Trụ sở làm việc ở Đắk Nông - Kẻ ăn không hết, người lần không ra
Nhiều công trình lớn ở Đắk Nông được đầu tư nguồn lực lớn nhưng không sử dụng tới. Trong khi nhiều đơn vị lại thiếu trụ sở hoặc trụ sở xuống cấp.
Nhiều nơi dư thừa công trình tiền tỷ
Năm 2013, Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam phê duyệt Dự án xây dựng Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ HND tỉnh Đắk Nông. Công trình có tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng, được triển khai xây dựng tại Khu tái định cư Đắk Nur B, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa.
Công trình bắt đầu xây dựng từ năm 2014 và được bàn giao cho HND tỉnh Đắk Nông quản lý vào tháng 4/2022. Trung tâm được xây dựng trên khu đất 15.600m2.
Trung tâm có đầy đủ nhà làm việc, nhà ký túc xá, nhà xưởng thực hành, nhà bảo vệ, nhà để xe và hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, dãy nhà làm việc có quy mô nhà cấp III, 4 tầng với 18 phòng.
Khu nhà ký túc xá cũng là nhà cấp III, 3 tầng với 33 phòng. Trung tâm được đầu tư hệ thống trang thiết bị phục vụ học tập, sinh hoạt, ăn ở… với tổng giá trị gần 2,7 tỷ đồng.
Trước khi bàn giao công trình, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ HND tỉnh đã tổ chức 4 lớp tập huấn cho khoảng 300 lượt hội viên tham gia. Sau khi nhận bàn giao công trình, trung tâm tổ chức thêm 8 lớp tập huấn cho 600 lượt cán bộ, hội viên.
Theo lãnh đạo HND tỉnh Đắk Nông, trung tâm được xây dựng tại khu vực khá xa xôi, hẻo lánh, thiếu các tiện ích thiết yếu. Một số đơn vị đã tìm hiểu và đặt vấn đề mở văn phòng đại diện đào tạo nghề nhưng cuối cùng không lựa chọn.
Những năm qua, trụ sở Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ HND tỉnh chủ yếu sử dụng để tổ chức các hội nghị, hội thảo. Việc tổ chức các chương trình này chủ yếu thực hiện ở hội trường lớn. Các hạng mục công trình khác gần như không sử dụng.
Do thời gian thi công dài, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống cửa, trần nhà, bếp ăn, ổ khóa bị hư hỏng. Trang thiết bị sử dụng không thường xuyên nên cũng xuống cấp nhiều.
“Hiện tại, trung tâm không khai thác và sử dụng hết công năng thiết kế. Để khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất đã đầu tư, tránh gây lãng phí tài sản công, HND tỉnh đã đề nghị bàn giao cơ sở vật chất để UBND tỉnh tiếp nhận, quản lý”, lãnh đạo HND tỉnh Đắk Nông cho hay.
Một trường nghề khác tại TP. Gia Nghĩa đã hoang hóa là Trung tâm giới thiệu việc làm phụ nữ Đắk Nông. Trung tâm này được xây dựng trên một khu đất rộng 18.980m2, nằm ở vị trí trung tâm phường Nghĩa Trung.
Dự án do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư và với tổng kinh phí hơn 25,2 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Công trình được xây dựng bài bản với nhiều dãy nhà kiên cố, cao tầng. Hệ thống hàng rào được xây dựng bài bản cùng các tiểu cảnh trong khuôn viên.
Sau khi hoàn thành vào năm 2010, Trung tâm giới thiệu việc làm phụ nữ Đắk Nông do Hội LHPN tỉnh quản lý. Nhưng đến năm 2019, Trung ương Hội LHPN đã sáp nhập Trung tâm giới thiệu việc làm phụ nữ Đắk Nông vào trực thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển (thuộc Trung ương Hội).
Từ thời điểm sáp nhập, Trung tâm giới thiệu việc làm phụ nữ Đắk Nông đã ngừng hoạt động. Qua hơn 5 năm không sử dụng, trung tâm dần hoang hóa. Các hạng mục công trình không được sử dụng, bảo dưỡng nên đã hư hỏng, xuống cấp.
Trung ương Hội LHPN đã thống nhất với UBND tỉnh Đắk Nông sẽ bàn giao trụ sở trung tâm về cho địa phương quản lý. Nhưng sau nhiều năm, quy trình bàn giao vẫn chưa được thực hiện.
Nhiều đơn vị thiếu nơi làm việc
2 trường nghề trên được xây dựng trên tổng diện tích gần 2,5ha giữa trung tâm TP. Gia Nghĩa. Tổng giá trị đầu tư cho 2 công trình dạy nghề này hàng chục tỷ đồng từ ngân sách.
Việc hai công trình này không sử dụng, sử dụng không hiệu quả đã gây ra dư luận xấu về vấn đề lãng phí nguồn lực đầu tư tại Đắk Nông thời gian qua.
Trong lúc 2 trường nghề dần hoang hóa vì kém hiệu quả, con em tỉnh Đắk Nông lại đối mặt với cảnh thiếu trường lớp. Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Đắk Nông khóa IV, một số đại biểu cho biết đầu năm học 2024 - 2025, Đắk Nông có khoảng 500 học sinh bước vào bậc THPT lo thiếu nơi học.
Ngành Giáo dục Đắk Nông đã có nhiều giải pháp để sắp xếp các em có đủ trường lớp để học tập. Tuy nhiên, việc thiếu trường lớp sẽ vẫn tiếp tục nóng bỏng trong những năm tới.
Ngành Giáo dục Đắk Nông dự kiến, số lượng học sinh lo thiếu nơi học năm học 2025 - 2026 sẽ có thể lên đến 1.000 em. Điều này sẽ gây áp lực lớn lên cơ sở vật chất và cả đội ngũ giáo viên.
Trên địa bàn Đắk Nông, rất nhiều trường học đã được đầu tư từ lâu nhưng chưa được nâng cấp, duy tu, sửa chữa. Ở các huyện, có thể kể đến một số trường học như: Trường tiểu học và THCS Đắk Plao, huyện Đắk Glong, Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác, huyện Tuy Đức, Trường THPT Krông Nô, huyện Krông Nô…
Ở TP. Gia Nghĩa, nhiều trường học ở các cấp học cũng đã xuống cấp. Có thể kể đến một số trường học như: Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Trường THPT Chu Văn An, Trường THPT Gia Nghĩa…
Đối với trụ sở cơ quan, riêng TP. Gia Nghĩa đã có rất nhiều trụ sở hoang hóa, không sử dụng. Tiêu biểu có thể kể đến như: UBND phường Nghĩa Tân (cũ), UBND phường Nghĩa Trung (cũ), Bến xe khách Gia Nghĩa (cũ)…
Trong khi đó, nhiều cơ quan hiện tại của TP. Gia Nghĩa vẫn chưa có trụ sở ổn định để hoạt động. Hiện nay, Ban Tiếp công dân TP. Gia Nghĩa đang phải mượn một số phòng của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thành phố để làm việc.
Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp và Đội Quản lý trật tự cảnh quan đô thị TP. Gia Nghĩa cũng có trụ sở hoạt động còn tạm bợ. Hiện trụ sở của 2 đơn vị này nằm trong khu vực quy hoạch Quảng trường trung tâm TP. Gia Nghĩa.
Riêng trụ sở Đội Quản lý trật tự cảnh quan đô thị Gia Nghĩa đã xây dựng từ rất lâu theo hình thức nền gạch, thưng vách gỗ, mái tôn.
Trụ sở được đội tiếp nhận, hoạt động khoảng 15 năm nay. Hiện công trình đã xuống cấp, nhiều hạng mục hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, trên địa bàn tỉnh đang có hàng chục cơ quan, đơn vị chưa có hoặc thiếu trụ sở làm việc, học tập, chủ yếu là các hội, trường học, trung tâm...