Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt ứng phó bão số 4, chủ động xử lý các tình huống xấu nhất có thể xảy ra
Chiều 19/9, bão số 4 sẽ đổ bộ vào đất liền. Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành đã ban hành công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương chủ động, quyết liệt ứng phó bão và mưa lũ do bão gây ra.
Diễn biến của bão số 4 và mưa lũ rất phức tạp
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Công điện gửi Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Lao động - Thương Binh và Xã hội, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Y tế.
Công điện nêu rõ: Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông vẫn đang di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền các tỉnh miền Trung nước ta. Hồi 22 giờ đêm nay (ngày 18 tháng 9 năm 2024), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc, 111,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 320km về phía Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ 0h - 18h ngày 18 tháng 9, các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 70-250mm, có nơi trên 250mm.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trong đêm ngày 18 tháng 9.
Từ sáng sớm ngày mai (ngày 19 tháng 9 năm 2024), bão có thể gây gió mạnh, sóng lớn ven biển và đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam với sức gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10 (89-102 km/h); gây mưa lớn tại khu vực từ Thanh Hóa đến Bình Định trước, trong và sau bão.
Diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ còn rất phức tạp (dự báo có thể thay đổi cả về cấp độ gió, tốc độ di chuyển, hướng di chuyển, phạm vi ảnh hưởng và lượng mưa).
Tiếp theo công điện số 97/CĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2024, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, nhất là nguy cơ mưa lớn, ngập lụt đô thị và vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở khu vực miền núi, sườn dốc để đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Quyết liệt ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ", chủ động xử lý các tình huống xấu nhất có thể xảy ra
Một là, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình, cập nhật liên tục thông tin diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão và mưa lũ; chỉ đạo triển khai kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế trên địa bàn, quán triệt phương châm "bốn tại chỗ", chủ động xử lý các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Rà soát, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền không đi vào, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện tại nơi neo đậu tránh trú và các hoạt động sản xuất trên biển, ven biển, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu du lịch, dịch vụ ven biển.
Triển khai phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân.
Triển khai các biện pháp để hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, sản xuất kinh doanh, đê điều, hồ đập, công trình xây dựng, nhất là công trình giao thông, đê kè đang thi công dở dang; khẩn trương hoàn thành việc cắt tỉa, chằng chống cây xanh đô thị, nhà cửa, trụ sở, nạo vét, khơi thông cống rãnh, hệ thống tiêu thoát nước.
Vận hành, điều tiết các hồ đập thủy điện, thủy lợi trên địa bàn khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo an toàn tuyệt đối các công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để xảy ra tình trạng lũ chồng lũ.
Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các khu vực dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Chủ động triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra để nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất kinh doanh; kịp thời lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng của thiên tai, nhất là các hộ dân tại các khu vực bị cô lập; tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở, thiếu nước uống.
Ứng trực thường xuyên, sẵn sàng cứu dân, tài sản và các yêu cầu khẩn cấp
Thứ hai, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình, dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai có hiệu quả công tác ứng phó theo quy định.
Thứ ba, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trực ban 24/7, theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thứ tư, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với tàu thuyền vận tải hoạt động trên biển, trên sông; đảm bảo an toàn hoạt động giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không; triển khai các biện pháp phòng, chống bão, lũ bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và các dự án quan trọng quốc gia, công trình hạ tầng giao thông trọng điểm đang thi công tại khu vực.
Thứ năm, Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với các địa phương nêu trên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vận hành hợp lý, khoa học các hồ đập thủy điện, thủy lợi để bảo đảm an toàn công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.
Thứ sáu, Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo các lực lượng cứu hộ, cứu nạn ứng trực thường xuyên, sẵn sàng cứu dân, tài sản và các yêu cầu khẩn cấp khác.
Thứ bẩy, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan truyền thông tăng thời lượng phát sóng, đưa tin để người dân nắm được thông tin đầy đủ, chính xác về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ và chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, qua đó kịp thời triển khai các hoạt động ứng phó phù hợp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản.
Thứ tám, Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc công điện này.
Thứ chín, Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc các Bộ, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão
Trước đó, ngày 17/9/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 97/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; các Bộ trưởng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an.
Công điện nêu: Theo bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng nay (ngày 17 tháng 9 năm 2024), áp thấp nhiệt đới đã vượt qua đảo Ludong (Philippines) vào vùng biển phía đông khu vực bắc biển Đông; hồi 10 giờ sáng nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc, 119,9 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 20km/giờ về hướng quần đảo Hoàng Sa và có khả năng mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới.
Bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền nước ta, gây gió giật mạnh, mưa lớn ở khu vực Trung Trung Bộ và Bắc Trung Bộ trong những ngày tới.
Diễn biến của áp thấp nhiệt đới này còn rất phức tạp (dự báo có thể thay đổi cả về cấp độ gió, tốc độ di chuyển và hướng di chuyển).
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, đặc biệt là nguy cơ mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Một là, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về diễn biến của áp thấp nhiệt đới cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó theo quy định.
Hai là, Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ để chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai có thể ảnh hưởng đến phạm vi quản lý của ngành, địa phương.
Trong đó: Tập trung triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện và các hoạt động trên biển, ven biển.
Rà soát, hoàn thiện kịch bản ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, tập trung bảo đảm an toàn tính mạng hạn chế thiệt hại về tài sản của Nhân dân, vận hành khoa học, an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi.
Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các địa phương dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Ba là, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan truyền thông tăng thời lượng phát sóng, đưa tin để người dân nắm được thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, biết được kỹ năng ứng phó khi xảy ra thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt nhằm hạn chế thiệt hại.
Bốn là, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trực ban 24/7 theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.
Năm là, Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các Bộ, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.
Bộ GDĐT yêu cầu 17 tỉnh bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên; cân nhắc cho nghỉ học
Ngày 19/9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có Công điện số 1225/CĐ-BGDĐT gửi Giám đốc Sở GDĐT các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới, có khả năng mạnh lên thành bão.
Để chủ động và linh hoạt trong công tác ứng phó với bão, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên và cán bộ nhân viên ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ GDĐT yêu cầu Giám đốc Sở GDĐT các tỉnh, thành phố khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; trực ban 24/24 giờ; thường xuyên cập nhật thông tin từ các cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ và chính quyền địa phương để có phương án ứng phó kịp thời.
Lên phương án di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế đến nơi an toàn, đảm bảo không hư hại, hỏng hóc.
Đảm bảo các trường học, cơ sở giáo dục không tổ chức hoạt động ngoại khóa tại các vùng ven biển và vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão.
Cân nhắc cho học sinh nghỉ học khi cần thiết, đặc biệt ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng do mưa bão. Đảm bảo thông tin về lịch học và sự an toàn của học sinh được truyền đạt đầy đủ đến phụ huynh.
Ngay sau khi bão tan, tổ chức dọn dẹp vệ sinh trường lớp, khắc phục thiệt hại về cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn và vệ sinh trước khi đón học sinh quay lại trường.
Liên tục cập nhật thông tin, tổng hợp thiệt hại và lên phương án xử lý báo cáo UBND cấp tỉnh để khắc phục, đồng thời báo cáo về Bộ GDĐT để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Bộ Công an chỉ đạo sẵn sàng các phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
Ngày 17/9, Bộ Công an có Công điện số 16/CĐ-BCA-V01 gửi Công an các đơn vị, địa phương về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Bộ Công an điện: Giám đốc Công an 17 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa;
Thủ trưởng các đơn vị: Cục An ninh kinh tế, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Kế hoạch và tài chính, Cục Quản lý xây dựng và doanh trại, Cục Trang bị và kho vận, Cục Y tế, Cục truyền thông Công an nhân dân.
Thực hiện Công điện số 97/CĐ-TTg ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão; lãnh đạo Bộ yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, tổ chức theo dõi sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự, ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và Nhân dân.
Hai là, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng tổ chức cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn giao thông và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, nhất là tại các địa phương dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm, các hoạt động trên biển, ven biển.
Phối hợp kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tầu thuyền tại các khu neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh, trật tự, xã hội; đảm bảo an toàn hồ đập, thủy điện, công trình có dự án trọng điểm, quan trọng liên quan an ninh quốc gia; sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, nhất là các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão, mưa lũ.
Ba là, chủ động các trang thiết bị, phương tiện đặc chủng chuyên dùng, kịp thời phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ; bảo đảm an toàn về các lực lượng, trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc của lực lượng Công an nhân dân.
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng, kịp thời về hoạt động công tác cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và lan tỏa hình ảnh đẹp của lực lượng Công an nhân dân.
Bốn là, các đơn vị chức năng của Bộ chủ động lực lượng, phương tiện, vật tư, cơ số thuốc men, y tế, kinh phí để kịp thời chi viện cho các địa phương, các địa bàn và triển khai các phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; chỉ đạo Công an các địa phương nắm chắc tình hình, diễn biến áp thấp nhiệt đới, phối hợp các cấp, các ngành theo dõi chặt chẽ và tham mưu chỉ đạo việc xả lũ các hồ thủy điện đảm bảo đúng quy trình, an toàn hồ đập và đặc biệt lưu ý việc thông báo, hỗ trợ di dời dân vùng hạ lưu khi có nguy hiểm.
Năm là, tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời thông tin, truyền đạt mệnh lệnh của lãnh đạo Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương, nhất là cấp cơ sở; đảm bảo quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai.
Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Bộ theo quy định (qua Văn phòng Bộ, SĐT: 069.2299150, 0904231899 hoặc 0979087633).
Bộ Công Thương chỉ đạo ứng phó áp thấp nhiệt đới (bão số 4)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ban hành Công điện số 7229/CĐ-BCT ngày 18 tháng 9 năm 2024 về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Công điện theo rõ, diễn biến của áp thấp nhiệt đới này còn phức tạp (dự báo có thể thay đổi cả về cấp độ gió, tốc độ di chuyển, hướng di chuyển), thực hiện Công điện số 97/CĐ-TTg ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, nhất là nguy cơ mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống có thể xảy ra.
Nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trong ngành công thương tiếp tục chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình áp thấp nhiêt đới, kịp thời chỉ đạo, triển khai ứng phó với phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và hệ thống lưới điện thuộc địa bàn quản lý.
Yêu cầu cơ sở khai thác khoáng sản trên địa bàn có biện pháp phòng chống sụt lở đất, ngập lụt tại các mỏ, rà soát kiểm tra hồ thải quặng đuôi các khai trường, hầm lò khai thác với độ sâu lớn.
Chỉ đạo cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn quản lý, nhất là cơ sở tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất phải có phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho người, công trình, máy móc, thiết bị.
Ngoài ra, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện, vật tư để chủ động triển khai ứng phó với tình huống khẩn cấp có thể xảy ra do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Cùng đó, chỉ đạo các chủ đập thủy điện trên địa bàn thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, tăng cường kiểm tra vận hành đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện, nhất là các hồ đập xung yếu, thủy điện nhỏ hoặc đang thi công, sửa chữa, kịp thời phát hiện điểm có nguy cơ sạt lở để cắm biển cảnh báo.
Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tại địa phương thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.
Khẩn trương rà soát khu vực có khả năng, nguy cơ bị chia cắt, cô lập do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới để kịp thời có phương án dự trữ hàng hóa cụ thể, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhất là lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân.
Bộ trưởng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo cho các tàu thuyền, công trình dầu khí trên biển, công trình dầu khí trên đất liền (thuộc phạm vi quản lý của Tập đoàn) trong vùng bị ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới triển khai khẩn trương phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho người, tài sản và công trình; kịp thời xử lý các tình huống do áp thấp nhiệt đới gây ra. Đặc biệt, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương triển khai biện pháp di dời người, tàu thuyền hoạt động trên biển trong phạm vi quản lý đến khu vực an toàn.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị điện lực tại các địa phương, các chủ đập thủy điện thuộc phạm vi quản lý tập trung sẵn sàng đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Mặt khác, tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra đối với các công trình lưới điện, hồ đập thủy điện nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đặc biệt cho các phụ tải quan trọng; sẵn sàng mọi phương án để cung cấp điện trở lại sớm nhất đối với các khu vực bị sự cố do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Ngoài việc chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy điện thuộc phạm vi quản lý thực hiện đầy đủ yêu cầu tại Công điện này, cần phối hợp với Sở Công Thương chỉ đạo, kiểm tra việc triển khaibiện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là hồ đập xung yếu hoặc đang thi công, sửa chữa; vận hành hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn công trình.
Bộ trưởng cũng lưu ý Tập đoàn, Tổng công ty trong ngành công thương theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới trong thời gian tới để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc phòng chống thiên tai tại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo an toàn cho người và công trình trọng yếu, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện, vật tư để kịp thời xử lý các tình huống do thiên tai gây ra, nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Các chủ đập công trình thủy điện nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, nhất là khi xuất hiện tình huống bất thường; vận hành khoa học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du;trong đó, phải lưu ý thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ.
Huy động tối đa nguồn lực, thiết bị để thông tin cảnh báo, thông báo sớm nhất cho chính quyền địa phương, người dân khu vực phía hạ du trước khi tiến hành xả lũ theo quy trình và theo lệch vận hành của cơ quan thẩm quyền, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.
Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, hạng mục vận hành xả lũ, nhận nước, hệ thống cảnh báo xả lũ khu vực hạ du… và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết (nếu có).
Tổ chức trực ban 24/24h, giữ thông tin liên lạc thông suốt với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, vùng hạ du hồ chứa và công trình đang thi công dở dang, nhất là công trình trọng điểm, xung yếu.
Hơn nữa, kịp thời cắm biển thông báo, cảnh báo cho người dân về khu vực nguy hiểm trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tại địa phương trong việc ứng phó thiên tai và bảo đảm an toàn cho người dân khu vực hạ du, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.
Yêu cầu các đơn vị trong ngành công thương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm Công điện này, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời ứng phó với diễn biến phức tạp của ápthấp nhiệt đới thời gian tới và tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; thường xuyên cập nhập, báo cáo thông tin về Văn phòng thường trực Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương (ĐT: 024.22218310; Fax: 024.22218321. Email: VPTT_PCTT@moit.gov.vn).
Bộ GTVT ra công điện ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
Bộ GTVT vừa có Công điện số 41/CĐ-BGTVT ngày 18/9/2024 về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Để chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trong thời gian tới và triển khai Công điện số 97/CĐ-TTg ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện Công điện số 40/CĐ-BGTVT ngày 16/9/2024 và thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Đối với hoạt động vận tải trên biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận và hoạt động hàng không dân dụng:
a) Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam: chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Đường thủy nội địa liên tục theo dõi diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để thông báo và hướng dẫn tàu thuyền biết khi cấp phép cho tàu rời cảng; kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của ATNĐ, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo.
b) Cục Hàng không Việt Nam: chỉ đạo các Hãng hàng không, Công ty Bay dịch vụ hàng không theo dõi chặt chẽ tình diễn biến thời tiết trong khu vực bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, để điều chỉnh hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối hoạt động bay.
c) Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam: chỉ đạo hệ thống Đài thông tin duyên hải thường xuyên theo dõi chặt chẽ, cập nhật, xử lý ngay thông tin và thông báo kịp thời vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết và chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm.
d) Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam: chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh.
2. Ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất do ảnh hưởng của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão tại khu vực Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên:
a) Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức trực, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở; kiểm soát giao thông, chủ động điều tiết giao thông; cấm đường tại các vị trí nguy hiểm trên các tuyến quốc lộ trong vùng chịu ảnh hưởng của mưa lũ, kiên quyết không cho người và phương tiện đi vào những vị trí này nhằm đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt các khu vực đèo dốc;
Chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, bố trí máy móc, thiết bị và nhân lực ở những vị trí trọng yếu thường xuyên bị sụt trượt để chủ động khắc phục, đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất. Việc triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa, lũ và đảm bảo giao thông phải lưu ý bảo đảm an toàn cho người, thiết bị thi công và các hạng mục công trình; cần đặc biệt chú ý các hạng mục thi công tại khu vực dễ bị sụt trượt, các công trình ở miền núi hay có lũ đột xuất.
b) Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu yếu, đoạn đường dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước; sẵn sàng, chủ động ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
c) Các Sở Giao thông vận tải chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt khu vực, các lực lượng chức năng của địa phương trong việc khắc phục sự cố do mưa, lũ gây ra, tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông thông suốt; tập trung kiểm tra, rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất để có giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trên các quốc lộ được ủy thác và đường địa phương được giao quản lý, có phương án bố trí phương tiện, thiết bị để kịp thời hỗ trợ người dân đi qua các khu vực bị ngập lụt.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên tổ chức trực ban 24/24h và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Giao thông vận tải theo số điện thoại: 0989642456 và Email: banpclb@mt.gov.vn.
Tạm ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay tại Cảng hàng không Đồng Hới do Bão số 4
Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục phát văn bản gửi các đơn vị có liên quan trong Ngành hàng không triển khai các phương án phòng chống, ứng phó cơn bão số 4.
Theo thông tin dự báo khí tượng, ngày 19/9/2024 áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành cơn bão số 4, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác tại các Cảng hàng không, sân bay khu vực miền Bắc và miền Trung.
Cơn bão số 4 dự kiến là cơn bão có đường đi rất phức tạp.
Vì vậy để bảo đảm an toàn khai thác trong thời gian bão số 4 đổ bộ vào đất liền, Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão số 4 với tinh thần phòng, chống từ trước, từ xa, đảm bảo sẵn sàng bốn tại chỗ.
Cục HKVN cũng quyết định tạm ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay tại Cảng hàng không Đồng Hới từ 15h00 đến 22h00 ngày 19/09/2024 (giờ địa phương).
Trực 24/24, bảo đảm khai thác an toàn
Đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Cục HKVN yêu cầu ACV chỉ đạo các cảng hàng không nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão số 4 (Cảng hàng không Đồng Hới, Cảng HKQT Đà Nẵng, Cảng HKQT Phú Bài, Cảng HK Chu Lai và Cảng HK Vinh) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra hệ thống kết cấu hạ tầng cảng hàng không, hệ thống thông tin liên lạc… để kịp thời phát hiện và xử lý các hư hỏng (nếu có) nhằm bảo đảm an toàn cho các công trình, đài trạm, đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác tại cảng hàng không, sân bay.
Đồng thời bố trí trực 24/24h, chủ động cập nhật thông tin khí tượng để kịp thời đề xuất phương án khai thác phù hợp, an toàn.
Đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Cục HKVN yêu cầu VATM chỉ đạo cơ quan khí tượng hàng không tiếp tục thường xuyên theo dõi, cập nhật các bản tin khí tượng để báo cáo Cục HKVN, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hàng không xem xét quyết định việc khai thác tại các cảng hàng không; đồng thời cung cấp thông tin kịp thời cho các cảng hàng không, các hãng hàng không và cơ quan, đơn vị liên quan.
Ngoài ra, thông báo tin tức hàng không phù hợp theo quy định hiện hành đối với việc tạm ngừng tiếp thu tàu bay tại Cảng HK Đồng Hới; chỉ đạo các đơn vị điều hành bay bảo đảm tuyệt đối an toàn.