng cáo

Luôn trăn trở vì sự phát triển của Tây Nguyên

Theo dõi các kỳ họp Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay có thể thấy vấn đề cơ chế, chính sách đầu tư ưu tiên cho khu vực Tây Nguyên phát triển nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng luôn là trăn trở của Đoàn ĐBQH tỉnh.

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh từng chia sẻ: "Phải tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, cứ có dịp gặp lãnh đạo Trung ương, Thủ tướng Chính phủ là đại biểu nêu ý kiến, đề xuất quan tâm ưu tiên đầu tư cho Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng. Nhiều lúc chúng tôi nửa thật nửa đùa bảo, chỉ cần Trung ương đầu tư cho Đắk Nông một mố cầu của Đồng bằng sông Cửu Long thôi là Đắk Nông xây dựng được bao công trình, góp phần cho sự phát triển, nâng cao đời sống người dân".

Theo đồng chí Võ Đình Tín, UVTV, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, bài toán về sự phát triển cho vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng luôn được đại biểu đeo bám trong suốt thời gian qua. Các bất cập, khó khăn của Tây Nguyên như: Ưu tiên về cơ chế, chính sách đặc thù; phát triển bền vững nông nghiệp; đầu ra cho thị trường nông sản; nguồn vốn để phát triển hạ tầng giao thông, nhất là đường cao tốc; tình trạng dân di cư tự do… liên tục được đại biểu phản ánh, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, các bộ, ngành.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tặng máy tính xách tay cho giáo viên, học sinh xã Đắk R'măng (Đắk Glong).

Điển hình tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, khi  thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2020 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2015, đồng chí Ngô Thanh Danh đề nghị, trong xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025, Chính phủ cần chú ý đến vùng, miền, những tỉnh khó khăn để đầu tư, cùng nhau phát triển, không bỏ lại tỉnh nào phía sau. Liên quan đến 5 nhiệm vụ, 3 đột phá trong báo cáo, Chính phủ cần phải tập trung phát triển hơn nữa. Vì đến nay, còn nhiều lĩnh vực chưa đạt, thiếu những đột phá quan trọng để phát triển đất nước trong giai đoạn tiếp theo, nhất là 3 đột phá gồm thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng thì các tỉnh Tây Nguyên còn hạn chế.

Cũng tại kỳ họp thứ 10, khi tham gia thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết số 100 phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đại biểu Võ Đình Tín chỉ ra rằng, mặc dù Đảng và Nhà nước đã tập trung nguồn lực đầu tư, nhưng một số tiêu chí vẫn chưa thật sự phù hợp với điều kiện đặc thù về địa lý và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, nhất là địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có điều kiện khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Do đó, các bộ, ngành liên quan cần rà soát kỹ đối tượng, nội dung chính sách, địa bàn thực hiện; các hợp phần các dự án, tiểu dự án của các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025. Trung ương cần tổng kết đánh giá toàn diện hiệu quả, bảo đảm tính tập trung trong phân bố nguồn lực cho các mục tiêu, nhiệm vụ mang tính đột phá, làm động lực phát triển, nhất là phát triển nông nghiệp, nông thôn tại các khu vực khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, tránh đầu tư trùng lắp hoặc bỏ sót đối tượng thụ hưởng.

ADQuảng cáo

Tại kỳ họp thứ 8, khi trả lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội, đồng chí Ngô Thanh Danh cũng nêu lên những khó khăn, bất cập của hạ tầng giao thông khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng. Bởi ở Tây Nguyên, hiện tại chỉ có quốc lộ 14 với chức năng giao thông kết nối các tỉnh trong khu vực, nhưng bây giờ đã quá tải. Vì thế, việc xây dựng hạ tầng cho Tây Nguyên là hết sức cần thiết, trong đó có đường cao tốc qua Tây Nguyên và tỉnh Đắk Nông.

Ðoàn ÐBQH tỉnh luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, phân tích, tổng hợp, phản ánh trung thực, kịp thời các ý kiến, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Trong nhiệm kỳ, Ðoàn ÐBQH tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri định kỳ và chuyên đề tại 8 huyện, thành phố và một số đơn vị của tỉnh với 100 điểm, khoảng trên 15.000 lượt cử tri tham dự, tổ chức 9 cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, nơi cư trú, nơi công tác.

Đóng góp nhiều quyết sách của Quốc hội

Qua tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh nhận được trên 2.500 ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri. Sau khi tổng hợp, rà soát, Đoàn đã chuyển 135 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 717 ý kiến, kiến nghị, thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp đến UBND tỉnh để chỉ đạo các cơ quan giải quyết theo thẩm quyền.

Đoàn ĐBQH tỉnh thường xuyên thực hiện giám sát việc giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Vấn đề chậm được giải quyết, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chất vấn, hoặc gửi văn bản đến các tổ chức, cá nhân để đôn đốc giải quyết. Đến nay, các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương đã trả lời hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri do Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển đến.

Đồng chí Võ Đình Tín khẳng định: “Được cử tri tín nhiệm, các ĐBQH tỉnh thấy rất hạnh phúc và vinh dự, nhưng đằng sau đó cũng xác định trách nhiệm của mình càng lớn hơn. Đại biểu không chỉ là cầu nối mà còn phải có tầm nhìn để phát hiện những vấn đề có tính chiến lược và định hướng, nhằm hiến kế các giải pháp với Quốc hội và các bộ ngành. Đại biểu luôn phải phát huy hết tâm lực, trí lực để đọc, nghiên cứu, thu thập thông tin nhiều hơn, sâu hơn tất cả những vấn đề của đời sống xã hội".

Tại các kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã dành thời gian nghiên cứu và tích cực tham gia chất vấn các thành viên Chính phủ, góp ý đối với nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời kết hợp phản ánh những vấn đề bức xúc của cử tri để Quốc hội và Chính phủ quan tâm.

Qua 10 kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 250 lượt ý kiến tham gia phát biểu; tổ chức 47 hội nghị lấy ý kiến cho các dự án luật trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại các kỳ họp. Nhiều ý kiến, chất vấn của ĐBQH tỉnh được Quốc hội, Chính phủ, cơ quan chức năng có thẩm quyền ghi nhận, tiếp thu, bổ sung trong các dự thảo nghị quyết, dự thảo luật để hoàn thiện các văn bản trước khi trình Quốc hội thông qua.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy tâm lực, trí lực, hiến kế với Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO