Hoạt động trợ giúp pháp lý đang từng bước đi vào chiều sâu

Hà An| 25/03/2015 09:39

Theo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, từ đầu năm 2014 đến nay, đơn vị đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho hơn 700 lượt người; trong đó có 203 lượt người nghèo, 36 lượt người có công với cách mạng; 418 lượt người đồng bào dân tộc thiểu số; 20 người khuyết tật, trẻ em không nơi nương tựa, người già cô đơn và một số đối tượng khác thuộc diện trợ giúp pháp lý theo quy định. Nhìn chung, hoạt động trợ giúp pháp lý đang từng bước đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.

ADQuảng cáo

Để công tác trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả, đúng trọng tâm, hàng năm, đơn vị đã chủ động tham mưu cho Giám đốc Sở Tư pháp xây dựng và trình UBND tỉnh kế hoạch công tác trợ giúp pháp lý; kế hoạch thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật; kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn...

Bên cạnh đó, đơn vị cũng chủ động bám sát các kế hoạch đã phê duyệt để triển khai, đồng thời củng cố, mở rộng đội ngũ cộng tác viên, các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở cơ sở, xem đây là “cánh tay nối dài” của hoạt động trợ giúp pháp lý, góp phần tuyên truyền, trợ giúp pháp lý được thêm nhiều đối tượng khi có nhu cầu.

Hiện nay, trên toàn tỉnh có 167 cộng tác viên, chủ nhiệm câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và 33 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở các xã, phường, thị trấn. Hàng năm, các cộng tác viên, chủ nhiệm câu lạc bộ đều được tham gia những lớp tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng trợ giúp pháp lý.

Đơn cử như trong năm 2014, đơn vị đã tổ chức được 2 lớp tập huấn về nghiệp vụ cho gần 200 lượt người là cộng tác viên, chủ nhiệm các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tham gia. Để đánh giá chất lượng các vụ việc trợ giúp, đơn vị cũng thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, thẩm định, đánh giá chất lượng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý đối với từng vụ việc.

ADQuảng cáo

Qua công tác kiểm tra, thẩm định 642 vụ việc trợ giúp trong năm 2014 cho thấy, kết quả có 30 vụ trợ giúp pháp lý đạt chất lượng tốt, 610 vụ đạt chất lượng và 2 vụ việc được kiểm tra chưa đạt chất lượng. Hoạt động tuyên truyền, trợ giúp pháp lý với những hình thức như lưu động, tiếp nhận vụ việc tại trụ sở trung tâm hoặc tham gia tố tụng tại tòa..., nhiều đối tượng là người nghèo, trẻ em, người đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận dịch vụ pháp lý miễn phí, đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ trước pháp luật.

Từ năm 2014 đến nay, đơn vị đã tổ chức được nhiều đợt trợ giúp pháp lý lưu động về các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho hơn 600 đối tượng. Nội dung trợ giúp phần lớn liên quan đến chế độ, chính sách, hôn nhân gia đình và tranh chấp đất đai, tài sản. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tiếp nhận và trợ giúp 44 vụ việc tại trụ sở và tham gia tố tụng đối với 18 vụ việc.

Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động cho thấy, mặc dù nhu cầu cần được trợ giúp pháp lý của người dân hiện rất lớn nhưng số đối tượng được trợ giúp còn khá ít so với thực tế. Đa phần người dân tiếp cận qua hoạt động trợ giúp lưu động. Số đối tượng chủ động tìm đến trung tâm, các chi nhánh của trung tâm hoặc đối tượng được trợ giúp thông qua hoạt động tố tụng còn rất ít. Nguyên nhân một phần là do các cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu đến trung tâm chưa nhiều so với các vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, giải quyết thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong nhiệm vụ này chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác, hoạt động trợ giúp pháp lý mới chủ yếu tập trung cho các xã nghèo, các thôn, bon đặc biệt khó khăn theo chương trình mục tiêu quốc gia chứ chưa có kinh phí để mở rộng phạm vi  các thôn, bon khác trên địa bàn. Từ đây, nhiều đối tượng có nhu cầu chưa được tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý.

Để công tác trợ giúp pháp lý ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao năng lực, chuyên môn và trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ trung tâm, cộng tác viên và chủ nhiệm các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý trên địa bàn, các cấp, ngành chức năng cũng cần tăng cường công tác phối, kết hợp; quan tâm bố trí kinh phí để mở rộng hoạt động nhằm đưa dịch vụ trợ giúp pháp lý tới được nhiều người dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động trợ giúp pháp lý đang từng bước đi vào chiều sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO