Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc tại chỗ”: Góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào

Mỹ Hằng| 28/11/2014 09:34

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì qua hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc tại chỗ”, đến nay đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

ADQuảng cáo

Theo đó, trong khuôn khổ đề án, tỉnh đã đầu tư 6,5 tỷ đồng để thực hiện các nội dung cũng như hợp phần liên quan. Tính đến nay, toàn tỉnh đã mua và cấp được 50 bộ cồng chiêng, 10 bộ goong, 229 bộ trang phục truyền thống cho đồng bào các dân tộc bản địa M’nông, Mạ, Ê đê…

Hát dân ca và thổi m'buốt trong lễ hội của đồng bào M'nông ở xã Đắk R'tíh (Tuy Đức). Ảnh: Hồ Mai

Các lớp tập huấn, nâng cao năng lực biểu diễn đánh cồng chiêng cho các nghệ nhân, học sinh trên địa bàn cũng được thường xuyên tổ chức ngay tại các bon làng, trường học. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, chỉ tính riêng cấp tỉnh thì đã có 9 lớp truyền dạy cồng chiêng, 11 lớp dân ca, 10 lớp chế tác nhạc cụ, 6 lớp đan lát trang trí cây nêu… được tổ chức.

Qua các lớp tập huấn, nghệ nhân không những có thể sáng tạo, trao đổi kinh nghiệm truyền dạy mà còn hiểu thêm về những cách thức dàn dựng chương trình sum họp cộng đồng. Việc thành lập các câu lạc bộ cồng chiêng và xây dựng quy chế hoạt động, quản lý cũng như nghiên cứu các nghi lễ, lễ hội có sử dụng cồng chiêng  cũng được xúc tiến.

Hiện tại, ở mỗi huyện, thị xã đều thành lập được một câu lạc bộ nòng cốt, trở thành “hạt giống” văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Không những vậy, việc đưa cồng chiêng vào giảng dạy, sinh hoạt ngoại khóa tại các trường học, nhất là các trường dân tộc nội trú cũng được quan tâm đúng mức. Qua đó, thế hệ trẻ ngày càng nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc.

Cùng với đó, qua điều tra, nghiên cứu cũng như rà soát, ngành Văn hóa đã xây dựng, biên tập và xuất bản 2 cuốn sách ảnh giới thiệu các gương mặt nghệ nhân tiêu biểu của tỉnh. Các cuốn sách có đầy đủ thông tin về nghệ nhân làm công tác bảo tồn di sản tại địa phương và các loại hình văn hóa mà họ am hiểu. Hai bộ tư liệu cồng chiêng M’nông, Mạ, Ê đê và 1 đĩa DVD giới thiệu âm nhạc dân gian bằng tiếng Việt với phụ đề là tiếng M’nông cũng đã được xây dựng…

ADQuảng cáo

Tại hầu hết các địa phương trong tỉnh cũng thường xuyên định kỳ tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc, tạo sân chơi lành mạnh cho các nghệ nhân cũng như đông đảo đồng bào các dân tộc. Thông qua đó, nhiều lễ hội truyền thống như lễ Tách Năng Yoh, lễ cúng phát rẫy, lễ sum họp cộng đồng… được phục dựng, tái hiện, giúp đồng bào hiểu rõ hơn về những phong tục, tập quán tốt đẹp của cha ông.

Một số trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như làm cây nêu, hát dân ca dân vũ, ẩm thực, cùng các môn thể thao truyền thống như đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo... cũng được tổ chức, tạo tinh thần đoàn kết, thi đua giữa các dân tộc khi tham gia ngày hội cũng như thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng ở các địa phương. Đặc biệt, dựa trên chất liệu văn hóa dân gian, 13 tác phẩm âm nhạc đã được xây dựng và được giới chuyên môn đánh giá cao.

Tái hiện nghi lễ Mừng được mùa ở Đắk Song

Có thể nói, đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc triển khai đề án, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân. Việc triển khai đề án đã làm thay đổi nhận thức bảo vệ di sản văn hóa trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc bản địa M’nông, Mạ, Ê đê.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác triển khai đề án cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Một số địa phương chưa thực sự làm tốt khâu tuyên truyền, việc tổ chức còn mang tính hình thức. Một số cán bộ văn hóa ở cơ sở còn thiếu kinh nghiệm, hạn chế về chuyên môn nên đã ảnh hưởng đến chất lượng khi triển khai thực hiện.

Việc tổ chức, phục dựng các lễ hội có lúc có nơi còn chưa đúng với phong tục, tập quán của đồng bào. Vì vậy, ngành văn hóa cũng đang tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các lễ hội truyền thống cũng sẽ được duy trì, phát triển đúng hướng, lành mạnh, để từng bước nâng cao mức hưởng thụ của nhân dân.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc tại chỗ”: Góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO