Khai mạc phiên tòa xét xử các đối tượng lừa đảo của ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng

Song Việt| 11/03/2014 09:52

Sáng ngày 11/3, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Vũ Việt Hùng (sinh năm 1957), nguyên Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Chi nhánh Đắk Lắk-Đắk Nông và 12 bị cáo khác bị truy tố về các tội “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

ADQuảng cáo

Phiên tòa do Thẩm phán Nguyễn Anh Loát, Phó Chánh án TAND tỉnh làm chủ tọa. Đây là một trong 10 vụ “đại án” nghiêm trọng nhất trong cả nước trong giai đoạn hiện nay và được dư luận rất quan tâm.

Mở đầu phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã thông báo có 12 luật sư đăng ký tham gia để bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ án.

Ngoài ra, có nhiều nguyên đơn dân sự, người bị hại, các đơn vị, cá nhân cũng được tòa án triệu tập tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa là ông Vũ Văn Sinh, thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.

Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Anh Loát đọc tuyên bố khai mạc phiên tòa

Theo cáo trạng được công bố tại phiên tòa, năm 2009, Trần Thị Xuân, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Nhật Tân, đã làm giả 65 bản hợp đồng xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài và thế chấp cho VDB Chi nhánh Đắk Lắk-Đắk Nông để vay tổng cộng hơn 938 tỷ đồng.

Sau khi vay được tiền, Xuân đã sử dụng hơn 29 tỷ để trả lãi cho chính VDB Chi nhánh Đắk Lắk-Đắk Nông. Sau đó, Xuân tiếp tục sử dụng hơn 658 tỷ để đáo hạn số nợ đã vay trước đây tại VDB Chi nhánh Đắk Lắk-Đắk Nông. Số tiền còn lại là hơn 202 tỷ đồng, Xuân đã chiếm đoạt để tiêu xài cá nhân và đưa hối lộ cho cán bộ ngân hàng nơi vay tiền.

Khi hợp đồng tín dụng với VDB Chi nhánh Đắk Lắk-Đắk Nông sắp kết thúc, Xuân tiếp tục làm giả nhiều hợp đồng xuất khẩu hàng hóa, lập khống báo cáo tài chính của Công ty TNHH Nhật Tân để làm hồ sơ tín dụng và vay của Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB)-Sở Giao dịch tại TP.Hồ Chí Minh hơn 324 tỷ đồng rồi đem trả cho VDB Chi nhánh Đắk Lắk-Đắk Nông.

Với thủ đoạn tương tự, Cao Bạch Mai, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Minh Nhật, cũng đã làm giả 65 hợp đồng xuất khẩu hàng hóa để vay của VDB Chi nhánh Đắk Lắk-Đắk Nông hơn 1.000 tỷ đồng và của OCB-Sở Giao dịch tại TP.Hồ Chí Minh 100 tỷ đồng. Sau khi vay được tiền, Mai đã dùng gần 850 tỷ để trả lãi, đáo hạn ngân hàng, số còn lại thì đưa hối lộ cho cán bộ ngân hàng và tiêu xài cá nhân.

Để vay được tiền, giữ được hạn mức vay như cũ tại VDB Chi nhánh Đắk Lắk-Đắk Nông, các bị cáo Xuân và Mai đã bàn bạc, cùng nhau góp 3,2 tỷ đồng (cụ thể là Mai góp 1,7 tỷ đồng, Xuân góp 1,5 tỷ đồng) rồi mua một chiếc xe ô tô BMW-6 để hối lộ cho Vũ Việt Hùng.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh công bố cáo trạng

Về phía Vũ Việt Hùng, nhận thấy Xuân và Mai đã đến hạn phải trả nợ cho VDB Chi nhánh Đắk Lắk-Đắk Nông với số tiền tổng cộng là 350 tỷ, nhưng không có khả năng thanh toán, nên đã thỏa thuận giữ nguyên hạn mức cho vay đối với Mai và Xuân, đồng thời nhận hối lộ chiếc xe ô tô BMW-6.

Hành vi trái quy định pháp luật của Hùng đã dẫn đến việc VDB Chi nhánh Đắk Lắk-Đắk Nông bị Xuân và Mai chiếm đoạt hơn 357 tỷ đồng và mất khả năng thu hồi.

Sau đó, nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình, Hùng đã giúp sức cho Mai, Xuân làm giả hồ sơ, chứng từ để vay của Ngân hàng TMCP Nam Á-Chi nhánh Hà Nội và OCB-Sở Giao dịch tại TP.Hồ Chí Minh tổng cộng 580 tỷ đồng rồi chiếm đoạt và đem trả nợ cho VDB Chi nhánh Đắk Lắk-Đắk Nông.

Hành vi phạm tội của Hùng còn được Trần Xuân Lộc, Trưởng Phòng Tín dụng xuất khẩu và Nguyễn Thị Hồng Liên, cán bộ tín dụng của VDB Chi nhánh Đắk Lắk-Đắk Nông giúp sức bằng việc hợp thức hóa toàn bộ hồ sơ giả mà Xuân, Mai sử dụng để vay vốn.

Đối với Nguyễn Thị Vân, nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Sông Cầu, sau khi vay 75 tỷ của VDB Chi nhánh Đắk Lắk-Đắk Nông, nhưng mất khả năng trả nợ. Do đó, Vân đã làm giả nhiều hợp đồng xuất khẩu hàng hóa để vay của Ngân hàng Nam Á-Chi nhánh Hà Nội 50 tỷ đồng rồi đem trả cho VDB Chi nhánh Đắk Lắk-Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Điều đáng nói, mặc dù khoản vay của Vân là không có tài sản bảo đảm, số tiền vay lại vượt quá thẩm quyền quyết định cho vay của Ngân hàng Nam Á-Chi nhánh Hà Nội, mục đích sử dụng vốn vay cũng không đúng với mục đích ghi trong hợp đồng tín dụng…, nhưng Trương Đình Hải, Giám đốc Ngân hàng  Nam Á-Chi nhánh Hà Nội khi đó vẫn tự ý quyết định cho Vân vay 50 tỷ đồng.

Với thủ đoạn tương tự, Vân tiếp tục cùng với Nguyễn Thị Kim Loan, nguyên Giám đốc Công TNHH Phát Long, vay hơn 25 tỷ đồng của Ngân hàng Nam Á-Chi nhánh Hà Nội để vừa trả nợ cho VDB Chi nhánh Đắk Lắk-Đắk Nông vừa trả lãi cho chính Ngân hàng Nam Á-Chi nhánh Hà Nội.

Các luật sư tham gia tranh tụng tại phiên tòa

Ngoài việc cùng với Vân lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì Loan còn đứng ra làm giả nhiều hồ sơ, tài liệu để giúp Mai và Xuân vay tiền tại các ngân hàng, dẫn đến bị thất thoát tổng số tiền hơn 357 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong quá trình Vân và Xuân phối hợp tìm kiếm “nguồn” để vay tiền thì được Nguyễn Văn Khánh, trú tại quận Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh), hứa đứng ra giúp đỡ. Mặc dù chỉ đưa ra lời hứa suông, nhưng Khánh vẫn nhận của Xuân hơn 2 tỷ đồng nói là để làm chi phí môi giới vay tiền, nhưng thực tế là chiếm đoạt để tiêu xài cá nhân.

Cùng thủ đoạn làm giả hồ sơ, bị cáo Đặng Thị Kim Ngân, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thủy Ngân, đã có các hành vi như lập báo cáo tài chính của công ty thể hiện là kinh doanh có lãi; lập giả tờ khai thuế thể hiện doanh thu lớn… nhằm làm cơ sở để vay của OCB-Sở Giao dịch tại TP.Hồ Chí Minh tổng cộng 30 tỷ đồng. Sau khi vay được tiền, Ngân đã sử dụng để trả nợ cho VDB Chi nhánh Đắk Lắk-Đắk Nông và tiêu xài cá nhân.

Trong quá trình vay tiền tại OCB-Sở Giao dịch tại TP.Hồ Chí Minh, cả Xuân, Mai, Loan và Ngân đều không có năng lực tài chính, không có tài sản thế chấp, vay tiền vượt quá hạn mức cho vay.

Thế nhưng, Tạ Thị Như Ý, nguyên Phó bộ phận quan hệ khách hàng của OCB-Sở Giao dịch tại TP.Hồ Chí Minh, vẫn “làm ngơ” và giải quyết thủ tục cho các đối tượng này vay của OCB-Sở Giao dịch tại TP.Hồ Chí Minh tổng số tiền 530 tỷ đồng.

Còn Lâm Hữu Hạnh, nguyên Phó Tổng Giám đốc OCB-Sở giao dịch tại TP.Hồ Chí Minh, đã “giải quyết” cho Xuân và Vân vay 200 tỷ đồng tại OCB-Sở Giao dịch tại TP.Hồ Chí Minh, cho dù các khoản vay này đều không có tài sản thế chấp, không được thực hiện tái thẩm định năng lực tài chính và vượt quá hạn mức cho vay rất nhiều.

Cùng với hành vi phạm tội tương tự, bị cáo Võ Tiến Đạt, Giám đốc OCB-Sở giao dịch tại TP.Hồ Chí Minh đã giải quyết cho Mai, Loan và Ngân vay tổng cộng 330 tỷ đồng tại OCB-Sở Giao dịch tại TP.Hồ Chí Minh.

Các bị cáo trước “vành móng ngựa”

Với các hành vi phạm tội của các bị cáo, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã truy tố Hùng phạm các tội “Nhận hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, được quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 279; các Điểm a và b, Khoản 4, Điều 139, Bộ Luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Các bị các Xuân và Mai đều bị truy tố bởi các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Đưa hối lộ”, được quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 139; Điểm a, Khoản 4, Điều 289, Bộ Luật Hình sự.

Còn các bị cáo Vân, Ngân, Loan và Khánh đều bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điểm a, Khoản 4, Điều 139, Bộ Luật Hình sự.

Bị cáo Ý, Hạnh, Lộc, Đạt, Hải và Liên đều bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo Khoản 3, Điều 179, Bộ Luật Hình sự.

Trước khi bước vào phần công bố cáo trạng, bị cáo Ngân đã đề nghị HĐXX thay đổi chủ tọa và kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa, nhưng lý do đưa ra là không thỏa đáng, nên không được chấp nhận. Dự kiến, phiên tòa sẽ được diễn ra trong 3 ngày, kể từ ngày 11 đến hết ngày 13/3.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc phiên tòa xét xử các đối tượng lừa đảo của ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO