Kinh tế

Xót xa trụ sở bỏ hoang ở Đắk Nông

Lê Dung 15/12/2024 08:00

Các công trình được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước hiện bỏ không đang gây lãng phí lớn, để lại nhiều nuối tiếc và xót xa.

Trụ sở đìu hiu

Khi đến xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, hình ảnh trụ sở UBND xã (cũ) khiến chúng tôi không khỏi mủi lòng. Nơi đây từng là địa điểm khá nhộn nhịp.

Bởi không chỉ hàng ngày luôn có người dân tới giao dịch công việc mà còn do phía trước công trình là khu vực kinh doanh, buôn bán sầm uất nhất của huyện. Nơi đây luôn có tiếng cười nói, xe cộ ra vào liên tục.

img_9347.jpg
Trụ sở trụ sở UBND xã Quảng Khê (cũ), huyện Đắk Glong đang xuống cấp trầm trọng

Thế nhưng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi. Từ ngày UBND xã Quảng Khê chuyển qua trụ sở mới, công trình rộng hơn 3.500m² bỗng chốc trở nên hoang vắng, cửa đóng then cài.

Khối nhà cấp 4 được xây dựng từ hơn 30 năm trước trên nền diện tích 800m2 đang dần xuống cấp trầm trọng. Cửa hội trường, cửa các phòng làm việc, cửa sổ... đều bị hư hỏng, không thể sử dụng. Một công sở của UBND xã (cũ) đang như bị thời gian phủ bụi lãng quên.

img_9335.jpg
Hiện trạng của công trình trụ sở trụ sở UBND xã Quảng Khê (cũ), huyện Đắk Glong

Đứng trước trụ sở UBND xã Quảng Khê (cũ), bà Thạch Thị Thu Trang, người dân nơi đây không giấu nổi sự chán chường, thất vọng.

Bà Trang bồi hồi kể lại, hồi đó, trụ sở UBND xã sôi nổi rất nhiều hoạt động phong trào. Người dân ai cũng muốn qua để được làm việc, giải quyết giấy tờ.

Nhưng giờ thì khác. Toàn bộ công trình đều bị bỏ hoang. Lâu ngày không ai ngó nghiêng, cỏ dại mọc đầy. Chỉ nhìn thôi đã thấy buồn.

Bà vừa nói, vừa chỉ tay về phía những đám cỏ dại mọc um tùm xung quanh công trình: "Để thế này không chỉ lãng phí mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Cỏ mọc dày đặc, nơi đây, bà con rất lo lắng vì sợ ảnh hưởng tới môi trường, nhất là nguy cơ cao về dịch sốt xuất huyết mỗi khi mùa mưa tới”.

img_9337.jpg
Không ai nghĩ nơi đây trước đó là lối vào Hội trường của UBND xã Quảng Khê (cũ), huyện Đắk Glong

Dừng lại một lúc, bà Trang thở dài: “Chỉ mong các cấp chính quyền sớm có giải pháp, đưa nơi này sớm đi vào sử dụng ổn định, đem lại nguồn thu cho ngân sách, cũng vừa giải quyết được những điều bất ổn hiện nay”.

Chủ tịch UBND xã Quảng Khê Nguyễn Tiến Duẩn trăn trở: “Giá trị lô đất tại trụ sở UBND xã Quảng Khê (cũ) hiện rơi vào hàng tỷ đồng. Trước mắt, phía trước trụ sở, địa phương đang tạo điều kiện cho các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng mượn tạm để phát triển kinh tế. Còn về lâu dài, huyện đang làm các thủ tục đấu giá, khấu hao tài sản và thu hút đầu tư để khai thác hiệu quả cho công trình này ”.

Trụ sở UBND xã Đắk Lao cũ của huyện Đắk Mil cỏ mọc um tùm, do lâu ngày không hoạt động
Trụ sở UBND xã Đắk Lao (cũ) của huyện Đắk Mil cỏ mọc um tùm, do lâu ngày không hoạt động

Trụ sở UBND xã Đắk Lao (cũ), huyện Đắk Mil cũng lâm vào tình cảnh đáng buồn tương tự. Nằm ngay trên khu đất rộng, đẹp tại tổ dân phố 11, thị trấn Đắk Mil, công trình có diện tích hơn 3.700m². Nơi đây từng lưu giữ nhiều hoạt động tốt đẹp cho người dân địa phương.

Được xây dựng từ năm 1997, ngôi nhà cấp 4 với mái tôn, tường xây, nền gạch vẫn vững chắc qua thời gian. Tuy nhiên, từ năm 2019, khi UBND xã chuyển sang trụ sở mới, công trình sớm bị bỏ hoang, không được khai thác.

Đầu năm 2020, khu đất được trả lại cho UBND huyện Đắk Mil quản lý, nhưng suốt 4 năm qua, vẫn chưa có phương án xử lý để đưa vào sử dụng hiệu quả.

img_9402(1).jpg
Ông Đoàn Minh Tiến, Tổ trưởng tổ dân phố 3, thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil xót xa khi nhiều công trình trên địa bàn bị bỏ hoang nhiều năm

Có nhà ngay sát vách trụ sở UBND xã Đắk Lao (cũ), nhưng ông Đoàn Minh Tiến, Tổ trưởng tổ dân phố 3, thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, cũng chưa biết công trình hiện đang thuộc dự án nào, do ai quản lý.

Ông Tiến cho biết: “Công trình bỏ hoang rất lãng phí. Để không nhiều năm công trình trở nên xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm. Tất cả đều là tiền của từ ngân sách Nhà nước mà để như vậy thật xót xa vô cùng”.

Chuyện buồn từ một trường học

Có một ngôi trường nằm ngay giữa trung tâm huyện Đắk Mil, với diện tích hơn 10.000m2, từng được xây dựng bằng tất cả mọi kỳ vọng và tâm huyết. Đó là Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Mil (cũ).

Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Mil (cũ) đang bị bỏ không nhiều năm nay
Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Mil (cũ) đang bị bỏ không gần 10 năm nay

Nơi đây cũng từng rất sôi động với các hoạt động dạy và học. Nay lại chìm trong cảnh hoang tàn, vắng lặng. Từ cổng chính, chúng tôi dễ dàng nhận ra một ngôi nhà 2 tầng kiên cố, với nhiều hạng mục được xây dựng từ năm 2010.

Đứng trước cổng trung tâm, ông Phan Văn Thị, một người dân ở khối 7, thị trấn Đắk Mil bày tỏ sự tiếc nuối: “Trường học bị bỏ trong nhiều năm dù nằm ngay trên mảnh "đất vàng" của thị trấn, thực sự quá lãng phí. Hi vọng, chính quyền sớm tìm được phương án sử dụng hiệu quả".

Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Mil (cũ) đang xuống cấp trầm trọng
Hệ thống cửa tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Mil (cũ) đang bị thất thoát

Thời gian qua, để góp phần bảo vệ và giữ gìn công trình, ông Thị đã đề nghị được mượn tạm một căn phòng tại đây làm nơi ở. Trước đây, khi gia đình ông chưa đến, các tầng trên tòa nhà này thường xuyên có các đối tượng nghiện hút tự do tụ tập, do nơi đây rộng và hoang vắng. Từ ngày ông Thị về ở, tình trạng này không còn nữa.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh trung tâm, ông Thị vừa chỉ vào những căn phòng trống rỗng, vừa lắc đầu ngao chán: "Công trình này mà được sử dụng đúng cách thì đã giúp ích được biết bao nhiêu việc cho địa phương".

Công trình nhà ở và đất bỏ không đang gây lãng phí lớn cho ngân sách địa phương
Công trình nhà ở và đất bỏ không đang gây lãng phí lớn cho nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng của Nhà nước

Bước qua cánh cổng cũ kỹ, hiện ra trước mắt chúng tôi là một bức tranh đượm buồn. Toàn bộ tường nhà tại các phòng học của ngôi trường đã bong tróc, vữa rơi từng mảng lớn. Trong khi, rêu xanh phủ đầy những bức tường bê tông.

Trần nhà loang lổ, nhiều mảng đã trơ khung, phơi mình mặc mưa nắng. Đi sâu vào bên trong các tòa nhà, tất cả cửa nhôm kính dọc theo hành lang cũng đều bị tách rời.

Các thiết bị điện cũng không còn nguyên. Ổ cắm, bóng đèn, dây điện đều văng ra khỏi tường, chỉ còn lại dấu vết của những lỗ hổng. Thời gian dài không sử dụng làm cho nền nhà các phòng học cũng không còn như cũ.

img_8883.jpg
Những ổ cắm điện của công trình cũng không còn nguyên vẹn

Trung tâm bị bỏ không kể từ khi được sáp nhập về đơn vị mới. Công trình từng được đầu tư hơn 5,6 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà Nước.

Đến năm 2016, khi Sở GD-ĐT bàn giao cho UBND huyện Đắk Mil quản lý, giá trị công trình giảm gần 2 tỷ đồng. Và sau gần 10 năm, công trình hiện chỉ còn là một hình hài cũ kỹ và đang chờ đợi một tương lai rõ ràng.

Những gì ông Thị chứng kiến ​​thường ngày khiến ông không khỏi buồn lòng: "Biết bao tiền của, công sức đã được đầu tư xây dựng vào đây, nhưng cuối cùng lại để phủ bụi. Chúng tôi chỉ mong công trình sớm được đưa vào sử dụng, để không lãng phí thêm nữa”.

img_8871.jpg
Nền nhà Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Mil (cũ) cũng đang vỡ bong

Câu chuyện của ông Phan Văn Thị không chỉ là nỗi niềm của một người dân sống gần trung tâm, mà còn là tiếng nói chung của cả cộng đồng mong sớm trả lại giá trị thực cho công trình.

Vắng lặng bệnh viện cũ

Cũng giữa lòng thị trấn Đắk Mil, trên khu đất rộng hơn 6.200m² tại tổ dân phố 10, trụ sở cũ của Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Mil giờ đây chỉ còn là một công trình vắng lặng, yên tĩnh mang theo câu chuyện buồn về lãng phí.

Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Mil cũ đang bị bỏ không
Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Mil (cũ) để không giữa trung tâm của huyện

Bệnh viện được xây dựng từ năm 1992, với các khu chức năng như: nhà làm việc, khu điều trị, nhà tang lễ, nhà xử lý rác thải và khu để xe ô tô.

Công trình được đầu tư hơn 8,4 tỷ đồng – một con số không hề nhỏ tại thời điểm đó. Nhưng từ năm 2015, khi cơ sở y tế này chuyển sang địa điểm mới, nơi đây cũng bị bỏ không.

Từ cổng chính bước vào, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là những tòa nhà phủ đầy rêu phong, tường bong tróc, loang lổ. Cánh cửa kính tại các phòng chức năng bị vỡ, dấu vết vẫn còn rõ ràng. Bên trong, bệnh viện ngập rác thải, đồ vật của cơ quan cũ không còn sử dụng bỏ lại.

img_8951.jpg
Đồ đạc bỏ lại ngổn ngang tại các phòng làm việc trước đây của Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Mil (cũ)

Sau khi bệnh viện chuyển đi, công trình được bàn giao lại cho UBND huyện Đắk Mil quản lý. Có thời gian, nơi đây được Ban Quản lý dự án huyện mượn làm trụ sở, nhưng chỉ hoạt động trong hai năm rồi lại tiếp tục bỏ không.

Thủ tục để đấu giá kêu gọi đầu tư vẫn đang ở trạng thái chờ đợi. Và công trình cứ thế nằm im, “án binh bất động” giữa lòng thị trấn.

img_9050.jpg
Ông Trần Văn Nhiên, tổ dân phố 2, thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông mong muốn tận dụng, xử lý những công trình bỏ hoang để tránh lãng phí tiền bạc của Nhà nước

Hàng ngày, nhiều người dân địa phương như ông Trần Văn Nhiên vẫn đi ngang qua khu bệnh viện. Khi nhìn thấy khối tài sản từng là biểu tượng một thời của ngành y tế địa phương đang xuống cấp, ông không khỏi chạnh lòng.

"Chúng tôi hi vọng tỉnh sớm xử lý để công trình trở nên hữu ích, tránh gây lãng phí một số tiền lớn mà Nhà nước đã đầu tư xây dựng", ông Nhiên bộc bạch.

img_8934.jpg
Trần nhà của Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Mil (cũ) đang bị rêu phong, bong tróc

Câu chuyện về bệnh viện cũ ở Đắk Mil hay những cơ sở nhà, đất khác trên địa bàn tỉnh Đắk Nông không chỉ dừng lại ở những mảng tường bong tróc.

Các công trình bỏ hoang, đắp chiếu, phơi sương từ ngày này qua tháng khác đang gây lãng phí lớn về nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng của Nhà nước.

Theo lãnh đạo Sở Tài chính, cơ sở hạ tầng phần lớn các công trình bỏ không để lâu ngày đang xuống cấp nghiêm trọng. Khi định giá tài sản phải thực hiện khấu hao. Nhiều công trình không định giá được bao nhiêu. Trong khi đó, muốn định giá phải mất một thời gian dài.

img_8938.jpg
Các cơ sở hạ tầng của Đắk Nông bị bỏ không lâu ngày sẽ không định giá được bao nhiêu

“Quá trình đó, những cơ sở nhà đất này sẽ không cho thuê được. Tài sản đó cũng không bán được. Đó là một sự lãng phí”, lãnh đạo Sở Tài chính Đắk Nông cho hay.

Tại Đắk Nông hiện đang rất cần quỹ đất, công trình để xây dựng trường học, khu sinh hoạt cộng đồng, các công trình phúc lợi xã hội, nơi làm việc…

Trong khi đó, những cơ sở nhà, đất này lại bị bỏ hoang, đang tạo ra những nghịch lý đáng tiếc, rất cần những phương án giải quyết dứt điểm.

img_8831.jpg
Nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng tại các cơ sở nhà, đất bỏ không đang bị thất thoát nghiêm trọng

Hiện tại, các địa phương trong tỉnh đang thực hiện rà soát tất cả các cơ sở nhà, đất không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích theo chủ trương chung.

Tài sản công là kết tinh từ mồ hôi, công sức của Nhân dân, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Thực trạng lãng phí tài sản công ở Đắk Nông đang đặt ra nhiều trăn trở.

Những công trình xây dựng dở dang, trụ sở bỏ hoang hay những thiết bị đắt tiền không được sử dụng đúng mục đích không chỉ gây thất thoát ngân sách mà còn làm tổn hại lòng tin của người dân.

Điều đáng tiếc là trong nhiều trường hợp, lãng phí không phải vì thiếu nguồn lực mà do sự thiếu trách nhiệm, tầm nhìn ngắn hạn hoặc quy hoạch chưa đồng bộ.

Những khu "đất vàng" bị bỏ trống, các dự án công ích triển khai rồi để không đã khiến tiềm năng phát triển của địa phương bị kìm hãm rất đáng kể.

Trước thực trạng này, điều cần thiết là một cơ chế quản lý minh bạch, giám sát hiệu quả và sự quyết liệt trong xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Đắk Nông cần biến những bài học từ lãng phí thành động lực, để tài sản công thực sự trở thành nền tảng cho sự phát triển bền vững, công bằng và hiệu quả.

Đắk Nông đang co 30 cơ sở nhà, đất thực hiện bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất; có 7 cơ sở chuyển giao về cho địa phương quản lý, xử lý.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Xót xa trụ sở bỏ hoang ở Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO