Chiến công đầu của Công an Việt Nam

Vũ Hà| 20/08/2020 08:27

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Ngay từ những ngày đầu lập nước, chính quyền cách mạng non trẻ đã đứng trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", thù trong giặc ngoài.

Từ đầu tháng 4/1946, trinh sát chính trị Sở Công an Bắc Bộ đã thu thập được nguồn tin sắp có cuộc đảo chính. Cũng thời điểm đó, Bác Hồ và phái đoàn Chính phủ ta đang ở Pháp. Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng và đồng chí Võ Nguyên Giáp yêu cầu phải thu thập bằng được chứng cứ, cương quyết trấn áp nhưng không được mắc mưu khiêu khích của kẻ thù.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bấy giờ chưa có một bằng chứng nào nên Trung ương và Chính phủ vẫn chưa thể cho phép Nha Công an mở cuộc trấn áp. Chiều tối 11/7/1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp đến Nha Công an nghe báo cáo chi tiết về âm mưu và kế hoạch đảo chính của địch và xác nhận tin tức của Nha là xác thực. Đồng chí nhấn mạnh, trước khi đi Pháp, Bác dặn: Ở nhà nếu có xảy ra va chạm giữa ta và quân đội Pháp hoặc với Quốc dân đảng thì phải giải quyết hết sức thận trọng, việc lớn cần bóp nhỏ lại, việc nhỏ không cho phát triển thành lớn…

22 giờ ngày 11/7/1946, đồng chí Giám đốc Nha Công an Trung ương họp bàn phương án đối phó. Đồng chí Nguyễn Tạo được giao trọng trách lấy cho bằng được vật chứng để làm bằng chứng trình Chính phủ. 24 giờ ngày 11/7, cơ sở khẩn cấp báo tin: Tại 132 Đuy-vi-nhô (nay là phố Bùi Thị Xuân, Hà Nội), Quốc dân đảng đã in xong tài liệu kêu gọi lật đổ chính quyền; một số đã chuyển đi. Sáng 12/7, chúng sẽ phân tán tài liệu, các trụ sở khác đều rút vào bí mật, chuẩn bị đảo chính. Chỉ còn 5 giờ đồng hồ nữa, bọn Quốc dân đảng sẽ rút vào bí mật, thời cơ trấn áp không còn.

Trước vận mệnh quốc gia, sự an toàn của Bác Hồ và phái đoàn Chính phủ ta đang ở Pháp tùy thuộc vào quyết định trấn áp hay chờ có lệnh cấp trên mới trấn áp? Cuối cùng, lực lượng an ninh ta đã thống nhất chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân và quyết định đột kích bí mật vào trụ sở 132 Đuy-vi-nhô để thu chứng cứ trình Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng.

4 giờ 30 phút ngày 12/7/1946, dưới sự chỉ huy của các đồng chí Nguyễn Tạo, Lê Hữu Qua, một tiểu đội trinh sát và một số chiến sĩ công an xung phong đã bí mật, bất ngờ đột kích vào hang ổ địch, bắt gọn gần 20 tên, thu súng, lựu đạn, máy in và các loại tài liệu phản cách mạng. Đặc biệt, ta thu được một tài liệu “Kế hoạch đả Chính phủ Hồ Chí Minh” do Trương Tử Anh viết. Từ những chứng cứ rõ ràng nói trên, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng cho phép lực lượng công an tiến công, truy quét bọn Quốc dân đảng.

Ngày 12/7/1946, lực lượng an ninh đã huy động gần 200 trinh sát, công an xung phong và một trung đội tự vệ chiến đấu phối hợp, đồng loạt khám xét trụ sở của Quốc dân đảng tại số 7 phố Ôn Như Hầu (sau này là phố Nguyễn Gia Thiều) và 40 địa điểm khác là trụ sở công khai và bí mật của chúng, bắt gần 300 tên, thu thập nhiều tài liệu phản động, dụng cụ làm bạc giả, dụng cụ tra tấn, thuốc mê và giải thoát nhiều người bị chúng bắt chưa kịp thủ tiêu, đập tan cuộc đảo chính phản cách mạng trước 48 giờ. Trong số những tên bị bắt có Phan Kích Nam và nhiều tên trong cơ quan trung ương của Quốc dân đảng.

Cuộc tổng trấn áp, phá vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu không chỉ đập tan cuộc đảo chính phản cách mạng mà còn phá tan hệ thống tổ chức của một đảng phản động có thực lực nhất lúc bấy giờ; phá vỡ liên minh phản cách mạng giữa bọn phản động bên trong với thế lực xâm lược bên ngoài, góp phần giữ vững chính quyền cách mạng trong bối cảnh vận mệnh đất nước ở vào tình thế rất hiểm nghèo.

Đồng chí Trường Chinh (khi đó là Tổng Bí thư của Đảng) đã đánh giá: “Những vụ khám bắt trên đây có một tác dụng vô cùng quan trọng; nó lột mặt nạ bọn phản động bên trong, tay sai của bọn phản động bên ngoài… Nó lôi ra ánh sáng dư luận một bọn giả danh chính trị, giả danh quốc gia dân tộc… Mấy cuộc khám bắt vừa đây cắm một cái mốc trên con đường thống nhất dân tộc và biểu lộ sức mạnh và uy tín của chính quyền Nhân dân”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến công đầu của Công an Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO