Quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Thanh Nga| 06/08/2019 10:25

Trong 5 năm qua, thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp, góp phần phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Triển khai đồng bộ các chính sách

Gia Nghĩa hiện có trên 63.929 nhân khẩu; trong đó đồng bào DTTS là 7.430 nhân khẩu, chiếm 11,6% dân số toàn thị xã. Trong số 23 dân tộc anh em cùng sinh sống, thị xã có 3 DTTS có dân số đông là Mạ, M’nông và Tày. Tại các xã, phường đều có đồng bào DTTS sinh sống, tập trung nhiều tại các xã Đắk Nia, Quảng Thành và Đắk R’moan.

Giai đoạn 2014-2019, các chương trình, chính sách dân tộc, dự án đầu tư vùng đồng bào DTTS được thị xã triển khai đầy đủ và đạt kết quả đáng ghi nhận. Các thôn, bon có đông đồng bào DTTS từng bước được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân địa phương nói chung, DTTS nói riêng.

Nhờ được đào tạo nghề, đồng bào DTTS đã duy trì nghề dệt thổ cẩm, có thêm thu nhập

Các chính sách dân tộc của Trung ương như Chương trình 135 giai đoạn III trên địa bàn thị xã có 3 bon và 1 thôn đặc biệt khó khăn được hưởng lợi. Trong đó, giai đoạn 2014-2016, thị xã được cấp 498 triệu đồng để hỗ trợ trên 61 tấn phân bón cho 466 hộ DTTS đầu tư phát triển sản xuất. Từ năm 2015-2018, địa phương hỗ trợ trên 218 triệu đồng cho 615 hộ mua các loại cây trồng, vật nuôi.

Thực hiện Chương trình 755, thị xã đã hỗ trợ cho 246 hộ DTTS thuộc diện nghèo, đời sống khó khăn với tổng số trên 4 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề cho 244 hộ. Trong 2 năm 2014 -2015, thị xã mua công cụ, máy móc hỗ trợ cho các hộ dân gần 1,5 tỷ đồng. Thực hiện chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2017-2020, đến nay thị xã có 19 hộ DTTS nghèo được UBND thị xã phê duyệt đề án.

Theo thống kê, rà soát, trên địa bàn thị xã hiện có 618 hộ với 1.953 khẩu dân di cư tự do đến sinh sống, tập trung ở 2 xã Đắk Nia và Quảng Thành. Trong đó, 145 hộ với 382 khẩu di cư đến xã Đắk Nia hiện đã được đăng ký thường trú và sinh sống ổn định tại các thôn, bon. Đối với xã Quảng Thành, hiện nay thị xã đang triển khai dự án ổn định dân di cư tự do được phê duyệt tại Quyết định số 1554 ngày 17/10/2011 của UBND tỉnh. Vì vậy, xã Quảng Thành hiện có 473 hộ với 1.571 khẩu đã sống ổn định tại 2 thôn mới thành lập là Nghĩa Thắng và Nghĩa Lợi. Tại 2 thôn này bước đầu đã được đầu tư cơ bản về hạ tầng như giao thông, điện, trường học… để phục vụ đồng bào ổn định sinh hoạt, sản xuất.

Bên cạnh đó, các chính sách dân tộc của tỉnh cũng được thị xã triển khai có hiệu quả. Trong 5 năm qua, thị xã đã thực hiện chính sách hỗ trợ cho 6.090 học sinh với kinh phí trên 526 triệu đồng phục vụ học tập. Từ 2015 đến nay, thị xã có 69 lượt hộ DTTS được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn sản xuất, kinh doanh với tổng kinh phí 251 triệu đồng...

Đầu tư phát triển hạ tầng

Tại các vùng tập trung đồng bào DTTS sinh sống, hạ tầng ngày càng được đầu tư xây dựng. Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III, trên cơ sở nguồn vốn UBND tỉnh phân bổ, UBND thị xã Gia Nghĩa đã giao các xã, phường làm chủ dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng. Từ năm 2014 đến 2016, trên cơ sở kế hoạch vốn 2,28 tỷ đồng, thị xã đã xây dựng 10 công trình. Trong đó, tại xã Đắk R’moan có hệ thống cổng, tường rào, sân nhà văn hóa cộng đồng bon Đắk R’moan.

Tại bon Bu Kol của phường Nghĩa Tân có công trình đường vào nhà văn hóa cộng đồng, hệ thống hàng rào, cổng nhà văn hóa và phòng hiệu bộ Trường tiểu học N’Trang Lơng. Tại thôn Đắk Tân của xã Đắk Nia được xây mới nhà văn hóa cộng đồng. Bon Bu Sóp của xã Đắk Nia được đầu tư sửa chữa nhà văn hóa cộng đồng và xây dựng sân thể thao.

Đường vào xã Đắk R’moan được đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi cho bà con sinh hoạt, giao thương

Từ năm 2014 và 2015, thị xã có bon Đắk R’moan, bon Phăng Kol và thôn Đắk Tân thuộc dự án quy hoạch phát triển thôn, buôn, bon có đồng bào DTTS do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí trên 62,2 tỷ đồng. Bon Đắk R’moan được chọn xây dựng phát triển toàn diện, bền vững, trở thành bon điểm của thị xã và của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, bon Đắk R’moan được đầu tư 21,4 tỷ đồng, trong đó đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 4 công trình gồm cầu treo qua hồ thủy điện Đắk R’tíh, đường giao thông tại bon, 800m đường liên bon, nhà truyền thống...

Đời sống đồng bào được nâng lên

Với việc quan tâm triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp, bộ mặt nông thôn, nhất là vùng DTTS của thị xã có nhiều khởi sắc. Công tác xóa đói, giảm nghèo được các cấp ủy, chính quyền của thị xã xác định là công tác trọng tâm và huy động các nguồn lực chung tay, góp sức, nên đạt được nhiều kết quả. Sau gần 3 năm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn thị xã đã giảm 348 hộ với 1.505 khẩu, giảm 2,09%. Đến nay, toàn thị xã còn 69 hộ nghèo, chiếm 0,41% tổng số hộ dân cư và 183 hộ cận nghèo, chiếm 1,09%. Trong đó, xã Đắk R’moan đến cuối năm 2018 không còn hộ nghèo.

Hộ nghèo được hỗ trợ bò giống để phát triển kinh tế

Bà Nguyễn Thị Lưu, Phó Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa đánh giá: Đến nay, kết cấu hạ tầng ở các thôn, bon có đông đồng bào DTTS từng bước phát triển. Các công trình thủy lợi, hệ thống giao thông nông thôn, trường học, chợ, trạm y tế, nước sinh hoạt, nhà văn hóa cộng đồng được đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, sản xuất của đồng bào. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt. Các phong trào thi đua yêu nước, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, tham gia bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự và toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới được bà con hưởng ứng tích cực.

Thị xã đặt mục tiêu đến năm 2024 phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, nhanh, bền vững, trong đó chú trọng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đồng bào DTTS, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Bám sát mục tiêu đó, cùng với tập trung giải quyết, tháo gỡ những vấn đề như thiếu việc làm, thiếu lương thực, nước sinh hoạt, thiếu tư liệu sản xuất và dụng cụ sinh hoạt tối thiểu, thị xã từng bước hình thành các trung tâm, kinh tế văn hóa vùng DTTS, giảm dần khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các dân tộc và tiếp tục tập trung đầu tư, xây dựng hạ tầng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO