Tỉnh Quảng Đức trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Cẩm Trang| 29/04/2018 10:55

Là tỉnh miền núi, Quảng Đức (Đắk Nông ngày nay) trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ giữ vị trí, vai trò quan trọng, góp phần tạo khí thế tiến công và nổi dậy, mở ra bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch Tây Nguyên – chiến dịch mở màn để tạo đà chiến thắng cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thay mặt Đảng, Nhà nước dâng hương tại Khu tưởng niệm, ghi danh các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong quá trình chiến đấu, bảo vệ đường hành lang chiến lược Bắc-Nam tại bon Cây Xoài, xã Đắk Nia (TX. Gia Nghĩa), tháng 10/2017. Ảnh tư liệu

Để tấn công Buôn Ma Thuột, địa bàn tỉnh Quảng Đức trở thành nơi tập kết xe tăng, pháo binh và các phương tiện vượt sông. Chính vì vậy, Bộ Tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm tìm mọi biện pháp để vượt sông.

Liên tục hơn hai tháng trinh sát, bộ đội công binh và đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Chư Jút và Krông Nô hiện nay, chuẩn bị địa điểm và mở hai bến phà loại 50 tấn, đồng thời mở đường dài hàng chục km bằng cách cưa sẵn 2/3 các cây trên đường, đợi khi súng nổ, xe tăng húc đổ cây và tiến ra bờ sông. Nhờ quyết tâm cao của quân và dân trên địa bàn tỉnh Quảng Đức mà Sư đoàn 10 và Sư đoàn 316 tiến vào thị xã Buôn Ma Thuột hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Chiến thắng của quân và dân trên địa bàn tỉnh Quảng Đức đã cắt đứt tuyến đường chi viện của địch từ Đông Nam bộ lên Tây Nguyên theo quốc lộ 14 và từ Lâm Đồng sang theo quốc lộ 28, làm cho quân địch rơi vào trạng thái bị động, mất phương hướng chiến đấu. Tạo đà để quân dân ta trên toàn miền Nam nổi dậy, giành thắng lợi quyết định.

Đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã nuôi, giấu bộ đội, đóng góp sức người, sức của vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong suốt khoảng thời gian từ tháng 9/1974 đến ngày 8/3/1975, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy địa phương, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Đức chủ động tiếp nhận, nuôi, bảo đảm bí mật cho bộ đội chủ lực.

Sư đoàn 316 gồm 5.300 quân, Sư đoàn 10 bộ binh – bộ đội chủ lực Tây Nguyên được đồng bào các dân tộc nuôi bằng khoai, sắn và rau rừng trên nương rẫy. Hơn nữa, với số lượng quân lên đến hàng ngàn người liên tục hoạt động trong hệ thống đồn bốt và trinh sát, tình báo của địch giày đặc nhưng nhân dân trên địa bàn không hề tiết lộ, khiến địch bị động, bất ngờ trong chiến dịch tấn công lên chiến trường Buôn Ma Thuột. 

Đồng thời, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân dân các dân tộc tỉnh Quảng Đức đã cống hiến sức người, sức của với hàng ngàn thanh niên tham gia thoát ly làm cách mạng, cài cắm 9 người vào hàng ngũ địch. Mặc dù còn đói cơm, lạt muối, nhưng đồng bào đã nuôi dưỡng 300 thương binh tại căn cứ Nâm Nung và đóng góp cho cách mạng 650.112 tấn lúa, gạo; 156.260 tấn mì; 310.072 tấn ngô, khoai; 106.863 tấn rau đậu các loại; 20.624 con gà, vịt; 116 con trâu, bò; 479 con heo; 170.579 cây chông tre. Người dân đóng góp hàng vạn ngày công lao động và nhiều phương tiện, đồ dùng, lương thực, thực phẩm để xây dựng, bảo vệ thông suốt 2 tuyến hành lang phục vụ cuộc kháng chiến.

Đường hành lang chiến lược Bắc – Nam đi qua tỉnh Quảng Đức góp phần vận chuyển nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, việc mở đường, khai thông hành lang chiến lược Bắc - Nam trên địa bàn Nam Tây Nguyên là một nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn gian khổ.

Lực lượng hành lang, giao liên của tỉnh đã được quán triệt sâu sắc nhiệm vụ của tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của đoạn Nam Tây Nguyên, Đông Nam bộ là đoạn cuối cùng của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam và chiến trường Lào, Campuchia. Là hậu phương trực tiếp bảo đảm cho tổng tiến công chiến lược giải phóng Sài Gòn, toàn quân, toàn dân ta trên chiến trường miền Nam nói chung, chiến trường Nam Tây Nguyên, Đông Nam bộ và tỉnh Quảng Đức nói riêng, Ban hành lang từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ đã đoàn kết thành một khối thống nhất về ý chí, hành động.

Lực  lượng hành lang, giao liên của tỉnh đã có nhiều sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ. Linh hoạt tùy tình hình, điều kiện chiến trường, đơn vị để sắp xếp lực lượng, dẫn đường cho cán bộ, bộ đội đi công tác, chuyển công văn thư từ bằng đường bộ, đường hành lang nội tỉnh, liên tỉnh hoặc bằng điện đài phục vụ lãnh đạo, xoi đường mới, cắt đường mới khi bị địch chặn đánh hay phát hiện. Đồng thời, lực lượng hành lang Quảng Đức linh hoạt phối hợp với nước bạn Campuchia mở rộng vùng kiểm soát dọc tuyến hành lang, tạo sự liên hoàn, phối hợp có hiệu quả giữa các chiến trường trong kháng chiến.

Với phương tiện chủ yếu là “đôi chân vạn dặm” và tinh thần vượt khó, sáng tạo, cán bộ, chiến sĩ hành lang trên địa bàn tỉnh Quảng Đức đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa nhân lực, vật lực chi viện từ miền Bắc vào miền Nam phục vụ kháng chiến, bảo đảm mạch máu lưu thông, liên lạc, góp phần to lớn vào việc bảo đảm các yêu cầu cơ động và vật chất một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất, làm nên thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Đức, quân và dân trên địa bàn tỉnh đã đấu tranh và giành thắng lợi quyết định vào ngày 23/3/1975, giải phóng thị xã Gia Nghĩa, mở đầu cho sự sụp đổ dây chuyền và thất bại thảm hại của toàn bộ hệ thống chính quyền tay sai toàn miền Nam.

 Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới. Trong chiến đấu, Đảng bộ tỉnh Quảng Đức luôn tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và dân tộc, quán triệt nghiêm túc chủ trương, chỉ thị và nghị quyết của Trung ương Đảng, lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh từng bước vượt qua khó khăn thử thách, góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ - ngụy, cùng quân và dân cả nước lập nên chiến công hiển hách.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng bộ tỉnh không ngừng được củng cố, kiện toàn, ra sức lãnh đạo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống, đoàn kết, nhất trí, khắc phục khó khăn, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh đã đề ra, góp phần xứng đáng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tỉnh Quảng Đức trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO