Tuyên truyền về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm: Chú trọng “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”

Tường Mạnh| 08/08/2016 15:21

Mới đây, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn tỉnh. Một trong những hạn chế mà Chỉ thị nêu ra là việc tuyên truyền về bảo đảm VSATTP vẫn còn mang tính chất phản ánh những vi phạm là chính, tạo sự hoang mang cho người tiêu dùng.

ADQuảng cáo

Đông đảo học sinh, cán bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn tỉnh tham dự lễ phát động Tháng hành động "Vì An toàn thực phẩm" năm 2016. Ảnh: Vũ Trang

Theo đánh giá chung thì thời gian qua, công tác ATTP trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả nhất định. Hệ thống quản lý nhà nước về ATTP từ tuyến tỉnh đến cơ sở cơ bản đã đi vào hoạt động nền nếp. Nhận thức của nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP đã có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, một thực tế phải thẳng thắn nhìn nhận là công tác bảo đảm VSATTP vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Cụ thể như nhân lực thiếu, trang thiết bị kiểm nghiệm chưa đáp ứng được nhu cầu. Nguy cơ tiềm ẩn mất ATTP đối với loại hình thức ăn đường phố diễn ra phức tạp. Thực phẩm tồn dư hóa chất độc hại, thực phẩm giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường. Việc tố giác, đấu tranh với các hành vi làm mất ATTP chưa cao...

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên thì có nhiều, nhưng chủ yếu là do thiếu sự tập trung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự buông lỏng quản lý ATTP ở một số địa phương. Lực lượng kiểm tra còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Công tác xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực ATTP còn thiếu kiên quyết, chủ yếu là nhắc nhở, chưa chú ý xem xét, xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức.

ADQuảng cáo

Vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội, công luận và người dân tham gia giám sát, bảo đảm VSATTP chưa được phát huy, nhất là tại cơ sở. Đặc biệt, việc tuyên truyền về vấn đề này mới tập trung phản ánh vi phạm mà chưa chú trọng biểu dương, khuyến khích những tập thể, cá nhân, doanh nghiệp làm tốt công tác bảo đảm VSATTP.

 Tần suất những vụ việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm “bẩn” ở nơi này, nơi nọ xuất hiện dày đặc. Bên cạnh những mặt tích cực, thì tất cả những điều đó cũng vô hình trung đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu nhập của người dân, doanh nghiệp làm ăn chân chính và làm cho người tiêu dùng hoang mang, giảm lòng tin vào thị trường không ít. Với nỗi lo thường trực, người tiêu dùng khi đi chợ luôn băn khoăn không biết phải “mua gì, ăn gì” cho khỏi dính vào thực phẩm “bẩn”. Thậm chí để đối phó với vấn đề thực phẩm “bẩn”, không ít gia đình đành “tự cung tự cấp” bằng việc tự trồng rau xanh, nuôi gà, nuôi heo...

Từ thực tế đó cho thấy, cùng với việc đề cao trách nhiệm, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước thì công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về ATTP cần phải có sự chuyển hướng, đổi mới cho phù hợp hơn theo phương châm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”.

Bên cạnh bảo đảm thông tin khách quan, trung thực, kịp thời về vi phạm ATTP thì công tác tuyên truyền cũng phải tập trung nêu bật những điển hình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng vào thị trường. Việc tuyên truyền, giáo dục không chỉ dừng lại ở các cơ quan báo chí, truyền thông mà là trách nhiệm của cả các cơ quan chức năng, chính quyền, đoàn thể các cấp ngay tại khu dân cư.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên truyền về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm: Chú trọng “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO