Kinh tế

Hợp tác xã – “Bệ đỡ” để nông nghiệp phát triển

Phan Thanh Nga 15/05/2024 05:43

Kỳ 3: Vấn đề đặt ra và giải pháp tháo gỡ

Các HTX nông nghiệp của Đắk Nông đang có những lợi thế và nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, các HTX nông nghiệp của tỉnh cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần được tháo gỡ.

Vấn đề đặt ra

Ông Lê Anh Sơn, Giám đốc HTX Sản xuất – Thương mại –Dịch vụ Bình Minh, huyện Cư Jút chia sẻ: “Lợi thế lớn nhất đó là các HTX nông nghiệp của Đắk Nông đang ở trên vùng đất đai rộng lớn lại phù hợp với nhiều cây trồng".

img_0154(1).jpg
Đắk Nông đã xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây hồ tiêu

Nắm bắt những lợi thế này, HTX Bình Minh đã liên kết với 825 hộ nông dân sản xuất khoảng 1.000ha hồ tiêu bền vững. Trong đó, HTX có 88 thành viên trồng 93,7 ha hồ tiêu đã được chứng nhận Rainforest Alliance (sản xuất bền vững) với sản lượng 125 tấn/năm.

HTX Nông nghiệp – Thương mại – Dịch vụ xoài Đắk Gằn, huyện Đắk Mil có 21 thành viên và liên kết trên 100 hộ nông dân trồng gần 300ha xoài được chứng nhận VietGAP.

Mỗi năm, HTX cung ứng cho các doanh nghiệp tầm 3.600 tấn xoài VietGAP. "Nông dân có đất đai, HTX tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ, từ đó cùng phát triển, tăng hiệu quả kinh tế”, ông Hà Quang Đạo, Giám đốc HTX nhấn mạnh.

1(1).jpg
Trái xoài của Đắk Nông chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

Cơ hội phát triển là rất lớn, nhưng để vươn ra “biển lớn”, các HTX đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh, các HTX đã nêu ra những vấn đề cần được tháo gỡ.

Ông Nguyễn Cao Nguyên, Phó Giám đốc HTX Hoàng Nguyên, huyện Đắk Song cho rằng, nhu cầu thế giới dùng hồ tiêu vào khoảng 550.000 tấn/năm.

Mỗi năm Việt Nam xuất bán khoảng 200.000 tấn, trong đó chỉ khoảng 1% là hồ tiêu hữu cơ. Số lượng hồ tiêu hữu cơ xuất khẩu vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong số lượng xuất khẩu.

img_0200(1).jpg
HTX Hoàng Nguyên, huyện Đắk Song có thể mở rộng diện tích hồ tiêu hữu cơ nhưng cần được đồng hành kết nối đầu ra cho sản phẩm

Các HTX mong muốn được các bộ, ngành và tỉnh Đắk Nông tạo điều kiện tham gia các hội chợ quốc tế, nhất là các hội chợ về nông sản hữu cơ để có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường.

Nông sản của Đắk Nông hiện đã xuất khẩu đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, không riêng gì hồ tiêu mà hầu hết nông sản của Đắk Nông vẫn đang phải xuất khẩu qua khâu trung gian.

img_0130(1).jpg
Nông sản của Đắk Nông hiện đã xuất khẩu đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng còn nhiều khó khăn trong mở rộng thị trường và xuất khẩu trực tiếp và cần được tháo gỡ

Ông Hà Quang Đạo, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Thương mại – Dịch vụ xoài Đắk Gằn, huyện Đắk Mil cũng cho biết: “Trên 95% sản lượng xoài của HTX cung cấp cho các doanh nghiệp trung gian và được họ xuất khẩu sang Trung Quốc. HTX mong muốn được các cấp, các ngành hỗ trợ để xuất khẩu trực tiếp”.

Còn ông Lang Thế Thành, Giám đốc HTX Thanh Thái, Krông Nô bày tỏ: "Chúng tôi rất cần được đào tạo về trình độ quản lý, tập huấn kỹ thuật, công nghệ chế biến và đặc biệt là kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm trong nước, quốc tế".

Giải pháp tháo gỡ

Để tháo gỡ khó khăn cho các HTX, thời gian qua, các cấp, các ngành đã đồng hành, quan tâm, từ đó tháo gỡ một phần khó khăn cho các HTX.

Tỉnh hỗ trợ các HTX nông nghiệp về vốn, khoa học kỹ thuật, nhất là các HTX phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, các tiêu chuẩn chất lượng.

img_0048(1).jpg
Nông sản của các HTX được kết nối tiêu thụ sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân Đắk Nông

Ông Hà Công Xã, thành viên HTX Bechamp Đắk Nông, huyện Đắk Song chia sẻ: "Từ khi thành lập đến nay, chúng tôi được hỗ trợ gần 1 tỷ đồng để đầu tư máy móc, nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến cà phê sạch. Sự hỗ trợ của địa phương đã giúp HTX giải quyết một phần khó khăn về vốn".

Năm 2022, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông hỗ trợ HTX sản xuất, thu mua nông sản Hoa Sen, TP. Gia Nghĩa; HTX Dược liệu An Phúc Khang, huyện Đắk Glong và HTX Thương mại, dịch vụ Bình An, huyện Đắk Glong tổng số 675 triệu đồng về máy móc, vật tư nông nghiệp. Năm 2023, Đắk Nông hỗ trợ 3 HTX về máy móc, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trên 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, những năm qua, các HTX được tập huấn kiến thức về tổ chức quản lý, kỹ thuật sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, thông tin thị trường, quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Các HTX được tham quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh.

img_0072(1).jpg
HTX Bechamp Đắk Nông, huyện Đắk Song được hỗ trợ máy móc giúp tháo gỡ một phần khó khăn về vốn

Giải pháp lâu dài, Đắk Nông đang bám sát và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, trong đó nòng cốt là HTX.

UBND Đắk Nông ban hành Kế hoạch số 127 về thực hiện Nghị quyết số 09, ban hành tháng 2/2023 của Chính phủ, Chương trình hành động số 54 của Tỉnh ủy Đắk Nông về thực hiện Nghị quyết số 20. Từ đó, chất lượng HTX của Đắk Nông tăng lên.

Năm 2023, trong số 164 HTX đủ điều kiện xếp loại có 63 HTX hoạt động tốt, khá, chiếm trên 38%; 90 HTX hoạt động trung bình; 11 HTX hoạt động yếu kém. Doanh thu trung bình của HTX tăng lên, ước đạt 1.650 triệu đồng; thu nhập bình quân đạt từ 900 -1.200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Nông cho biết: Đắk Nông đang đưa ra các giải pháp thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia vào HTX từ đó góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Một trong những giải pháp đầu tiên đó là phát triển số lượng, nâng cao chất lượng HTX.

Tháng 4 vừa qua, đồng chí Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND Đắk Nông đã ký ban hành Kế hoạch số 272 về thực hiện Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đến năm 2025, Đắk Nông có ít nhất 30% số HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác; 25% số HTX nông nghiệp được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.

Đến năm 2030, Đắk Nông có ít nhất 45% số HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác, 30% số HTX nông nghiệp được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.

Đồng chí Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh: Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang đẩy mạnh thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để các HTX nắm bắt cơ hội từ đó phát triển mạnh mẽ.

Tỉnh tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu.

Tỉnh tập trung hỗ trợ các HTX về nguồn nhân lực, chính sách đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học, công nghệ, thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường, chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chuyển đổi số.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Hợp tác xã – “Bệ đỡ” để nông nghiệp phát triển
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO