Tuy Đức, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao, vì sao?

Hoa Lý| 04/07/2016 14:59

Theo thống kê của Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Tuy Đức thì năm 2015, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của huyện chiếm 34,8%, tăng 5,5% so với năm 2014. Mức giảm sinh chỉ đạt 17,3%, tăng 2% so với năm trước.

ADQuảng cáo

Sở dĩ tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, phần lớn là do nhận thức của người dân về chính sách DS-KHHGĐ còn hạn chế, cộng với tập quán, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, quan niệm phải có con trai “nối dõi tông đường” vẫn còn khá nặng nề ở nhiều gia đình.

Nhân viên y tế xã Đắk Ngo tuyên truyền cho người dân về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ

Chị Thị Loan, nhân viên y tế bon Bu Nung (Quảng Trực) chia sẻ: “Cán bộ, nhân viên y tế vẫn thường xuyên xuống tuyên truyền, vận động nhưng bà con vẫn không nghe, không làm theo, vẫn muốn sinh nhiều con. Trong bon có nhiều gia đình đã có 4-5 con rồi nhưng vẫn không chịu thực hiện các biện pháp KHHGĐ”.

Gia đình chị H’Doh, 44 tuổi là một ví dụ, vợ chồng chị đã có tới 6 người con. Con lớn nhất năm nay 26 tuổi, hiện cũng đã lập gia đình và có 2 con, trong khi đứa nhỏ nhất chỉ mới hơn 2 tuổi. Do đông con nên đời sống kinh tế gia đình chị hết sức eo hẹp. Các con của chị ngay từ nhỏ đã phải thường xuyên lên rẫy phụ giúp gia đình, chẳng chú ý gì đến chuyện học chữ. Thế nhưng, dù cán bộ dân số tuyên truyền, vận động thế nào đi nữa, nhưng chị vẫn thờ ơ với việc sử dụng các biện pháp tránh thai.

ADQuảng cáo

Một số trường hợp khác chấp nhận sử dụng biện pháp tránh thai, nhưng do sử dụng không đúng cách nên vẫn xảy ra tình trạng mang thai ngoài ý muốn. Đơn cử như chị Thị De ở xã Đắk Búk So, vợ chồng chị đã có 4 người con nên quyết định uống thuốc tránh thai. Thế nhưng, do công việc vườn rẫy bận rộn nên chị thường xuyên quên uống thuốc. Mới đây, chị biết mình đã mang thai đứa con thứ 5.  

Theo Trung tâm DS-KHHGĐ huyện thì có một thực tế nữa là hiện nay, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên không chỉ xảy ra ở người dân vùng dân tộc thiểu số mà còn có thể bắt gặp ngay trong đội ngũ đảng viên, cán bộ, công nhân, viên chức của huyện. Một phần do kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao, nhiều gia đình dù đã “có nếp, có tẻ”, nhưng vẫn muốn sinh thêm con cho “vui nhà, vui cửa” và đề phòng “tai nạn, rủi ro”.

Mặt khác, các hình thức xử lý vi phạm còn nhẹ, thiếu sự thống nhất. Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về chính sách DS-KHHGĐ chưa đầy đủ, họ cố tình tìm cách “lách luật” và sẵn sàng nhận hình thức kỷ luật để sinh thêm con. Tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng dân số, giảm chất lượng cuộc sống, tạo áp lực lớn đối với công tác an sinh xã hội. Đặc biệt, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh trên địa bàn khá cao, với 120 nam/100 nữ.

Trước tình trạng trên, Trung tâm đang tích cực rà soát, tìm hiểu tình hình thực tế để xây dựng kế hoạch hoạt động một cách phù hợp, nhằm từng bước giảm sinh, hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo đó, công tác tuyên truyền, vận động sẽ được đẩy mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu để nâng cao nhận thức cho người dân trong việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt khẩu hiệu “Dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt”, các cấp, các ngành cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, xem công tác DS-KHHGĐ là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, là một nội dung trọng tâm trong chương trình hoạt động của chính quyền và các ngành, đoàn thể.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Đức, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao, vì sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO