Tài sản công ở không - Nguồn lực bị bỏ bê
Nhiều tài sản công ở Đắk Nông bỏ hoang nhiều năm không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những công trình mặt tiền, đắc địa bỏ không
Nằm ở mặt tiền quốc lộ 28, trụ sở UBND phường Nghĩa Trung (cũ), TP. Gia Nghĩa tọa lạc trên một khoảnh đất cao. Khu đất có diện tích hơn 4.600m2, từng là trụ sở hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương.
Trụ sở UBND phường Nghĩa Trung (cũ) đã ngừng hoạt động hơn 15 năm, từ thời điểm di chuyển toàn bộ hoạt động về trụ sở mới. Sau khi di dời, trụ sở cũ rơi vào cảnh bỏ hoang, cỏ mọc um tùm trong khuôn viên.
Trên khu đất hiện còn một dãy nhà cấp 4 để phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước trước đây. Sau hơn 5 năm không sử dụng, dãy nhà xuống cấp, xập xệ. Nhiều hạng mục có nguy cơ đổ sập.
Cách đó không xa, trụ sở UBND phường Nghĩa Tân (cũ) có vị trí đắc địa hơn. Trụ sở này nằm trên trục đường 23/3 đoạn qua cầu Đắk Nông, đối diện siêu thị Co.opmart Đắk Nông.
Khoảng 10 năm trước, trụ sở này dừng hoạt động sau khi UBND phường Nghĩa Tân di dời về tại đường Quang Trung. Các cơ quan chức năng địa phương đã sửa sang lại dãy nhà để làm trụ sở Ban Tiếp công dân tỉnh Đắk Nông.
Ít năm trước, Ban Tiếp công dân tỉnh Đắk Nông có trụ sở mới tại đường Lê Duẩn. Khuôn viên trụ sở này không được sử dụng vào mục đích nào khác của cơ quan Nhà nước. Dãy nhà kiên cố 2 tầng rơi vào cảnh cửa đóng, khóa kín.
Trước khuôn viên trụ sở UBND phường Nghĩa Tân (cũ) xuất hiện đầy cỏ dại, không ai phát dọn. Một số người dân đã tranh thủ dãy nhà không sử dụng để làm nơi buôn bán thời vụ.
Khung cảnh hoang tàn, nhếch nhác cũng là thực trạng tại khu vực Bến xe khách Gia Nghĩa (cũ), thuộc địa phận phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa. Khu đất này có diện tích 2.072m2, có mặt tiền hướng ra hồ Thiên Nga.
Trong khu đất đắc địa này còn một dãy nhà làm việc xây bằng gạch, lợp tôn còn khá chắc chắn. Khu nhà căng tin, khu vệ sinh đã không còn mái, cửa xung quanh. Nhà bảo vệ và cổng, hàng rào xập xệ, xuống cấp.
Nhiều năm nay, khu đất này luôn trong cảnh im ắng. Khu đất là nơi xe buýt chạy tuyến Gia Nghĩa - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) dừng nghỉ, đón khách.
Tại huyện Đắk Mil, 3 trụ sở cơ quan Nhà nước khá lớn trước đây đều trong cảnh bỏ hoang nhiều năm. Trong đó, khu đất trụ sở Bảo hiểm xã hội huyện Đắk Mil (cũ) có mặt tiền ngay trung tâm đường Hồ Chí Minh, đoạn qua thị trấn Đắk Mil.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên (cũ) và Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Mil (cũ) có tổng diện tích hơn 1,6ha cũng trong cảnh hoang hóa, xuống cấp.
Yêu cầu phải xử lý
Tại TP. Gia Nghĩa, rất nhiều trục đường lớn tồn tại các cơ quan công sở bỏ hoang nhiều năm. Riêng trục đường 23/3, tồn tại rất nhiều khu “đất vàng” đang hiện hữu các dãy nhà cũ, xuống cấp, bỏ hoang.
Thống kê vào tháng 10/2024 của UBND TP. Gia Nghĩa cho thấy, quỹ nhà, đất là tài sản công không sử dụng trên địa bàn thành phố còn rất nhiều.
Thành phố có ít nhất 13 khu đất, tài sản công cơ bản không được sử dụng như: trụ sở UBND phường Nghĩa Trung (cũ), bến xe khách Gia Nghĩa (cũ), sân vận động tỉnh Đắk Nông (cũ)…
Những khu “đất vàng”, trụ sở không sử dụng đã làm giảm hiệu quả khai thác không gian đô thị. Thành phố mất đi nhiều tiềm năng phát triển. Các tòa nhà bỏ hoang, trụ sở không sử dụng trở thành nơi xuống cấp, gây mất mỹ quan đô thị và làm giảm sức hút đầu tư.
Ông Hồ Văn Công, tổ dân phố 4, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa cho rằng, nhiều tài sản công bỏ không ngoài việc gây lãng phí còn thể hiện về năng lực quản lý, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước.
Theo lãnh đạo UBND một phường ở TP. Gia Nghĩa, đất đai và cơ sở vật chất là tài nguyên có giá trị kinh tế lớn. Khi không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, tài sản này lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế.
Các tài sản không được tận dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ không thể tạo được giá trị gia tăng, bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy kinh tế. Chưa kể tới việc phải tốn chi phí duy trì, quản lý các tài sản này”, vị lãnh đạo này cho hay.
Cùng quan điểm trên, lãnh đạo UBND huyện Đắk Mil cũng cho rằng việc hoang hóa các trụ sở công gây ra nhiều tác động tiêu cực. Các cơ sở nhà đất không có người bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh trở thành hoang hóa, nhếch nhác.
Tại các công trình bỏ hoang xuất hiện cỏ mọc um tùm, nhiều nơi trở thành điểm tập kết rác, nước tù đọng… làm phát sinh dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường.
Lãnh đạo UBND huyện Đắk Mil chia sẻ: Các công sở bỏ hoang không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân xung quanh. Nhà cửa khang trang trở thành khu hoang phế, giá trị tài sản trên đất bị kéo thấp.
Theo lãnh đạo Sở Tài chính Đắk Nông, việc tài sản công không sử dụng cũng gây mất nguồn thu cho ngân sách. Nhiều trụ sở có vị trí đắc địa, được nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đặt vấn đề thuê có thời hạn để phục vụ hoạt động.
Nhưng theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017 thì cơ quan quản lý Nhà nước không có thẩm quyền cho thuê những tài sản công này.
Không chỉ gây mất nguồn thu, tài sản công không được sử dụng còn có nguy cơ gây thất thoát. Hầu hết các tài sản công, trụ sở cơ quan cũ trước đây đều không có người trông coi. Tài sản công không được quản lý chặt chẽ sẽ dễ bị xâm hại, đất đai bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích.
Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Đắk Nông khóa IV, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đã khẳng định, có nhiều lãng phí trong quản lý tài sản công trên địa bàn tỉnh.
“Ngay giữa lòng TP. Gia Nghĩa có nhiều “đất vàng” nhưng không sử dụng. Cỏ mọc um tùm, nhà cửa xập xệ giữa đô thị như vậy vừa gây mất mỹ quan, vừa là sự lãng phí rất lớn”, ông Hồ Văn Mười cho hay.