"Nở rộ" phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng

Mỹ Hằng| 17/10/2013 09:54

Thời gian qua, với sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, phong trào văn hóa-văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân.

ADQuảng cáo

Chuyện ở xã Đắk Búk So

Từ nhiều năm nay, cứ đến các ngày lễ, tết thì xã Ðắk Búk So (Tuy Ðức) lại tưng bừng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo người dân trên địa bàn.

Phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng phát triển mạnh ở thị xã Gia Nghĩa

Chị Nguyễn Thị Thập ở thôn 2 cho biết: “Hàng tuần, sau những ngày lao động vất vả, tôi và một số chị em trong thôn đều tập trung tại nhà văn hóa thôn để cùng nhau sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Tại đây, chúng tôi không chỉ múa hát mà còn chia sẻ tâm tư, trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống để cùng nhau tìm cách tháo gỡ”.

Còn chị Hoàng Thị Thu ở thôn 7 vui vẻ nói: “Tuy chỉ là các tiết mục “cây nhà lá vườn”, nhưng bằng tình yêu văn nghệ, những người nông dân chúng tôi luôn thể hiện một cách đằm thắm, mượt mà những ca khúc, điệu múa nói về tình yêu quê hương, đất nước, Bác Hồ kính yêu, tôn thêm niềm tự hào dân tộc trong mỗi con người”.

Theo ông Phạm Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Ðắk Búk So thì thời gian qua, xác định tầm quan trọng của phong trào văn hóa, văn nghệ đối với sự phát triển kinh tế, xã hội nên cấp ủy, chính quyền xã luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các hoạt động này. Ban văn hóa- thông tin xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xây dựng các đội văn nghệ tại các thôn, bon. Mỗi đội có từ 5- 12 người tham gia, với nhiều độ tuổi khác nhau và sinh hoạt dựa trên tinh thần tự nguyện.

Mỗi khi địa phương tổ chức các sự kiện văn hóa thì các đội văn nghệ thôn, bon đều cùng nhau luyện tập để chọn ra tiết mục tham gia hội diễn. Xã cũng đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tranh thủ sự ủng hộ của các doanh nghiệp, cá nhân có tâm huyết để duy trì có hiệu quả hoạt động của các đội văn hóa, văn nghệ.

Thông qua các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ này mà người dân trong thôn, xã sống đoàn kết hơn, biết giúp đỡ nhau trong sản xuất cũng như phát triển kinh tế và tránh xa được những tệ nạn xã hội. Nhờ đó mà hiện nay, toàn xã đã có 1513 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Thúc đẩy xây dựng nông thôn mới

ADQuảng cáo

Không chỉ riêng xã Ðắk Búk So mà tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh đều thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác văn hóa, thể thao tại cơ sở. Hàng năm, bên cạnh việc tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ văn hóa cơ sở thì các địa phương đều tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ như: Ngày hội văn hóa các dân tộc, Tiếng hát Hoa phượng đỏ, Liên hoan tiếng hát thanh thiếu niên...

Riêng ở các trường học cũng đã thành lập được những đội, nhóm văn nghệ tiêu biểu. Vào các dịp công nhận danh hiệu thôn, bon, cơ quan, đơn vị văn hóa thì các hoạt động văn hóa, văn nghệ được thường xuyên tổ chức, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của nhân dân.

Cùng với việc khai thác các chủ đề ca ngợi Ðảng, Bác Hồ kính yêu, sự thay đổi của quê hương, đất nước..., các đội văn nghệ quần chúng còn khai thác những nét đẹp văn hóa của các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn, góp phần quảng bá và cùng chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa.

Ông Lê Văn Trung, Trưởng Ban văn hóa xã Ðắk Wil (Chư Jút) cho biết: “Mặc dù được tiếp cận nhiều phương tiện nghe nhìn, nhưng phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng cũng rất cần thiết trong cộng đồng làng xã. Ðối với xã biên giới còn nhiều khó khăn như Ðắk Wil, thì phong trào thực sự khơi dậy được nét đẹp truyền thống văn hóa của địa phương, là nguồn cổ vũ động viên mọi tầng lớp nhân dân thi đua lao động sản xuất, thắt chặt tình đoàn kết xóm làng, tránh xa các tệ nạn xã hội và cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Những việc làm đó tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng nó đã góp phần rất hiệu quả trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

Phát huy giá trị văn hóa của phong trào

Có thể thấy, các hội diễn văn nghệ quần chúng không chỉ là nơi các nghệ nhân, diễn viên không chuyên có dịp thể hiện năng khiếu văn nghệ mà còn là dịp để giao lưu về nét đẹp văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc.

Thông qua các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng mà ngành văn hóa đã tìm ra những “hạt nhân” có năng khiếu văn nghệ, có tâm huyết đẩy mạnh phong trào. Với sự góp mặt của các đội văn nghệ quần chúng, không những nhiều lễ hội như lễ cầu mùa, lễ mừng lúa mới, lễ ăn trâu... đã được khôi phục mà các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng được đưa vào khai thác, phục vụ đời sống nhân dân.

Ngoài ra, các thành viên trong các đội văn nghệ quần chúng còn là những “tuyên truyền viên” tích cực trong việc vận động đồng bào các dân tộc xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tích cực phòng chống ma túy, đảm bảo an toàn giao thông, tham gia phát triển kinh tế.

Theo ông Cao Thế Bảy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh thì hiện tại, toàn tỉnh đã thành lập được 32 đội văn nghệ quần chúng, 41 đội văn nghệ dân gian ở các xã, phường, thị trấn...luôn duy trì sinh hoạt.

Ðể thúc đẩy, phát huy vai trò văn hóa quần chúng trong đời sống hiện đại thì nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư tăng âm, loa đài, mua sắm trang phục, đạo cụ, xây dựng thêm sân khấu biểu diễn, tạo ra sân chơi bổ ích, thu hút nhiều người dân tham gia. Nhờ đó, phong trào văn hóa, văn nghệ ngày càng đi vào chiều sâu và phát triển mạnh mẽ, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, thắt chặt thêm tình đoàn kết xóm làng, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Nở rộ" phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO