Đìu hiu trụ sở trên "đất vàng" ở Đắk Nông
Trong khi nguồn lực ngân sách đầu tư còn hạn hẹp thì ở Đắk Nông đang có nhiều tài sản công bị bỏ không, gây lãng phí lớn.
Đầu tư lớn nhưng bỏ hoang
Khu vực trung tâm huyện Đắk Mil đang là một trong những nơi có nhiều công trình do ngân sách Nhà nước đầu tư nằm ở vị trí đắc địa bị bỏ hoang nhiều năm qua.
Chi cục Thuế huyện Đắk Mil (cũ) là một đơn cử. Công trình có diện tích là 450m2, nằm ngay ngã 5 của thị trấn Đắk Mil. Trụ sở này hiện có 1 ngôi nhà cấp 3 gồm 3 tầng, với diện tích đất sử dụng là 151m2.
Trụ sở của đơn vị được xây dựng từ năm 1994. Thời điểm công trình được đầu tư xây dựng có trị giá hơn 1,3 tỷ đồng. Công trình còn bao gồm cả sân và tường rào kiên cố xung quanh.
Nằm ở ngay vị trí "đất vàng" của trung tâm huyện, công trình đang có lợi thế rất lớn để phát triển thương mại, dịch vụ cho địa phương. Chưa kể, chỉ tính riêng giá trị của khu đất này theo bảng giá đất của UBND tỉnh Đắk Nông ban hành hiện đang vào khoảng hơn 4 tỷ đồng.
Để tăng nguồn thu cho ngân sách và khai thác hiệu quả công trình, thời gian qua, huyện Đắk Mil đã đề xuất nhiều văn bản với tỉnh nhằm sớm có hướng tháo gỡ, đưa công trình vào sử dụng.
Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông cũng dẫn 4 đoàn doanh nghiệp xuống khảo sát, kêu gọi thu hút đầu tư tại vị trí này, nhưng đến nay chưa có thông tin phản hồi chính thức.
Đặc biệt, từ năm 2018, huyện đã có các văn bản gửi Sở KH-ĐT, Sở Tài chính Đắk Nông xem xét cho bán đấu giá tài sản trên đất và cho thuê quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá trụ sở Chi cục Thuế (cũ). Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có giải pháp cụ thể.
Công trình xây dựng gần 30 năm, lại để lâu ngày không được sử dụng nên đang xuống cấp trầm trọng, gây lãng phí lớn cho nguồn thu ngân sách địa phương khiến không ít người tiếc nuối.
Tương tự, tại huyện Đắk Glong hiện cũng đang có rất nhiều công trình bỏ không. Qua rà soát sơ bộ, toàn huyện hiện có khoảng 17 trụ sở nhà, cơ sở hoạt động sự nghiệp có trị giá đầu tư hàng tỷ đồng, nhưng hiện không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả.
Trong đó, có một số công trình đang nằm án ngữ ngay tại những vị trí được xem là đẹp nhất của huyện. Cụ thể như trụ sở Ban Chỉ huy Quân sự huyện (cũ) có diện tích là hơn 3.900m2.
Trong đó, diện tích trụ sở xây dựng là hơn 1.936m2. Công trình trải dài trên một tuyến đường trung tâm của huyện, nhưng nhiều năm qua vẫn đang bỏ không.
Hay như trụ sở UBND xã Quảng Khê (cũ) đang có diện tích xây dựng 800m2, nằm ngay ngã tư đường chính vào huyện. Từ khi chuyển trụ sở UBND xã Quảng Khê về vị trí mới cũng là lúc công trình bị bỏ hoang.
Vị trí này cũng đang được tỉnh đưa vào danh mục các dự án có tiềm năng đầu tư. Huyện cũng tích cực tháo gỡ những vướng mắc liên quan tới đấu giá tài sản trên đất, với mục tiêu phát triển trung tâm thương mại, để tăng nguồn thu cho ngân sách.
Theo thống kê, phần lớn các công trình bỏ không trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện nay là do thực hiện các chủ trương dịch chuyển, xây dựng mới một số trụ sở cơ quan Nhà nước theo quy hoạch đã được duyệt. Do đó, sau khi về vị trí mới, các trụ sở cũ tạm thời dôi dư.
Một số công trình nhường đất cho phát triển thương mại, dịch vụ, nhưng khi thực hiện các thủ tục lại gặp nhiều vướng mắc liên quan tới đấu giá tài sản, quy hoạch…
Ảnh hưởng lớn nguồn thu ngân sách
Có thể thấy rằng, nhà, đất là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thế nhưng, thực trạng công tác quản lý Nhà nước về đất đai, quy hoạch còn nhiều bất cập. Điều này đã và đang gây lãng phí về tài sản công và ngân sách Nhà nước.
Thực tế hiện nay, nhiều cơ sở nhà, đất ở Đắk Nông đang rơi vào tình trạng bỏ hoang với nhiều lý do. Trong đó, một số cơ sở nhà, đất bỏ hoang không thuộc thẩm quyền xử lý của địa phương, mà thuộc ngành dọc quản lý như: khu vực Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đắk Mil (cũ), Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đắk Glong (cũ), Tiểu đoàn 301 (cũ)…
Đây là những công trình có diện tích lớn, nhà cửa trên đất kiên cố nên các huyện đã nhiều lần đề xuất UBND tỉnh kiến nghị các ngành dọc bàn giao về địa phương quản lý, để bố trí cho các nhiệm vụ khác, tăng nguồn thu cho ngân sách nhưng vẫn chưa có kết quả.
“Một số công trình thuộc thẩm quyền của địa phương, nhưng muốn xử lý được lại không dễ dàng, vì còn nhiều vướng mắc liên quan tới các quy định về quản lý tài sản công”, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Trần Nam Thuần thông tin.
Thực trạng đất, trụ sở bỏ không đã gây lãng phí nguồn lực đất đai, làm thất thu ngân sách. Đơn cử như tại trung tâm huyện Đắk Mil hiện có 4 cơ sở nhà, đất bỏ không đang có trị giá hàng chục tỷ đồng. Đó là: Trung tâm Giáo dục thường xuyên cũ, Bệnh viện Đa khoa huyện (cũ), UBND xã Đắk Lao (cũ) và Chi cục Thuế (cũ)...
Tổng diện tích đất của 4 công trình này là hơn 20.000m2. Tổng giá trị đất của các khu đất chưa vận hành, khai thác căn cứ theo bảng giá đất được UBND tỉnh Đắk Nông ban hành vào khoảng hơn 84 tỷ đồng.
“Những cơ sở nằm trên khu "đất vàng", có giá trị rất lớn, nếu được liên kết để kinh doanh, thương mại, dịch vụ thì sẽ tăng nguồn thu ngân sách mạnh cho địa phương”, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil Lê Văn Hoàng cho hay.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài chính Đắk Nông Nguyễn Văn Phò cho rằng, ở góc độ tài chính, tài sản công không sử dụng sẽ gây mất nguồn thu cho ngân sách. Các công trình nếu được cho thuê sẽ tăng thu cho ngân sách địa phương.
Một số công trình nếu được xử lý sớm, dứt điểm sẽ mang lại hiệu quả kinh tế tức thì. Xử lý dứt điểm vấn đề này đang rất cần sự vào cuộc quyết liệt của một số địa phương.
Các công trình bỏ hoang đã trở thành vấn đề nóng, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua. Trong lúc ngân sách Đắk Nông như “một chiếc chăn hẹp”, kéo chỗ này, hở chỗ kia thì tình trạng những công trình xây dựng hàng tỷ đồng để hoang là một sự lãng phí lớn.
Một số công trình lãng phí có những nguyên bắt nguồn từ khâu tính toán quy hoạch, quyết định đầu tư, sử dụng ngân sách chưa tốt. Những công trình này sẽ được xử lý ra sao, dường như vẫn chưa có được giải pháp mang tính khả thi.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh