Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển bền vững

Văn Tâm| 16/07/2015 10:48

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có, được sự hướng dẫn, khuyến khích của các cấp chính quyền, nhiều nông dân ở thị xã Gia Nghĩa đã mạnh dạn từng bước đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đi vào chiều sâu, gắn với phát triển bền vững.

ADQuảng cáo

Điển hình như gia đình chị Bùi Thị Lâm ở thôn Tân Lợi, xã Đắk R’moan từ năm 2010 đã chuyển đổi hơn 0,25 ha đất trồng cà phê kém hiệu quả sang trồng rau xanh.

Chị Lâm cho biết: Tôi nhận thấy nhu cầu tiêu thụ rau xanh trên địa bàn thị xã rất cao, nên mạnh dạn đầu tư trồng rau trên diện tích cà phê trước đây. Sau khi cải tạo 0,25 ha đất đạt đủ tiêu chuẩn trồng rau, tôi tiến hành bón phân hữu cơ đã được ủ hoai mục, sử dụng nguồn nước sạch không bị ô nhiễm, không chứa chất độc hại để tưới cho rau…

Cũng theo chị Lâm, trong quá trình trồng rau, chị luôn áp dụng phương pháp canh tác bền vững. Từ cách làm đó, sản phẩm rau xanh được người dân trong vùng và các tiểu thương tại thị xã đón nhận, đến nay, sản phẩm có đầu ra khá ổn định. Hiện nay, gia đình chị mở rộng diện tích vườn rau lên 0,5 ha, với cách thức trồng rau xanh xen kẽ các loại củ quả như cà rốt, dưa leo, đậu ve, đậu đũa… Mỗi ngày, trung bình gia đình chị đưa ra thị trường trên 300 kg rau các loại, có những lúc cao điểm lên đến từ 500 kg-700 kg, trừ các khoản chi phí, hàng tháng thu nhập từ rau xanh lên đến 35 triệu đồng.

ADQuảng cáo

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Chương ở thôn 4, xã Đắk Nia cũng đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Với 1 ha tiêu, 2 cà phê và 0,5 ha ao cá, nhờ biết chăm sóc đúng kỹ thuật mà năm vừa qua, gia đình ông thu được cả tỷ đồng.

Theo ông Chương, để cây trồng đảm bảo năng suất, chất lượng, tránh được những dịch bệnh hại thì phải chú trọng đến khâu chăm sóc, nhất là bón phân theo đúng thời vụ, đúng giai đoạn sinh trưởng. Riêng đối với cây tiêu, hiện gia đình ông trồng trên những trụ cây sống để tiết kiệm chi phí cũng như hạn chế được mầm bệnh tiềm ẩn trên những thân cây đã chết. Cứ định kỳ theo quy trình kỹ thuật cũng như chế độ sinh trưởng của vườn cây, ông thường áp dụng các biện pháp sinh học, phòng dịch tổng hợp để chăm sóc, phòng ngừa các loại bệnh hại phát sinh trên cây hồ tiêu.

Theo ông Ngô Văn Linh, Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa, sau khi có Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy, thị xã đã ban hành các chương trình hành động, kế hoạch về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phổ biến đến các cấp cơ sở và toàn thể nhân dân. Vì vậy, trên địa bàn Gia Nghĩa đã có hàng chục mô hình trồng hoa theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tập trung ở các xã, phường như: Nghĩa Phú, Quảng Thành…

Ðịa phương cũng xây dựng được trên 25 mô hình trang trại trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi như: Cà phê, hồ tiêu, heo, cá nước ngọt…với quy mô mỗi trang trại từ 5 - 25 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Ðắk Nia, Ðắk R’moan và phường Nghĩa Phú. Các cấp chính quyền luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các thành phần kinh tế, nhất là thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO