Đắk Glong giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái

Thanh Nga| 13/05/2014 09:48

Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng và các hồ thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đắk N’teng thuộc xã Đắk Som, Quảng Khê, Quảng Sơn tạo thành vùng non nước hữu tình đã và đang hấp dẫn du khách đến Đắk Glong tham quan, du lịch.

ADQuảng cáo

Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng có tổng diện tích trên 22.100 ha, với trên 1.000 loài động, thực vật. Phần lớn diện tích của khu bảo tồn vẫn còn rừng nguyên sinh, nhiều cây cổ thụ cả trăm năm tuổi. Tà Đùng là một trong bốn vùng chim đặc hữu, chứa tới 1/8 số loài chim của Việt Nam, trong đó có nhiều loài trong sách đỏ và là một trong 222 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới. Khám phá đỉnh núi Tà Đùng với điểm cao nhất tới 1.982 m là niềm mong ước của nhiều du khách khi đến đây.

Hồ thủy điện Đồng Nai 3

Nằm ở thượng nguồn của hệ thống sông Đồng Nai, Tà Đùng hiện có nhà máy thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 đang hoạt động với diện tích mặt nước lên đến hàng ngàn hécta và hơn 350 hòn đảo lớn nhỏ thuộc địa phận huyện, trong đó có một số đảo có diện tích khá lớn thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái trên đảo.

Giữa rừng Tà Đùng là dòng suối Đắk N’teng chảy qua tạo thành hai ngọn thác khá hùng vĩ. Trên đỉnh Tà Đùng, nơi đây có hồ nước rộng khoảng 2 ha trong mát, có khe nước lạnh để nuôi cá tầm. Hệ thống suối, hồ cũng đem lại nguồn cá nước ngọt tự nhiên phong phú, trong đó nhiều nhất là cá trắm, cá trôi và người dân đánh bắt được nhiều cá lớn, có con đạt trọng lượng khoảng 20 kg…

ADQuảng cáo

Ngoài việc đánh bắt,  khai thác nguồn lợi thủy sản từ tự nhiên thì họ đã tận dụng diện tích mặt nước đầu tư nuôi cá lăng, cá lóc, rô phi... Người dân địa phương còn đầu tư du thuyền để phục vụ du khách du ngoạn cảnh quan sông núi và câu cá trên các lòng hồ. Hiện tại, địa phương có khoảng 10 hộ dân đã đầu tư sắm ghe, mỗi ghe chở được từ 50-60 người. Các chủ ghe được địa phương cấp phát áo phao, tập huấn cấp cứu đuối nước…

Thực tế trong thời gian qua, lượng khách đến du lịch sinh thái, leo núi… tại các điểm này ngày càng đông, trong đó ngoài người dân ở trong tỉnh thì nhiều nhất là du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Lâm Đồng và miền Tây…

Ở các bon làng của các xã, bà con đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Trong tương lai, Tà Đùng sẽ đầu tư, quy hoạch thành khu du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng với những chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc của tỉnh. Tỉnh có chủ trương sẽ đầu tư xây dựng một làng  nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Mạ tại xã Đắk Som và Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch đã khảo sát xây dựng chùa ở núi Tà Đùng.

Quốc lộ 28 đi dọc và uốn lượn ven chân núi Tà Đùng. Dự kiến vào đầu năm 2015, con đường này sẽ hoàn thành và góp phần tạo tua du lịch từ thị xã Gia Nghĩa-Đắk Glong-Đà Lạt (Lâm Đồng), đến khu căn cứ cách mạng Nâm Nung của huyện Krông Nô, các điểm du lịch của Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và ngược lại sẽ tạo thuận lợi cho địa phương phát triển du lịch trong thời gian tới. Những ưu ái của thiên nhiên chính là tiềm năng để Đắk Glong khai thác du lịch sinh thái và huyện đang kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực này.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO