Cảnh giác với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức bán đất rừng, đất rẫy

Tiến Bộ| 03/09/2014 14:04

Theo thống kê, từ đầu năm 2013 đến 8/2014, Công an huyện Đắk Glong đã tiếp nhận, xử lý 13 vụ việc, đơn thư tố cáo các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng việc bán đất rẫy, đất rừng.

ADQuảng cáo

Nhiều trường hợp người mua sau khi mua đất rừng, đất rẫy liền tiến hành phát dọn cây cối thì bị cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý về hành vi phá rừng. Như trường hợp anh Nguyễn Thành Tĩnh (SN 1982), trú tại huyện Đắk Mil bị đối tượng Lưu, trú tại thôn 4, xã Đắk R’măng (Đắk Glong) lừa bán đất rừng tại xã Quảng Sơn.

Đầu năm 2011, anh Tĩnh có lên địa bàn xã Quảng Sơn tìm mua rẫy. Qua người quen giới thiệu, anh Tĩnh biết Lưu có 6 ha đất rẫy cần bán, giá mỗi hécta là 35 triệu. Ngày 21/5/2011,  anh Tĩnh có thỏa thuận đặt cọc trước 30 triệu, đến ngày 21/6/2011, anh Tĩnh đưa thêm 75 triệu cho Lưu. Hai lần đưa tiền anh Tĩnh đều nhờ người quen viết giấy sang nhượng đất và hai bên ký vào. Số tiền còn lại anh Tĩnh sẽ giao cho Lưu sau khi khai hoang xong và làm giấy tờ sang nhượng.

Tuy nhiên, từ ngày 19-23/8/2011, anh Tĩnh đưa người vào khai hoang, phát dọn cây cối thì bị lực lượng bảo vệ của Đoàn kinh tế quốc phòng Quảng Sơn - Công ty cà phê 15 - Bộ Quốc phòng bắt giữ, giao cho Cơ quan điều tra hình sự, Quân khu 5 khởi tố vụ án, khởi tố anh Tĩnh về hành vi hủy hoại rừng.

ADQuảng cáo

Qua các vụ việc, đơn thư tố cáo cho thấy, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa bán đất rẫy, đất rừng chủ yếu lợi dụng một số người dân nhẹ dạ, cả tin cũng như tâm lý chủ quan, hám lợi muốn mua đất làm rẫy với giá rẻ. Các đối tượng thường không có đất thực sự mà đó là đất rẫy của người khác hoặc đất rừng do nhà nước, các cơ quan khác quản lý nhưng lại mạo nhận là đất của mình và rao bán.

Khi mua, những người bị hại thường không yêu cầu hoặc không xem kỹ các giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người bán cũng như quá trình mua bán, sang nhượng không làm hợp đồng sang nhượng theo đúng quy định của pháp luật mà chỉ viết giấy viết tay, hợp đồng với nội dung sơ sài, thiếu chặt chẽ, không có sự chứng thực, xác nhận của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.  

Trước tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa bán đất rẫy, đất rừng có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân biết về tình hình hoạt động và phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa bán đất rẫy, đất rừng để người dân nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, phòng ngừa. Vận động nhân dân khi giao dịch, hợp đồng mua bán đất cần soạn thảo hợp đồng một cách chặt chẽ, đầy đủ.

Tốt hơn hết người dân nên nhờ người am hiểu pháp luật tư vấn để soạn thảo hợp đồng, hoặc đến Ban tư pháp thuộc UBND các xã để được tư vấn, giúp đỡ và nhờ sự xác nhận của chính quyền địa phương về việc ký hợp đồng mua bán, sang nhượng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức bán đất rừng, đất rẫy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO